Kinh doanh và tiêu dùng

Mua xe gầm cao tầm 500 triệu đồng, chọn Toyota Raize hay Suzuki XL7?

Toyota Raize có ưu thế về giá bán và tính năng trang bị, trong khi Suzuki XL7 rộng rãi và vận hành đa năng hơn.

Top 10 ôtô cỡ nhỏ bán chạy nhất thế giới: Toyota Corolla vững ngôi đầu, Honda Civic thứ 2 / Honda CR-V bỏ xa Mazda CX-5 về doanh số

Với thị hiếu người dùng trong nước ngày càng ưa chuộng xe gầm cao, các nhà sản xuất đã liên tiếp giới thiệu những sản phẩm mới. Trong hơn một năm qua, cái tên được chú ý hàng đầu ở nhóm xe 7 chỗ cỡ nhỏ là Suzuki XL7, còn Toyota Raize là tân binh SUV hạng A nổi bật hàng đầu sau khi ra mắt vào đầu tháng 11.

Với việc đang được giảm 50% lệ phí trước bạ, mức chênh lệch giữa Suzuki XL7 (590-600 triệu đồng) với Toyota Raize (527-535 triệu đồng) chỉ còn khoảng 30 triệu đồng, đưa khách hàng đến lựa chọn xe 5+2 hay SUV đô thị với khoảng tiền hơn 500 triệu đồng.

Toyota Raize linh hoạt, Suzuki XL7 đa dụng

Yếu tố chính ảnh hưởng đến quyết định mua Raize hay XL7 là nhu cầu sử dụng, cần xe nhỏ gọn linh hoạt chạy phố hàng ngày hay muốn sự đa dụng của một mẫu ôtô 7 chỗ.

So sánh về kích thước, Toyota Raize gọn gàng hơn với chiều dài tổng thể chỉ tầm 4 m, còn Suzuki XL7 to lớn hơn đáng kể khi có chiều dài gần 4,5 m.

Kích thước của 2 xe.

Điều này sẽ mang đến khác biệt khi di chuyển ở điều kiện đường phố đông đúc hoặc ra vào bãi đỗ xe chật hẹp, lợi thế rõ ràng nghiêng về Raize với khả năng xoay xở cơ động.

Còn XL7 với thân xe to lớn hơn ít nhiều sẽ có phần hạn chế, tuy nhiên biến thể nâng gầm của Suzuki Ertiga vẫn khá linh hoạt khi có khoảng sáng gầm 200 mm, tương đương Raize, cùng bán kính quay vòng tốt, đạt 5,2 m.

Bên trong, Toyota Raize có được nội thất đủ thoải mái cho 5 người dù cho vóc dáng không quá to lớn. Hàng ghế thứ 2 có khoảng để chân đạt 900 mm và có bề rộng để 3 người lớn ngồi cùng nhau.

 

Trong khi đó, khoang hành lý tiêu chuẩn của Raize ở mức tốt với dung tích 369 lít khi đi đủ 5 người, còn khi gập hàng ghế sau có thể tăng thành 1.133 lít.

Với Suzuki XL7, điểm cộng lớn nhất nằm ở việc có thêm hàng ghế thứ 3 để cạnh tranh với những dòng xe 5 chỗ có mức giá 500-600 triệu đồng như Raize.

Thực tế, các dòng xe 5+2 như XL7 chủ yếu để sử dụng 5 người, trong khi hàng ghế thứ 3 phù hợp hơn cả cho trẻ em hoặc để người lớn di chuyển đoạn ngắn. Bên cạnh đó, nhờ kích thước lớn hơn và khả năng bố trí 2 hàng ghế sau linh hoạt nên khả năng chở hàng tốt hơn.

 

Toyota Raize nhỉnh hơn về trang bị

Về thiết kế ngoại thất, cả Toyota Raize và Suzuki XL7 cùng có thiết kế nam tính và cứng cáp. Các đường nét chủ đạo của cả 2 đều toát lên vẻ năng động, trẻ trung và cho cảm giác “gầm cao máy thoáng” của xe SUV thực thụ, hợp với sở thích của khách hàng Việt Nam.

Các điểm chung mà Toyota và Suzuki mang đến cho 2 mẫu ôtô đô thị Nhật Bản có thể kể đến đèn chiếu sáng LED hình khối, lưới tản nhiệt cỡ lớn, đèn hậu LED 3D, ăng-ten vây cá hay cánh lướt gió trên cao. Dù vậy, XL7 vẫn gây ấn tượng tốt hơn nhờ ốp hốc bánh “vạm vỡ” và thanh giá nóc thể thao.

 

Về mặt trang bị ngoại thất, Toyota Raize có ưu thế khi sử dụng mâm 17 inch, lớn hơn cỡ 16 inch của XL7 và cụm đèn được tích hợp cảm biến để bật tắt tự động.

Bên trong cabin, mẫu xe của Toyota tiếp tục nhỉnh hơn khi so sánh về tiện nghi và an toàn. Với mức giá tầm 530 triệu đồng, Raize có được nhiều tính năng nổi bật như màn hình tốc độ kỹ thuật số 7 inch, lẫy chuyển số, 6 túi khí (so với 2 túi), cảm biến va chạm trước/sau (XL7 chỉ có cảm biến sau), cảnh báo điểm mù, cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau.

Điểm trừ là Toyota không có hốc gió phụ cho hàng ghế thứ 2, trong khi XL7 có thêm hốc gió điều hòa trên trần xe cho người ngồi sau. Ngoài ra, Suzuki cung cấp tùy chọn ghế bọc ghế là nỉ hoặc da, còn Raize sử dụng loại ghế da pha nỉ với chủ đạo là vải.

 

Còn lại, Raize và XL7 có nhiều điểm tương đồng về mặt tiện ích như màn hình thông tin giải trí cỡ lớn, kết nối Apple CarPlay/Android Auto hỗ trợ sử dụng trợ lý tiếng Việt Kiki, điều hòa tự động, chìa khóa thông minh, nút bấm khởi động, camera lùi...

>> Xem thêm: Bảng giá xe Toyota tháng 11/2021: Thêm 3 sản phẩm mới, 3 mẫu xe được ưu đãi

Toyota Raize phù hợp đô thị, Suzuki XL7 với đa dạng địa hình di chuyển

 

Nhìn vào bảng so sánh thông số, khó có thể nói Toyota Raize thua kém nhiều so với đối thủ. Tuy nhiên, với việc sử dụng động cơ tăng áp dung tích nhỏ thì mẫu SUV hạng A thực tế phù hợp nhất cho nhu cầu di chuyển hàng ngày ở đô thị.

Trải nghiệm thực tế cho thấy Raize vận hành mượt mà và êm ái ở dải vận tốc thấp và trung bình khi đi phố nhờ vào hộp số vô cấp CVT. Trang bị này cũng giúp xe có được mức tiêu thụ nhiên liệu tốt, đạt 5,6 lít/100 km ở điều kiện hỗn hợp theo công bố từ nhà sản xuất.

>> Xem thêm: Giá lăn bánh Toyota Raize, đối thủ của Kia Sonet

Còn trên cao tốc, mẫu xe của Toyota không mạnh trong những tình huống cần vượt xe ở tốc độ từ 60 km/h, độ trễ tăng áp dễ dàng cảm nhận được và tiếng gầm của động cơ cũng rõ ràng hơn.

 

Về phía Suzuki XL7, động cơ hút khí tự nhiên I4 1.5L và hộp số tự động 4 cấp đủ đáp ứng sức kéo khi đi đủ 7 người hoặc chở nhiều đồ đạc. Khả năng đi đường trường của XL7 ở mức khá tốt, không thuộc diện dư thừa công suất nhưng vẫn đủ để người điều khiển mẫu ôtô 5+2 vượt xe hay đi đèo núi tự tin hơn lúc cầm lái Raize.

>> Xem thêm: Bảng giá ôtô VinFast tháng 11/2021: VF e34 lên kệ

Dù “uống xăng” nhiều hơn Raize, mức tiêu hao nhiên liệu trung bình 6,39 lít/100 km của XL7 vẫn thuộc diện tốt khi so sánh với các mẫu xe 7 chỗ cùng hạng, ví dụ như Mitsubishi Xpander hay Toyota Rush.

 

Kết luận

Nhìn chung, Toyota Raize hướng đến những khách hàng trẻ lần đầu mua ôtô, chủ yếu sử dụng xe trong đô thị và cần một phương tiện có giá bán vừa phải, đi cùng danh sách trang bị tiện nghi, an toàn đa dạng.

>> Xem thêm: Đánh giá Kia Sonet 2022, đối thủ đáng gờm của Toyota Raize

Trong khi đó, Suzuki XL7 với tính tiện dụng của nội thất dạng 5+2 chỗ ngồi sẽ phù hợp với các gia đình có đông thành viên, có thể đáp ứng được nhiều mục đích di chuyển và đảm bảo yêu cầu về chi phí sử dụng hợp lý, tiết kiệm. Cũng không ít khách hàng lựa chọn XL7 để kinh doanh dịch vụ vận chuyển.

Bảng giá xe
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm