Kinh doanh

Bamboo và Vietjet đồng loạt xin gói “giải cứu” 4.000 – 5.000 tỉ đồng

DNVN - Vietjet đề nghị được vay tín dụng 4.000-5.000 tỷ đồng trong 3 năm (2021-2023) và được hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản này. Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% và 5.000 tỷ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất được hỗ trợ.

Hàng không Việt Nam năm 2020: Vietnam Airlines lỗ hơn 11.000 tỷ, Vietjet lãi 70 tỷ đồng / Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không rà soát tất cả các trường hợp hoàn, trả vé

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) vừa có văn bản gửi Bộ KH&ĐT cho rằng, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) sau khi được Chính phủ cấp gói hỗ trợ tín dụng đã có tác động tốt tới hoạt động của Tổng công ty, VABA đề nghị tiếp tục cho mở rộng hình thức hỗ trợ này cho các hãng hàng không khác. Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đưa ra thông tin, năm 2021, các hãng hàng không trên thế giới cần Chính phủ hỗ trợ khoảng 70-80 tỷ USD để vượt qua khủng hoảng và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho ngành hàng không có tác dụng tích cực đối với các doanh nghiệp trong ngành.

Theo ước tính của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), so cùng kỳ 2019, sản lượng đặt chỗ trong quý I/2021 giảm 80%, sản lượng vận tải hành khách năm 2021 giảm trên 50%. IATA dự báo sản lượng hành khách năm 2021 sẽ chỉ đạt 33% (so với năm 2019) và tổng mức lỗ dự kiến 95 tỷ USD và phải đến năm 2022 các hãng hàng không mới hết lỗ. Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cũng nhận định, năm 2021, các hãng hàng không sẽ phải gánh khoản nợ trên 220 tỷ USD và tiếp tục âm tiền mặt.

Hiện thị trường bay quốc tế vẫn đóng băng, hoạt động bay của các hãng chủ yếu chỉ là vận chuyển khách hồi hương, vận chuyển chuyên gia và vận chuyển hàng hóa. Thị trường hàng không nội địa cũng đã giảm sút nghiêm trọng, doanh thu dịp cao điểm tết của các hãng cũng giảm bình quân 70 - 80% so với cùng kỳ năm trước.

Từ thực trạng kinh doanh trong năm 2020 và dự báo cho năm 2021, Vietjet đề nghị được vay tín dụng 4.000-5.000 tỷ đồng trong 3 năm (2021-2023) và được hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản này. Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% và 5.000 tỷ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất được hỗ trợ.

VABA đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ (quy định giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa) để các doanh nghiệp hàng không cũng được hỗ trợ lãi suất thuộc nhóm đối tượng này; cho phép các doanh nghiệp hàng không tái cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021.

VABA kiến nghị Chính phủ tiếp tục giảm sâu hơn thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay xuống mức 900-1.000 đồng/lít; gia hạn thời hạn nộp các loại thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế giá trị gia tăng; thuế thu nhập cá nhân…; giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 10/2020 cho đến hết tháng 12/2021, áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ tháng 10/2020 đến hết tháng 12/2021.

VABA cũng đề nghị Ủy ban Chứng khoán nhà nước không cắt margin với cổ phiếu các công ty bị ảnh hưởng trực tiếp bởi COVID-19, đặc biệt là các doanh nghiệp hàng không và du lịch, dù doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh thua lỗ. VABA cho rằng các công ty chứng khoán, nhà đầu tư có thể tự đánh giá tiềm năng của doanh nghiệp và rủi ro trong sử dụng margin khi quyết định đầu tư trên thị trường chứng khoán. Theo tìm hiểu, hiện nay có 90 doanh nghiệp niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin). Trong đó Vietnam Airlines (HVN) là hãng bay duy nhất đang bị cắt margin, với nguyên nhân lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng năm 2020 là số âm.

Tuy nhiên, đề xuất của VABA gặp phải nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia kinh tế. Nếu Bamboo Airways và VietJet Air có tiềm năng thì có thể vay ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hoặc nếu quá khó khăn thì bán cổ phần trên thị trường. Việc vay yêu cầu giải cứu của Chính phủ không khác nào “vay chùa”, hay chính xác là lấy từ nguồn thuế của dân đề đầu tư cho doanh nghiệp; trong khi doanh nghiệp kinh doanh có lãi thì chỉ chia cổ tức cho cổ đông. Đây là điều khá vô lý.

Với trường hợp của Vietnam Airlines thì đây là hãng hàng không quốc gia, thực hiện các chuyên bay, mở đường bay ít khách với trách nhiệm phát triển kinh tế vùng và đất nước thì hai hãng bay còn lại hoàn toàn là hãng bay thương mại, tự chủ hoàn toàn về kinh doanh. Trải qua năm 2020 đầy sóng gió, nhưng Hãng hàng không giá rẻ Vietjet vẫn đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất 70 tỉ đồng, trở thành một trong số ít hãng hàng không trên thế giới có lợi nhuận dương. Bamboo Airways cũng báo lãi trước thuế năm 2020 đạt 400 tỉ đồng và đặt mục tiêu gia tăng thị phần từ mức 20% hiện nay lên 30% trong năm 2021.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, trên thế giới, do Covid-19 mà nhiều hãng hàng không gặp phải vô vàn khó khăn. Như hãng Hàng không quốc gia Thai Airways đã từng phải nộp đơn xin phá sản, sau đó phải tái cơ cấu lại tổ chức để tiếp tục hoạt động, Hay hàng Hàng không British Airways cũng chịu lỗ vì đóng biên nên cần giải cứu, Chính phủ Anh chỉ đóng vai trò “bảo trợ” gói vay tư nhân từ nhiều tổ chức khác nhau chứ không “Cho vay không lãi”. Vì vậy nếu Chính phủ đồng ý cho 2 hãng hàng không vẫn có lãi những gói cứu trợ thì sẽ tạo thành tiền lệ xấu cho kinh tế Việt Nam về việc doanh nghiệp dựa vào Chính phủ.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm