Kì 3: Trung thu nào cho trẻ em
“Ma trận” bánh trung thu
Trước đây, một phần vì điều kiện kinh tế còn khó khăn, những mặt hàng giá rẻ mới có khả năng tiêu thụ được. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, những chiếc bánh nướng, bánh dẻo của người xưa tuy đơn giản nhưng vừa ngon, vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, lại vừa phải với túi tiền của người tiêu dùng.
Khoảng vài năm trở lại đây, rất nhiều thương hiệu bánh trung thu mọc lên với đa dạng chủng loại. Cuộc “cách mạng” bánh trung thu đã bùng nổ với nhiều cách tân, đột phá. Ngày càng có nhiều loại bánh có công thức pha chế hiện đại, nhân bánh đa dạng, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của người tiêu dùng. Hình thức, mẫu mã của bánh trung thu cũng được chú trọng với nhiều kiểu dáng đẹp và lạ, đảm bảo tiêu chí “bắt mắt” và ấn tượng. Những chiếc bánh này có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng đa dạng trong xã hội hiện đại như: Gửi cho họ hàng, biếu tặng đối tác tại nước ngoài hay những nơi đòi hỏi hành trình dài mà những chiếc bánh trung thu trước kia không đáp ứng được.
Theo PGS.TS văn hóa Phạm Ngọc Trung thì đây là hiện tượng bình thường tất yếu, khi kinh tế thị trường ngày càng phát triển, ngày càng đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng khách hàng, từ người bình dân cho tới người khá giả, giàu có.
Theo khảo sát của PV báo Doanh nghiệp Việt Nam, tại cơ sở bánh trung thu Kinh Đô ở phố Lò Đúc (Hà Nội), bên cạnh dòng bánh truyền thống phục vụ phân khúc khách hàng bình dân, công ty cũng sản xuất dòng bánh cao cấp với giá dao động trong khoảng từ 650.000 - 1.500.000 đồng. Những sản phẩm sang trọng này, ngoài chất lượng bánh và hình thức bao bì hấp dẫn, còn có thêm nhiều “phụ kiện” phụ trợ cho việc “thưởng” bánh, như trà hoặc rượu.
Tuy nhiên, nếu đi sâu vào khía cạnh truyền thống văn hóa, có một số sản phẩm mới chệch khỏi quỹ đạo văn hóa Việt Nam, đồng thời cũng quá mức với khả năng tiêu thụ của người Việt Nam: Giá quá đắt, thậm chí có những loại bánh được dát vàng hay rắc bột vàng lên, trị giá lên tới tiền triệu, hình thức quá cầu kì mà ăn không ngon, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đa số các loại bánh trung thu hiện nay đều có chât bảo quản để giữ bánh trong thời gian dài (khoảng hai tháng).
“Phú quý sinh lễ nghĩa”
Xuất phát từ ý nghĩa truyền thống của dịp Tết trung thu, nhiều doanh nghiệp trong dịp này biếu tặng bánh cho đối tác để thắt chặt quan hệ, tình cảm và sự gắn bó. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ những cá nhân, tổ chức lợi dụng thời điểm này để “củng cố” địa vị, lợi ích của mình. Đằng sau những chiếc bánh trung thu đơn thuần, là những “phong bì”, những tính toán cá nhân.
PGS.TS văn hóa Phạm Ngọc Trung cho rằng: “Đây là điều đáng bị lên án mạnh mẽ. Bởi tết Trung thu là dành cho thiếu nhi, đòi hỏi sự trong sáng và chuẩn mực văn hóa. Nếu vì nhân dịp này mà có những cá nhân, tổ chức lợi dụng để mưu cầu lợi ích cho mình, sử dụng đồng tiền lấy vật chất quyết định nhiều công việc thì sẽ làm cho xã hội phát triển méo mó, lệch lạc”. Kể cả đối với các cháu thiếu nhi sống trong những gia đình có tồn tại “văn hóa phong bì” cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi ngay từ nhỏ các cháu đã bị reo rắc tâm lý về những món quà cáp hơi quá - mức - bình - thường! - Ông Trung nói thêm.
Những nhà quản lý và nghiên cứu văn hóa, cơ quan truyền thông cần phải tích cực tác động, định hướng cho công chúng, dư luận làm sao giữ gìn được truyền thống văn hóa của Việt Nam nhân dịp Trung thu. Công chúng cũng cần phải có thái độ hưởng ứng bằng việc đón nhận thông tin, không nên sính ngoại, cạnh tranh nhau không cần thiết.
Giá trị truyền thống vẫn có sức sống lâu bền
Những ngày này, hai cửa hàng bánh trung thu Bảo Phương trên phố Thụy Khuê lúc nào cũng nườm nượp người ra kẻ vào, xếp hàng chờ đến lượt mua bánh. Biển hiệu ghi rất rõ: “Nhà hàng chỉ bán duy nhất 01 loại bánh thập cẩm. Giá: 200.000đ/hộp (04 bánh)”. Mỗi người chỉ được mua tối đa ba hộp. Những người mua hàng đùa nhau rằng: “Chẳng khác gì xếp hàng mua đồ thời bao cấp!”. Vậy mà họ vẫn cứ kiên nhẫn chờ đến lượt.
Anh Tuấn (Phúc Xá, Hà Nội) cho biết: “Năm nào mình cũng lên đây xếp hàng mua bánh trung thu. Bánh truyền thống, ăn riết là quen rồi. Vì số lượng bánh mua bị giới hạn nên mình mua về cũng chỉ toàn để gia đình ăn chứ không đem đi biếu tặng ai cả!”
Còn anh Long (Thụy Khuê, Hà Nội) chia sẻ: “Cửa hàng Bảo Phương chỉ chuyên làm bánh trung thu nhân truyền thống và họ đã gây dựng được thương hiệu của mình từ lâu đời. Tôi nghĩ họ có một bí quyết nào đó để tạo ra sự khác biệt với những loại bánh khác trên thị trường. Người dân cũng rất sành ăn, những loại bánh bán trên thị trường cũng đều được sản xuất công nghiệp nên rõ ràng không thể nào đạt chất lượng bằng bánh thủ công truyền thống được”.
Trong giao lưu văn hóa, chúng ta tiếp nhận phần nào văn hóa nước ngoài. Nhiều loại bánh theo công thức của Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc,... nhưng nhiệm vụ chính của chúng ta vẫn là phát huy thị trường bánh trung thu truyền thống. Đây là là trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý cũng như ý thức của người tiêu dùng, tất cả phải cùng nhau bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Mặc dù chỉ là những cái bánh nhân dịp lễ Trung thu. Nó chứa đựng rất nhiều hồn văn hóa, chứa đựng những tình cảm, tình yêu đối với văn hóa dân tộc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dự báo thời điểm bão Yinxing đổ bộ vào Biển Đông, xuất hiện ngay trong tuần này?
Vốn FDI là cơ hội nhưng không phải động lực chính cho kỷ nguyên vươn mình
Cơ cấu lại kinh tế vùng Đông Nam Bộ theo hướng hiện đại
Siêu lợi nhuận từ đa dạng hóa sản phẩm từ sen
Đà Nẵng: Giải ngân vốn đầu tư công gặp hai bất cập lớn