Kinh doanh

Doanh nghiệp du lịch Huế kiến nghị giải pháp gì để vượt khủng hoảng?

DNVN - Các doanh nghiệp du lịch Thừa Thiên Huế đề nghị cần có các chương trình kích cầu, quảng bá mạnh hơn, định hình sản phẩm, thị trường, hướng phát triển để doanh nghiệp phát triển đúng hướng, mang lại hiệu quả cao hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển KT-XH của tỉnh, góp phần xây dựng Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa – du lịch đặc sắc.

Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam liên kết thiết lập "Tam giác vàng" du lịch miền Trung / Thừa Thiên Huế: Sản xuất kinh doanh phục hồi sau đại dịch Covid-19

Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức Hội nghị Ban chấp hành mở rộng, để lắng nghe những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, trước những khó khăn do Covid-19 gây ra. Đến dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình.

trong 9 tháng đầu năm 2020, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế giảm hơn 61% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế giảm trên 65%

Trong 9 tháng đầu năm 2020, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế giảm hơn 61% so với cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế giảm trên 65%.

Theo Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 9 tháng đầu năm 2020, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế giảm hơn 61% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế giảm trên 65%. Doanh thu từ du lịch ước giảm từ 63% - 65% so với cùng kỳ; có 89% tổng số lao động tại các cơ sở lưu trú bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phải nghỉ việc.

Tại các đơn vị kinh doanh du lịch, tình hình doanh thu giảm mạnh, không đủ chi phí để vận hành bộ máy… Chỉ có 50 - 60 trên tổng số 800 cơ sở lưu trú mở cửa hoạt động cầm chừng. Đặc biệt, nhiều khách sạn 4, 5 sao phải đóng cửa, cá biệt có khách sạn đóng cửa từ tháng 3/2020 đến nay vẫn chưa mở cửa trở lại.

Đối với các công ty lữ hành và đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đạt chuẩn, tỉ lệ hủy tour và hủy dịch vụ gần 100%, có hơn 80% các công ty lữ hành và đơn vị du lịch đạt chuẩn buộc phải tạm ngưng hoạt động.

Theo ghi nhận, tại Hội nghị, đã có 17 lượt ý kiến từ phía các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn phát biểu nêu lên những khó khăn hiện nay khi chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Đồng thời cũng có nhiều kiến nghị cũng như góp ý đối với tỉnh trong việc phát triển du lịch tỉnh nhà trong thời gian đến.

 

Trong đó, nhiều doanh nghiệp đề xuất tỉnh cần thực hiện các chương trình kích cầu du lịch mạnh mẽ hơn, cũng như cấp vốn cho ngành Du lịch để có chiến lược quảng bá hình ảnh du lịch Thừa Thiên Huế trên các kênh truyền thông, trang mạng xã hội được sâu đậm, thường xuyên hơn. Đồng thời, cần sự hỗ trợ từ tỉnh các khóa đào tạo, tập huấn, hỗ trợ nguồn nhân lực du lịch, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ người lao động trong ngành du lịch.

Có doanh nghiệp cũng kiến nghị tỉnh Thừa Thiên Huế cần quy hoạch, dành những không gian, vị trí thuận lợi để tư nhân xây dựng các thiết chế về vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống. Cần có chiến lược phát triển nguồn khách, đa dạng các loại hình giải trí, vui chơi.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp kiến nghị tỉnh cần đưa ra quan điểm, định hình sản phẩm, thị trường, hướng phát triển du lịch cụ thể, để có định hướng cho các doanh nghiệp phát triển đúng hướng, mang lại hiệu quả cao hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh góp phần xây dựng Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa – du lịch đặc sắc.

“Thừa Thiên Huế cần quan tâm, có nhiều giải pháp để làm tốt hơn vấn đề xúc tiến, quảng bá du lịch. Một vấn đề cũng cần quan tâm đó là sản phẩm du lịch, cần khai thác thế mạnh sẵn có của địa phương mà lâu nay làm chưa được tốt, khai thác chưa triệt để. Có quy hoạch, định hướng hợp lý, quan tâm đầu tư, đa dạng các loại hình dịch vụ giải trí, tạo sự thuận tiện, hấp dẫn cho du khách”, ông Phan Trọng Minh, Giám đốc Khách sạn Azerai kiến nghị.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề xuất UBND tỉnh tiếp tục có chính sách miễn, giảm phí tham quan các điểm di tích dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp giảm giá tour. Có các chính sách cam kết hỗ trợ khách du lịch khi có dịch bùng phát tại địa phương. Khuyến khích phát triển các mô hình đầu tư dịch vụ, khai thác các loại hình du lịch MICE, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa, thể thao. Đề nghị điều chỉnh giá nước sinh hoạt cho các cơ sở lưu trú ngang mức giá của các cơ sở sản xuất.

 

Hiệp hội Du lịch cũng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị Chính phủ giảm thuế thuê đất cho doanh nghiệp trong năm 2020; nộp chậm thuế. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong ngành du lịch vay vốn ưu đãi, hỗ trợ từ phía ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn để có điều kiện duy trì hoạt động. Có chính sách hỗ trợ cho người lao động trong ngành du lịch. Đề xuất thực hiện chính sách người Huế đi du lịch Huế trong giai đoạn hiện nay.

Ngày hội Lân Huế, một trong những sự kiện nhằm kích cầu du lịch vào cuối năm 2020.

Ngày hội Lân Huế 2020, một trong những sự kiện nhằm kích cầu du lịch vào dịp cuối năm.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn đối với ngành du lịch trong bối cảnh hiện nay và khẳng định tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa để hỗ trợ cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp du lịch.

 

“Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, sẽ tập trung phát triển bền vững trên cơ sở khai thác các tiềm năng thế mạnh của địa phương, mang nét đặc trưng của Huế. Do vậy, cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần thay đổi cách nghĩ, cách làm; đẩy mạnh liên kết phát triển; cần có sáng kiến, sáng tạo, cùng tìm giải pháp để vượt lên, khắc phục những khó khăn trong tình hình hiện nay. Tỉnh sẽ có những chủ trương, chính sách phù hợp. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các bên liên quan và doanh nghiệp”, ông Bình nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Sở Du lịch rà soát lại, tổng hợp những kiến nghị của doanh nghiệp du lịch để báo cáo tỉnh tìm hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó yêu cầu xây dựng kế hoạch kích cầu du lịch; truyên truyền điểm đến; có những diễn đàn; hình thành những nhóm (group) trên mạng để trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, bàn thảo về phát triển du lịch…

“Ưu tiên hàng đầu hiện nay vẫn là phòng chống dịch Covid-19, nhưng là phòng chống dịch trong trạng thái mới, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế. Có các tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch. Đề nghị các doanh nghiệp du lịch hết sức lưu ý và quan tâm phối hợp triển khai thực hiện”, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế khuyến cáo.

Nhiều hoạt động phục hồi du lịch vào cuối năm

Theo ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, để có thể sớm phục hồi ngành du lịch nói chung và doanh nghiệp du lịch nói riêng, trong 3 tháng cuối năm 2020, Hiệp hội sẽ tham gia hội chợ VITM từ ngày 18-21/11/2020, tại Hà Nội, để thúc đẩy quảng bá, kết nối với các nguồn khách nội địa ở hai đầu đến Huế; tham gia diễn đàn kết nối du lịch 5 tỉnh trọng điểm miền Trung với TP. Hà Nội và TP. HCM, sẽ diễn ra trong tháng 11/2020, tại Quảng Nam.

 

Dự kiến trong tháng 11/2020, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Sở Du lịch tổ chức hội nghị bàn các giải pháp khởi động, khôi phục du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn hậu dịch lần thứ 2; tổ chức tuần lễ ẩm thực Huế 2020 vào dịp Noel và đón chào năm mới 2021 (dự kiến từ ngày 24 – 27/12/2020). Ngoài ra, Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng cam kết hỗ trợ tối đa, đồng hành các sự kiện trong tỉnh từ nay đến cuối năm, như lễ hội Áo dài Huế, giải marathon Huế 2020...

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm