Kinh doanh và tiêu dùng

Nhu cầu vận tải đường bộ tăng mạnh giữa đại dịch

DNVN - Trong khi giá cước đường hàng không và đường biển biến động mạnh giữa đại dịch COVID-19 thì vận tải đường bộ đã cung cấp những mức giá, công suất ổn định. Do đó, dự kiến nhu cầu sẽ tiếp tục gia tăng.

Nhiều doanh nghiệp vận tải thêm phí phụ thu đến 60% trong dịp Tết Tân Sửu / Bộ GTVT ủng hộ mở hai tuyến vận tải khách đường thủy Đà Nẵng – Cù Lao Chàm, Đà Nẵng – Lý Sơn

So với hàng không và đường biển, vận tải đường bộ có giá thấp hơn đáng kể.

Theo sách trắng “Hành trình tăng trưởng của vận tải hàng hóa tại Đông Nam Á” được hãng vận chuyển quốc tế DHL Global Forwarding công bố ngày 18/8 tại Việt Nam, thị trường vận tải đường bộ Đông Nam Á được dự đoán sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng gộp trên 8% trong cả giai đoạn năm 2020-2025.

Đáng chú ý, sự gia tăng chi tiêu trong thương mại điện tử của người tiêu dùng và thương mại điện tử B2B (giao dịch trực tiếp giữa các doanh nghiệp) được dự đoán sẽ tăng 70% vào năm 2027, do đó giúp gia tăng thêm nhu cầu về các giải pháp logistics trọn gói tận nơi.

Ông Thomas Tieber, Giám đốc điều hành của DHL Global Forwarding Đông Nam Á cho rằng, vận tải đường bộ đang đóng vai trò đáng kể trong vận chuyển đường dài quốc tế ở Châu Á do đem đến lựa chọn bền vững và tiết kiệm chi phí.

“Chúng ta có thể thấy năm vừa qua, trong khi giá cước đường hàng không và đường biển biến động mạnh giữa đại dịch COVID-19, vận tải đường bộ và vận tải đa phương thức đã cung cấp những mức giá, công suất ổn định và khả năng tiếp cận các điểm đến dễ dàng hơn tại Đông Nam Á”, ông Thomas Tieber nói.

Bên cạnh đó, vận tải đường bộ có giá thành thấp hơn đáng kể và tạo ra ít khí thải hơn so với vận tải hàng không, đồng thời an toàn và tiết kiệm thời gian hơn so với vận tải đường biển. Các giải pháp vận tải đường bộ cũng rất linh hoạt với xe tải có khả năng quản lý việc giao hàng tận nơi ở trong nước, xuyên biên giới.

Do đó ngày càng có nhiều khách hàng lựa chọn vận tải đường bộ cho một phần hoặc toàn bộ các lô hàng chặng đường ngắn và đường dài của họ bởi lượng khí cacbon thải ra thấp hơn so với đường hàng không. Ví dụ, một chuyến hàng vận chuyển bằng đường hàng không từ Jakarta (Indonesia) đến Bangkok (Thái Lan) qua Singapore thải ra ít hơn 50% lượng khí cacbon và tiết kiệm 35% chi phí so với chuyến bay thẳng, trong khi vận chuyển bằng đường bộ từ Singapore đến Trung Quốc giảm tới 83% lượng khí thải cacbon so với vận tải hàng không.

Ông Tieber nhấn mạnh: "Vận tải đường bộ hứa hẹn tạo nên một tương lai xanh hơn, hiệu quả và an toàn hơn nhờ công nghệ. Khi kết hợp cùng nhau, những yếu tố này tạo ra sự biến chuyển cho ngành vận tải hàng hóa đường bộ và cung cấp các giải pháp logistics bền vững".

Đức Hiệp
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm