Kinh doanh và tiêu dùng

Hàng nhập siêu rẻ tràn vào, nông sản nội điêu đứng

Cá tầm, hành tím Trung Quốc, hay hoa quả, thịt gà ngoại giá rẻ... đổ bộ vào thị trường Việt Nam khiến người sản xuất trong nước gặp rất nhiều khó khăn, nông sản sụt giá thê thảm. Theo các chuyên gia, cần sớm có giải pháp căn cơ cho vấn đề này.

Dọc mùng sấy khô thành đặc sản nơi phố thị, "hét giá" 300.000 đồng/kg / Thị trường PC tăng trưởng nhanh nhất trong 20 năm

Những ngày gần đây, nhiều hộ dân trồng hành tím không thể bán được sản phẩm. Nguyên nhân một phần do những bất lợi từ dịch COVID-19 khiến thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, nhưng chủ yếu vẫn là hành trong nước khó cạnh tranh với hành Trung Quốc, Thái Lan được bán với giá siêu rẻ.

Sau cá tầm, hành tím 'kêu cứu'

Ông Mã Chí Thọ, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cho biết, địa phương này tồn đọng khoảng 50.000 tấn hành tím. Giá hành tím tại ruộng xuống thấp kỷ lục chỉ còn 4.000 - 5.000 đồng/kg, người trồng hành lao đao.

hanh-tim-kho-canh-tranh-voi-ha-4695-4811

Hành tím trong nước rớt giá chưa từng có vì hành Trung Quốc giá siêu rẻ đổ bộ.

"Thông thường vào thời điểm này, giá hành tím sẽ tăng lên khoảng 18.000 - 20.000 đồng/kg, thấp nhất cũng vào khoảng 15.000 đồng/kg. Với giá hành tím từ 14.000 - 15.000 đồng/kg thì nông dân mới có lãi. Còn với giá hiện tại, nếu bán sẽ lỗ", ông Thọ cho biết.

Theo ông Thọ, hiện nay, hành tím có xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc bán trên thị trường chỉ có giá khoảng 3.000 đồng/kg, nên hành tím trong nước cũng giảm giá theo, dù chất lượng củ hành tím Vĩnh Châu hơn hẳn. Hành tím Trung Quốc to hơn hành tím Vĩnh Châu nhưng vỏ có màu nhạt, không đẹp và nồng bằng.

Không chỉ hành tím, trước đó câu chuyện cá tầm Trung Quốc nhập lậu khiến cá tầm Việt Nam lao đao đã xảy ra. Chủ tịch Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Đình An đã phải có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Công an kiểm tra, rà soát, làm rõ có hay không việc quản lý lỏng lẻo, lợi dụng kẽ hở pháp luật để nhập lậu cá tầm từ Trung Quốc.

Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng cho biết, sản lượng cá tầm ở tỉnh này năm 2020 đạt gần 3.000 tấn, tiêu thụ chủ yếu ở thị trường miền Nam. Đến cuối năm 2020 có khoảng 500 tấn cá tầm không xuất bán được do sự cạnh tranh giá từ cá tầm Trung Quốc giá rẻ.

Tương tự, tại Sa Pa (Lào Cai), với 240 trang trại, cơ sở và hộ nuôi, ước tính mỗi năm cung cấp ra thị trường ít nhất 500 tấn cá. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, cơ sở, người dân nuôi cá tầm lo lắng khi gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ cá tầm Trung Quốc.

 

Cùng số phận, những tháng đầu năm 2021, giá ớt ở Bình Định cũng rớt thê thảm, được thương lái thu mua chỉ từ 8.000 - 9.000 đồng/kg, trong khi những năm trước dao động từ 25.000 - 40.000 đồng/kg.

Vì sao khó kiện chống bán phá giá?

Với một số loại trái cây, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho hay, trong tháng 3/2021, giá xoài giảm mạnh so với thời điểm sau Tết; nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản lượng nhiều trong bối cảnh tiêu thụ gặp khó khăn. Cụ thể, giá xoài Đài Loan thu mua tại vườn ở Vĩnh Long chỉ còn từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, còn giá xoài cát núm từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Trong khi cùng kỳ năm trước, giá xoài ở Đồng bằng sông Cửu Long thấp nhất là 17.000 đồng/kg.

Tương tự, giá bưởi da xanh tại Khánh Hòa cũng ở mức thấp kỷ lục, trung bình chỉ từ 15.000 - 25.000 đồng/kg (ở thời điểm cuối năm 2019, đầu năm 2020 ở mức 35.000 - 45.000 đồng/kg) và tình hình tiêu thụ bưởi tại các nhà vườn chậm...

Nhiều năm qua, câu chuyện đùi gà Mỹ, thịt bò nhập khẩu siêu rẻ đổ bộ thị trường Việt Nam cũng đã khiến sản xuất trong nước lao đao. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đến nay, chúng ta chưa có giải pháp căn cơ để giải quyết câu chuyện này.

 

Cụ thể về vấn đề nhập lậu, có lẽ vẫn nằm ở việc quản lý của các ngành trong việc giám sát nguồn gốc các loại nông sản nhập khẩu còn lỏng lẻo, để rồi "mất bò mới lo làm chuồng" như câu chuyện cá tầm Trung Quốc "đội lốt" cá tầm Việt Nam.

Mặt khác, đối với những mặt hàng nông sản nhập khẩu chính ngạch bán với giá rẻ làm khó sản xuất trong nước, có lẽ giải pháp căn cơ nhất vẫn là áp dụng các biện pháp tự vệ. Tuy nhiên, vấn đề này cũng đang gặp phải những vướng mắc. Đơn cử sau nhiều năm, ngành chăn nuôi gia cầm trong nước vẫn chưa thể kiện đùi gà Mỹ bán phá giá.

Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, công cụ kiện chống lẩn tránh thuế thì rõ ràng vẫn cần phải tính tới. Song, để có thể áp dụng được biện pháp phòng vệ thương mại, trên thực tế đòi hỏi phải đáp ứng những điều kiện và quy định rất chặt chẽ được WTO cũng như pháp luật phòng vệ thương mại của Việt Nam đặt ra.

Theo bà Giang, một trong những điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất là việc các doanh nghiệp (DN) trong nước cần tập hợp lực lượng để đáp ứng yêu cầu được coi là đại diện cho ngành sản xuất trong nước (chiếm ít nhất 25% tổng sản lượng sản xuất trong nước). "Đây thường là một trở ngại khá lớn với DN của chúng ta khi đa phần các DN là DN nhỏ và vừa", bà Giang nói.

Trên thực tế, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, có một số vụ việc mặc dù đã có những dấu hiệu khá rõ ràng về hành vi bán phá giá cũng như những thiệt hại của ngành sản xuất trong nước do tác động của hàng hóa nhập khẩu bán phá giá. Tuy nhiên, các DN sản xuất trong nước lại chưa thể cùng phối hợp xây dựng hồ sơ yêu cầu điều tra theo quy định, do đó vụ việc chưa được tiến hành xem xét, điều tra theo quy định pháp luật.

 

Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất để giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản là tạo lập chuỗi giá trị, đẩy mạnh kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng. Theo TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, ngành nông nghiệp hiện vẫn giữ nguyên kết cấu sản xuất cũ của nhiều năm trước đây. Người nông dân chỉ có một cách duy nhất là sản xuất càng nhiều, hàng hóa càng rẻ để bù đắp lại nên sản xuất thừa nông sản là hệ quả tất yếu.

Người dân đô thị có nhu cầu cao hơn về các loại nông sản như trái cây, hoa thì khu vực nông thôn chỉ đáp ứng được một phần, phần còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài. Do vậy, ông Sơn cho rằng đây là lúc Việt Nam cần tính toán lại chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung nâng cao giá trị nông sản, hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất, đa dạng hóa nguồn cung, đánh giá đúng vai trò của thị trường để hạn chế sự lệ thuộc vào bên ngoài.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm