Kinh doanh và tiêu dùng

Học cách ứng biến với thị trường nội địa

Sự lan rộng của dịch Covid-19 khiến cho nhu cầu, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng Việt thay đổi nhanh, đòi hỏi các doanh nghiệp cần học cách ứng biến, định vị chiến lược sản xuất kinh doanh trên “sân nhà”.

Nỗ lực giảm giá thịt lợn xuống ngưỡng 70.000 đồng/kg / Dưa hấu Quảng Ngãi gặp khó vì không tiêu thụ được

Là người khá linh hoạt trong kinh doanh, giữa mùa dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Thân, chủ của một chuỗi khách sạn ở quận 7 (Tp.HCM) vốn đang gặp khó khăn chung về lượng khách lưu trú, cho biết vừa mở cửa hàng bán thức ăn nhanh có tên gọi Mangfood với hàm ý “thuận tiện cuộc sống”.

Thay đổi trong các kênh mua sắm

Nắm bắt xu hướng người tiêu dùng đang cần sự tiện lợi để tránh dịch bệnh, nên những món thức ăn chủ lực ở cửa hàng này là có thể dùng kèm với các loại thực phẩm khác. Chẳng hạn như món gà xé dùng để ăn kèm với bánh mì, xôi, cháo, cơm, kể cả nhâm nhi ở nhà cho các bữa sáng, trưa và tối thay vì ra ngoài đường phố tìm món ngon.

Xu hướng mua sắm giữa mùa dịch đang thay đổi, đòi hỏi DN Việt thích ứng tốt

Xu hướng mua sắm giữa mùa dịch đang thay đổi, đòi hỏi DN Việt thích ứng tốt

Điểm đáng chú ý trong cách thức bán hàng của ông Thân là việc đẩy mạnh phương thức giao hàng đến tận nhà thông qua kênh trực tuyến (online). Việc quảng bá thương hiệu được ưu tiên trên Facebook và các trang mạng xã hội. Sản phẩm cũng công khai đầy đủ các thông tin về nguồn gốc động vật và các tiêu chuẩn an toàn để người mua yên tâm.

Đây có thể xem là một trong những cách ứng biến của giới doanh chủ trên thị trường tiêu dùng Việt trong thời buổi khó khăn này. Và quan trọng là các doanh chủ phải thích ứng, nắm bắt được những thay đổi trong nhu cầu, xu hướng của người tiêu dùng Việt.

Đơn cử như trong ngành công nghiệp tiêu dùng nhanh (FMCG). Một báo cáo đánh giá mới đây của hãng nghiên cứu thị trường Kantar Worrldpanel về ngành bán lẻ và thay đổi của người tiêu dùng ở thị trường Việt Nam cho thấy sự lan rộng của dịch Covid-19 đang làm gián đoạn các doanh nghiệp (DN) FMCG.

Dựa trên dữ liệu của Worldpanel, tăng trưởng thị trường của FMCG Việt Nam có sự chậm lại trong 2 tháng đầu năm 2020 so với tình hình lạc quan hồi năm ngoái.

 

Các sản phẩm sữa, thực phẩm đóng gói và sản phẩm chăm sóc cá nhân đã cố gắng duy trì sự tăng trưởng, trong khi đồ uống bị suy giảm mặc dù đang là mùa cao điểm. Điều này có thể được giải thích khi mà người tiêu dùng Việt đang hạn chế tiếp xúc bên ngoài nhằm tránh lây lan dịch bệnh.

Tuy nhiên, không phải tất cả các danh mục và nhà bán lẻ sẽ thấy tác động tiêu cực. Phía Kantar Worrldpanel cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ tác động trên các kênh mua sắm khác nhau để làm sáng tỏ cách thay đổi hành vi của người tiêu dùng Việt. Điều này nhằm giúp các thương hiệu và nhà bán lẻ kịp thời phản ứng trong thời điểm không ổn định, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ giữa mùa dịch.

Thông qua các số liệu khảo sát cho thấy có những thay đổi không chỉ trong giỏ hàng của người tiêu dùng mà còn ở sự lựa chọn kênh mua hàng của họ trong quá trình bùng phát dịch Covid-19.

Định vị lại dòng sản phẩm

“Mua sắm trực tuyến chiếm ưu thế và bùng nổ đáng kể nhờ số lượng giao dịch ngày càng tăng, thúc đẩy tăng trưởng chi tiêu FMCG trực tuyến lên 3 chữ số chỉ trong tháng kể từ khi có thông báo chính thức dịch tại Việt Nam. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong những tháng tới, đặc biệt là khi đã có lời khuyên từ chính quyền địa phương để mua sắm trực tuyến nhằm tránh lây nhiễm từ đám đông”, Kantar Worldpanel đưa ra nhận định.

 

Ngoài ra, cần kể thêm một cuộc khảo sát thị trường gần đây của Kantar Worrldpanel với Gojek về nhu cầu tiêu dùng ngành ẩm thực Việt Nam cho thấy người dùng có xu hướng sử dụng kết hợp nhiều ứng dụng cho việc đặt món trực tuyến để tận dụng hết thế mạnh riêng về sự đa dạng món ăn của từng ứng dụng.

Hơn 60% người được khảo sát cho biết đã từng sử dụng dịch vụ đặt món trực tuyến để mua đồ ăn. Tại cả hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM, hơn 3/4 số người này có dùng dịch vụ đặt món trực tuyến ít nhất 1 lần/tuần. Gần 30% người dùng 2-3 lần/tuần và khoảng 5-6% đặt đồ ăn trực tuyến hơn 10 lần/tuần.

Cho rằng người tiêu dùng Việt đang có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm, thực phẩm tăng sức đề kháng tự nhiên để chống dịch bệnh, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc CTCP Vinamit, có lời khuyên với các DN mới gia nhập ngành nông sản thực phẩm là nên định vị lại chiến lược sản xuất, dòng sản phẩm hướng đến sức khỏe, sức đề kháng…

Hoặc các DN liên quan đến chế biến thực phẩm nên sản xuất sản phẩm chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Theo ông Viên, các DN cần nắm bắt được cảm xúc của người tiêu dùng Việt trong lúc này để tìm cách riêng nhằm phục vụ, chăm sóc khách hàng tốt hơn.

“Khi người tiêu dùng nhận biết được việc nâng cao sức khỏe, hệ miễn dịch thì chứng tỏ được rằng DN cũng nâng cao “hệ miễn dịch” để tồn tại và phát triển”, ông Viên nói.

 

Ở góc độ quản lý, với thị trường nội địa trong bối cảnh đối mặt dịch bệnh như hiện nay, Bộ Công Thương nhấn mạnh đây là lúc cần đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và khuyến khích tiêu dùng nội địa.

Nhất là cần nâng cao chất lượng hàng nội địa để tăng tính cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Và thay vì chỉ chăm chăm xuất khẩu trong khi không ít thị trường đang gặp khó thì các DN nên tập trung phát triển thị trường “sân nhà”.

Đặc biệt, các DN trong nước cần hình thành và phát triển những chuỗi cung ứng hàng hóa, trước hết là chuỗi cung ứng những hàng hoá thiết yếu mà người tiêu dùng Việt đang có nhu cầu cao hoặc đáp ứng xu hướng tiện lợi.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm