Thị trường

Không hoãn Thông tư 02 dù nợ xấu ngân hàng tăng 10-20%

Trả lời luôn kiến nghị của lãnh đạo ngân hàng MB và VietinBank về việc hoãn thời gian thực hiện Thông tư 02, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu định hướng: “Thông tư 02 là tiếp cận dần các chuẩn mực quốc tế, nếu chậm lại thì kéo dài tiếp tình trạng chưa mạnh”.

Ngân hàng sợ phơi bày nợ xấu

Thông tư 02/2013 đáng ra được áp dụng vào ngày 1/6/2013 nhưng đã lùi lại 1 năm, quy định phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng sẽ siết chặt việc phân loại nợ và trích lập dự phòng.
 
Ngoài ra, kết quả phân loại nợ còn có sự điều tiết của một bên thứ 3 là Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) của Ngân hàng nhà nước (NHNN) sẽ khiến việc kiểm soát nợ xấu chặt chẽ hơn và có nguy cơ nợ xấu tăng nóng. 
 
Hiện vẫn còn 6 tháng nữa, song nhiều lãnh đạo ngân hàng cùng lúc kiến nghị NHNN xem xét tiếp tục hoãn áp dụng Thông tư 02 thêm một thời gian, thậm chí đến 2015 và 2016.
 
Không hoãn Thông tư 02, mặc nợ xấu ngân hàng có thể tăng 10-20%
 
Phát biểu tại hội nghị toàn ngành ngày 18/12 vừa qua, TGĐ của NHTMCP Quân Đội – Ông Lê Công cho biết, sự hấp thụ vốn của các DN đã được cải thiện nhưng hoạt động của ngành NH năm 2013 và 2014 tới đây vẫn tiếp tục đối mặt với những thách thức.
 
Ông Lê Công đề nghị: “Trong bối cảnh kinh tế còn rất khó khăn, chịu tác động rất lớn của nền kinh tế thế giới, mặc dù ngành ngân hàng đã có nhiều tiến bộ nhưng sức khỏe của nền kinh tế nói chung, ngành ngân hàng và các doanh nghiệp vẫn đang rất yếu. Nếu áp dụng thông tư này vào điều kiện hiện nay có thể làm các NH và DN thêm khó khăn. Chúng tôi đề nghị chọn một thời điểm áp dụng Thông tư 02 cho phù hợp hơn.”
 
Ông Phạm Huy Hùng – chủ tịch NHTMCP Công thương Việt Nam cũng cùng chung ý kiến. “Đề nghị NHNN xem xét tiếp tục hoãn thực hiện TT02 trong năm tới. Rồi chúng ta tính tiếp xem năm 2015, 2016 như thế nào chứ triển khai ngay bây giờ, bày hết cả ra mà chưa giải quyết được", ông Hùng nói.
 
Trước đó, ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt cũng đã nêu quan điểm: “Nếu áp dụng thông tư 02 vào tháng 6 cũng đồng nghĩa với việc tiếp tục trói doanh nghiệp lại và làm phát sinh nợ xấu ồ ạt. DN không những không thể hồi phục được mà còn xảy ra sự đổ bể của DN lớn”.
 
Theo các chuyên gia ngân hàng, lý do khiến các ngân hàng muốn hoãn thời gian thực hiện thông tư 02, là vì áp Thông tư 02, nợ xấu nhiều ngân hàng có thể tăng lên 10%, 20%, thậm chí cao hơn. Ngân hàng phải dồn một nguồn dự phòng lớn, có thể thua lỗ và thiếu lực để xử lý nợ xấu, tăng chi phí và gây sức ép đối với lãi suất…
 
Các doanh nghiệp vay vốn theo đó cũng bị ảnh hưởng. Lớn nhất, hạng mức tín nhiệm nhiều doanh nghiệp sẽ bị hạ, đồng nghĩa chi phí vay đắt hơn, thậm chí không thể vay được vốn, sản xuất kinh doanh sẽ càng đình đốn, khó khăn…
 
Một quy định có sức nặng ảnh hưởng lớn nhất trong Thông tư 02 là các ngân hàng phải lấy thông tin từ Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC) làm cơ sở phân loại nợ. Nếu doanh nghiệp có nhiều khoản vay tại nhiều ngân hàng, một khoản bị xếp vào nhóm nợ rủi ro cao, tất cả các khoản còn lại cũng đều bị chung nhóm đó.
 
Điều “đáng sợ” nằm ở quy định trên, khi thực tế có rất nhiều doanh nghiệp cùng lúc có dăm bảy khoản vay tại nhiều ngân hàng khác nhau. Chỉ cần một khoản rơi vào diện nợ xấu ở ngân hàng này, tất cả các khoản vay còn lại tại những ngân hàng khác đều trở thành nợ xấu, theo phân loại quy định tại Thông tư 02.
 
Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết thực hiện Thông tư 02
 
Mặc dù các ngân hàng đã kiến nghị việc hoãn thời gian thực hiện Thông tư 02 nhưng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vẫn cương quyết chỉ đạo việc thực hiện Thông tư, ông nêu định hướng: “Thông tư 02 là tiếp cận dần các chuẩn mực quốc tế, nếu chậm lại thì kéo dài tiếp tình trạng chưa mạnh”.
 
Định hướng đó đặt trong nội dung Thủ tướng chỉ đạo toàn hệ thống phải đẩy mạnh hơn nữa việc minh bạch, lành mạnh trong hoạt động, quản trị và điều hành; tiếp cận các chuẩn mực quốc tế để từng bước mạnh hơn, vững chắc hơn…
 
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu ngân hàng kiên quyết xử lý sở hữu chéo, nợ xấu trong toàn ngành ngân hàng.
 
"Những ngân hàng còn yếu kém, nếu không kiên quyết thì sẽ dẫn tới khó khăn. Ngân hàng nào khó khăn thì tự giác làm đi. Sân sau, sở hữu chéo, lũng đoạn, làm ngân hàng cho công ty mình vay rồi đổ vào bất động sản, rồi hàng đống nợ", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói. 
 
Thủ tướng bày tỏ sự quan ngại lớn về vấn đề nợ xấu khi ông đề cập đến con số vẫn ở khoảng 8% theo các tiêu chí giám sát, thay vì con số khoảng 4,6% mà các tổ chức tín dụng báo cáo.
 
Đại diện NHNN, ông Đặng Văn Thảo – Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) nói: “Nợ xấu có thể tăng lên trong năm 2014 khi áp dụng Thông tư 02, cơ quan thanh tra có chỉ thị các tổ chức tín dụng tính toán xem nợ xấu có thể phát sinh thêm thế nào và từ đó có kế hoạch trích lập dự phòng”
 
Trả lời báo Đất Việt, Nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Cao Sỹ Kiêm cũng đồng tình với việc áp dụng Thông tư 02 vào 1/6/2013. Ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, Thông tư 02 là chủ trương rất đúng làm lành mạnh, rõ ràng theo thông lệ quốc tế về vấn đề nợ xấu của ngân hàng mà sở dĩ trước đây chúng ta chưa làm được là vì các doanh nghiệp lúc đó quá khó khăn nếu thực hiện ngay Thông tư 02 vào thời điểm 1/6/2013 càng khiến cho việc tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp khó khăn nên khó khăn sẽ càng khó khăn hơn.
 
"Việc lùi thời gian, để các ngân hàng chuẩn bị tự cứu mình trong thời gian ngắn nhưng Thông tư 02 dứt khoát phải làm trong năm 2014 vì mình cam kết quốc tế và nếu làm lành mạnh hệ thống ngân hàng một cách công khai minh bạch để cho phát triển bền vững", ông Kiêm nói. 
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo