Kinh doanh và tiêu dùng

Doanh nghiệp bán lẻ kỳ vọng lớn vào Tết Nguyên đán

Dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn, song các doanh nghiệp bán lẻ vẫn quyết định tăng dự trữ hàng hóa từ 5 - 25%, triển khai nhiều chương trình ưu đãi, đẩy mạnh kênh online để gia tăng doanh số trong mùa mua sắm cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên lối sống lành mạnh và bền vững / 75% mã sản phẩm đóng góp chưa tới 2% doanh thu toàn bộ ngành hàng tiêu dùng nhanh

Theo Bộ Công Thương, người dân hiện còn e ngại tập trung đông người nên lượng khách đi mua sắm tại hệ thống siêu thị, chợ giảm 30 - 50% trước khi có dịch. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp bán lẻ đặt kỳ vọng lớn vào mùa mua sắm cuối năm.

Chuẩn bị trước 4 tháng, gia tăng doanh số ở kênh online

Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG, cho biết doanh nghiệp đã lên kế hoạch chuẩn bị mùa mua sắm cuối năm và Tết Nguyên đán từ tháng 9. Dự kiến, lượng hàng dự trữ tăng 25% so với năm ngoái.

tap-trung-mua-mua-sam-cuoi-nam-3904-1636

Doanh nghiệp bán lẻ kỳ vọng lớn vào Tết Nguyên đán, tăng lượng hàng dự trữ từ 5-25%.

Chia sẻ với VnBusiness, ông Dũng đặt kỳ vọng việc mở rộng tiêm chủng vắc xin phòng ngừa COVID-19 sẽ ổn định hoạt động giao thương và mua bán, không lo ngại thị trường đóng băng.Năm ngoái, thời điểm gần Tết, dịch bệnh bùng phát ở Hải Dương và một số tỉnh thành đã ảnh hưởng lớn tới sức mua. Tuy nhiên, doanh nghiệp tin rằng tình trạng này sẽ không xảy ra vàonăm nay.

Theo đó, hệ thống các siêu thị của BRG đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu. Siêu thị làm việc với nhà cung cấp chạy khuyến mãi, tặng kèm cho mùa mua sắm cuối năm nhằm kích cầu, giúp khách hàng mua sắm dễ dàng.

Tổng giám đốc BRG cho hay, vừa qua, dịch bệnh ảnh hưởng khiến người dân giảm nhu cầu mua sắm với các mặt hàng cao cấp, hàng nhập khẩu, hàng không thiết yếu như thời trang, gia dụng. Trong đó, mặt hàng thời trang có doanh số bán ra giảm từ 10-20%.

"Để tăng doanh số, doanh nghiệp bán lẻ cũng đang đẩy mạnh bán hàng đa kênh. Thời điểm nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, doanh số bán qua các kênh online tăng gấp 5 - 7 lần so với trước. Tuy nhiên, sau khi kết thúc giãn cách lại suy giảm. Do vậy, đây sẽ là mục tiêu mà chúng tôi cần phải đẩy mạnh trong mùa mua sắm cuối năm", ông Dũng nói.

Đẩy mạnh chương trình khuyến mãi, gia tăng tiện ích mua sắm cho khách hàng cũng đang là chiến lược mà nhiều siêu thị nhắm đến. Hệ thống siêu thị GO!, Big C cho biết không chờ tới mùa mua sắm cuối năm, từ ngày 4/11 đến hết ngày 17/11/2021, siêu thị sẽ triển khai chương trình “Lễ hội ưu đãi”, giảm giá đến 49% đối với hàng nghìn sản phẩm, kèm nhiều quà tặng.

 

Ngoài ra, đáp ứng nhu cầu mua sắm chuẩn bị cho các dịp lễ hội cuối năm, hệ thống siêu thị GO!, Big C cũng giảm giá mạnh các mặt hàng thời trang, quần áo, giày dép; đồ dùng gia đình…

Đại diện hệ thống siêu thị GO!, Big Ccho biết, lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết Nhâm Dần của doanh nghiệp dự kiến tăng 5 - 7% so với kế hoạch Tết 2021, trong đó tập trung vào nguồn hàng trong nước, đặc biệt chú trọng đến các mặt hàng truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Nội, chia sẻ hành vi mua sắm thay đổi, cấu trúc hàng hoá thay đổi sẽ tạo áp lực lên thương mại hiện đại. Trong thời điểm dịch, với hàng thực phẩm tươi sống, hàng thiết yếu thì siêu thị hiện đại thường bán không lợi nhuận, càng bán thì càng lỗ. Có lúc phải đóng cửa 1/4 số siêu thị nhưng chi phí vẫn phải tiếp tục gánh chịu, không có doanh thu, hoặc doanh thu cũng tạo nên lãi gộp rất thấp nhưng Saigon Co.optiếp tục phối hợp cùng các nhà cung cấp thực hiện các chương trình khuyến mãi.Saigon Co.op sẽ đẩy nhanh nâng cấp, hoàn thiện hoạt động bán hàng trực tuyến để áp dụng rộng rãi trong toàn hệ thống.

Không để xảy ra khan hàng, sốt giá

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội, trong quý IV/2021 đến hết quý I/2022, hoạt động sản xuất kinh danh gặp phải khó khăn như dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên địa bàn TP.Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh khu vực phía Bắc dẫn đến sản xuất, kinh doanh phục hồi chậm, lưu thông, vận chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng.

 

Một số sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên dễ ảnh hưởng tới nguồn cung. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi, con giống tăng mạnh trong khi giá bán sản phẩm giảm, ảnh hưởng tới quyết định tái đàn, trồng trọt...

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Công Thương TP Hà Nội kỳ vọng các cơ chế, chính sách về phục hồi, phát triển kinh tế được ban hành sẽ tháo gỡ bớt khó khăn cho doanh nghiệp để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các cơ chế chính sách cho sản xuất nông nghiệp.

Sở Công Thương TP Hà Nội dự báo, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.000 tỷ đồng (tương đương với phục vụ Tết năm 2201).

Trong khi đó, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi Thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều loại hình dịch vụ, sản xuất kinh doanh đang khôi phục trở lại, sức tiêu thụ hàng hóa, lương thực tại các siêu thị, chợ truyền thống đã gia tăng.

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh dự báo sắp tới nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người tiêu dùng sẽ tăng mạnh mẽ. Các doanh nghiệp, đầu mối đều đã có sự chuẩn bị nguồn hàng phong phú. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh đã có sự liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong vùng Đông, Tây Nam Bộ sẵn sàng cung ứng hàng nông sản với giá hợp lý cho Thành phố.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phân phối trên địa bàn có phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu.

 

Trong trường hợp xảy ra biến động thị trường, thông qua các doanh nghiệp này, cơ quan quản lý nhà nước có thể thực hiện việc điều tiết, kịp thời bổ sung, chi viện hàng hóa giữa các địa phương hoặc các vùng để tránh nguy cơ đứt gãy nguồn cung hàng hóa.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm