Doanh nghiệp ngành gỗ cam kết nói không với gỗ bất hợp pháp
Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế: Mỗi tiểu thương là một “Bông hoa đẹp” trong mắt du khách / Doanh nghiệp du lịch Huế kiến nghị giải pháp gì để vượt khủng hoảng?
Theo thống kê, trữ lượng gỗ khai thác từ rừng trồng trong nước hằng năm ước đạt trên 35 triệu m3. Nhu cầu nguyên liệu đã thúc đẩy diện tích rừng trồng tăng giúp cho độ che phủ rừng tăng theo, hoàn thiện chuỗi cung ngành lâm nghiệp, tạo ra công ăn việc làm thay đổi đời sống các hộ trồng rừng, tác động tích cực đến môi trường và xã hội.
Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ cho biết, đối với gỗ xuất khẩu, một trong những yêu cầu tiên quyết để đưa được hàng vào các nước là nguồn gốc sản phẩm phải hợp pháp. Nguyên do là các nước châu Âu, Mỹ - thị trường xuất khẩu gỗ chính của Việt Nam (Mỹ chiếm khoảng 50%) rất coi trọng vấn đề này. Nếu phát hiện vi phạm trong nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu gỗ không hợp pháp, sẽ bị khiếu kiện và trừng phạt thương mại rất cao nên hầu như không có doanh nghiệp nào làm hàng xuất khẩu vi phạm.
Không chỉ thế, người tiêu dùng tại các thị trường này không chấp nhận các sản phẩm gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, đặc biệt là các loài gỗ nhiệt đới, gỗ quý. Các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam nhận thức được rõ các quy định cũng như thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường này, và đã chấp hành nghiêm túc các quy định và yêu cầu này.
Sản xuất gỗ xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Đồng Nai.
Bên cạnh đó, ngành gỗ Việt Nam cũng sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu, Úc, Canada, NewZeland… Đây hầu hết là các nước có nền lâm nghiệp phát triển, rừng được trồng, quản lý và khai thác bền vững.
Từ thực tế trên cho thấy cách nghĩ sự phát triển của ngành gỗ gắn liền với thiên tai, mất rừng, phá hủy nguồn đa dạng sinh học… cần phải được thay đổi.
Để thể hiện vai trò của mình và hợp sức cùng Chính phủ hướng đến nền “sản xuất xanh”, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) và hiệp hội gỗ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định, Thanh Hóa và TP.HCM cùng với Chi hội Gỗ dán, Chi hội Dăm gỗ đã cùng ký cam kết phát triển ngành gỗ Việt theo hướng bền vững, nói không với gỗ bất hợp pháp. Các đơn vị nói trên cũng ra mắt Quỹ Vì một Việt Nam xanh với số vốn góp ban đầu 6,5 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Sinh - Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa), Giám đốc Công ty CP Sản xuất thương mại Minh Trí cho biết, Quỹ Vì một Việt Nam xanh là sự chung tay, góp sức của các hiệp hội gỗ tại những địa phương có ngành sản xuất gỗ phát triển trong cả nước. Quỹ sẽ tiếp tục phát triển nguồn vốn để tài trợ cho những dự án bảo vệ môi trường, trồng rừng và tổ chức các sự kiện liên quan đến bảo vệ rừng.
Ông Sinh khẳng định, các thành viên trong hiệp hội luôn coi trọng gỗ có nguồn gốc xuất xứ. Hiệp hội cũng đã liên kết được 100 doanh nghiệp tham gia hợp tác cùng với nhau, xây dựng thị trường nguyên liệu gỗ hợp pháp. Gỗ nhập từ các khu vực trên thế giới về Đồng Nai cưa xẻ, chế biến đều đảm bảo các giấy tờ kiểm tra theo quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế.
Chủ tịch Viforest – ông Đỗ Xuân Lập nhận định, đợt thiên tai ở miền Trung thời gian vừa qua là kết quả của việc con người ứng xử với thiên nhiên, trong đó có khai thác rừng tự nhiên một cách không hợp lý.
Do vậy, để bảo vệ rừng, người tiêu dùng cần thay đổi thị hiếu, cần quan tâm hơn đến nguyên liệu gỗ rừng trồng, từ đó tác động lên ngành sản xuất gỗ. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần dành sự quan tâm thích đáng cho thị trường nội địa và đồng lòng hỗ trợ xây dựng một ngành gỗ có trách nhiệm, một ngành lâm nghiệp bền vững.
End of content
Không có tin nào tiếp theo