Kì 2: Trung thu nào cho trẻ em?
Những năm gần đây, đồ chơi Trung Quốc đã đánh bạt hàng Việt Nam ra khỏi thị trường bởi những sản phẩm có hình thức đa dạng, phong phú, mẫu mã hấp dẫn, giá cả phải chăng. Nhất là vào dịp Trung thu, đi dọc những con phố như phố đèn lồng Phú Định ở thành phố Hồ Chí Minh hay phố đồ chơi Hàng Mã tại Hà Nội, mặt hàng được bày bán chủ yếu là những chiếc đèn Trung thu phát nhạc sáng đèn có xuất xứ từ Trung Quốc.
“Không chỉ đồ chơi mà hàng hóa Trung Quốc hiện nay đang lấn át thị trường Việt Nam cũng như thị trường thế giới. Theo Thông ước Quốc tế, chúng ta cũng phải mở cửa, đón nhận các mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, để Trung Quốc lấn át cả thị trường như hiện nay thì đó là vấn đề đáng phải quan tâm”, PGS.TS văn hóa Phạm Ngọc Trung cho hay.
Năm nay, trên các con phố lớn đã bày bán rất nhiều những chiếc đèn Trung thu xuất xứ của Việt Nam, nhờ vào tinh thần “Người Việt dùng hàng Việt” đang ngày càng được nêu cao. Những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn vẽ các con vật, cả lồng đèn biển đảo với các bài hát quen thuộc của thiếu nhi Việt Nam như “Chiếc đèn ông sao”, “Tết Trung thu rước đèn ông sao”, các mặt hàng này rất được người dân ủng hộ và đã thay thế dần lồng đèn của Trung Quốc.
Bé Linh (5 tuổi, trường mẫu giáo Ánh Sao) khi được bố mẹ đưa đi mua đồ chơi thì đã quyết định lấy một chiếc đèn lồng Em yêu đất nước Việt Nam có tiếng nhạc là bài “Tùng tùng dinh dinh” thay vì những chiếc đèn lồng Trung Quốc với âm thanh ò e nhàm chán. Khi được hỏi về lý do lựa chọn của mình, bé Linh chia sẻ: “Cháu thích chiếc đèn này vì nó đẹp. bài hát này chúng cháu được cô dạy ở lớp nên hát theo được.” Mẹ bé Linh cũng tâm sự rằng muốn mua cho cháu đồ chơi của Việt Nam vì chất lượng đảm bảo và an toàn hơn cho trẻ em.
Đây là một tín hiệu vô cùng đáng mừng. Tuy nhiên, ngoài mặt hàng lồng đèn thì thị trường hàng nội địa vẫn thiếu hẳn những sản phẩm khác cũng rất được trẻ em yêu thích như mặt nạ, cánh thiên thần, váy công chúa, súng bắn bong bóng, trang phục hóa trang thành các loài vật hay nhân vật hoạt hình…
Trung Quốc vẫn đi trước chúng ta rất nhiều bởi đánh được vào tâm lý của rất nhiều đối tượng khác nhau, ưa chuộng nhiều mặt hàng khác nhau chứ không chỉ lồng đèn. Vậy nên, mặc dù đèn lồng Việt chiếm ưu thế áp đảo, nhưng các mặt hàng đến từ nước bạn vẫn nắm giữ thị phần không nhỏ cho các mặt hàng Trung thu khác.
Đi dọc Hàng Mã, rất nhiều bạn trẻ đi chơi Trung thu với chiếc kính hình con thỏ có râu, những chiếc tai mèo hay sừng quỷ có đèn nhấp nháy. Đó đều là những mặt hàng có xuất xứ Trung Quốc.
“Mình cũng rất ủng hộ hàng Việt Nam và muốn mua dùng, nhưng trên thị trường không hề có bán các mặt hàng như thế này, mà chỉ có hàng thủ công rất xấu. Mình cũng như nhiều bạn trẻ khác, đi chơi còn muốn chụp ảnh để khoe lên facebook, nên không chỉ muốn những thứ đồ an toàn, mà còn phải đẹp và độc đáo nữa. Những thứ như thế ở Việt Nam chưa thấy ai làm, nên mình đành phải dùng tạm đồ Trung Quốc thôi”, bạn Bích (sinh viên năm 3, Học viện Báo chí - Tuyên truyền) cho biết.
Đây là vấn đề mà các cơ quan chức năng phải định hướng phát triển cho đầu tư sản xuất kinh doanh chủng loại mặt hàng này tốt hơn, để có thể đáp ứng nhu cầu của người dân. Chúng ta có thể sản xuất những mặt hàng truyền thống dân gian, cũng có thể sản xuất mặt hàng mẫu mã mới bảo đảm chất lượng cho trẻ em chơi, miễn là đồ chơi mang phong cách Việt Nam, phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.
Không thể nào bắt trẻ em hiện đại chơi những chong chóng, những đèn kéo quân hay súng bằng bẹ chuối rất thô sơ như trước kia, nhưng ở một chừng mực nào đó, các em vẫn rất có ý thức lựa chọn hàng Việt Nam thay cho các sản phẩm của nước ngoài nếu hàng nội địa có thể đáp ứng được những nguyện vọng mà các em mong muốn.
Cần phải đầu tư để hiện đại hóa và chiếm lĩnh thị trường thì mới có thể làm chủ trên “sân nhà”. Chúng ta cần phải biến nhận thức thành hành động và hành động một cách quyết liệt thì mới có cơ hội giành được thị trường, không chỉ với mặt hàng đồ chơi Trung thu. Có như vậy, chúng ta mới góp phần bảo tồn văn hóa Việt Nam nhân dịp những ngày lễ truyền thống như rằm tháng Tám hiện nay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo