Kinh doanh

Xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc: Mặt hàng trái cây tươi gặp rất nhiều khó khăn

DNVN - Chia sẻ về hoạt động xuất khẩu mặt hàng trái cây tươi sang thị trường Mỹ và Trung Quốc, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, Bến Tre nhấn mạnh: Doanh nghiệp Việt gặp rất nhiều khó khăn.

Khó tin chiếc nhãn dán giúp trái cây tươi lâu hơn 10 ngày và an toàn tuyệt đối! / Nông sản rớt giá kéo theo thị trường phân bón trầm lắng

Thị trường Mỹ với nhiều quy định và đạo luật khác nhau

Theo bà Ngô Tường Vy, Mỹ là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất hiện nay của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu trên 2,3 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay mặt hàng trái cây tươi xuất khẩu sang Mỹ còn nhiều hạn chế, khó khăn do quy định của thị trường Mỹ nghiêm ngặt.

Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu chia sẻ về khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Trung Quốc. (Ảnh: Hà Anh).

Thị trường Mỹ kiểm soát chặt chẽ mặt hàng trái cây tươi xuất khẩu với nhiều quy định và đạo luật khác nhau.

Chương trình bảo vệ thực vật và kiểm dịch của Mỹ sẽ giám sát tất cả các loại trái cây nhập khẩu nhằm phát hiện các loài xâm lấn, côn trùng có nguy cơ cao đối với ngành nông nghiệp. Sản phẩm nhập khẩu phải có giấy phép kiểm dịch đạt yêu cầu xuất khẩu.

Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm của Mỹ yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu phải đăng ký cơ sở sản xuất và người đại diện tại Mỹ. Sau 2 năm, phải tiến hành đăng ký lại thì mới được cấp mã số kinh doanh hợp lệ mới.

Cùng với đó, khi xuất khẩu sang Mỹ, doanh nghiệp phải chịu chi phí tuân thủ và chi phí logistic tăng cao.

Sản phẩm trái cây tươi khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ đều phải được xử lý chiếu xạ. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 , chi phí tàu chuyên chở hàng hóa tăng cao, các chuyến tàu cập cảng tại Mỹ trễ từ 10 đến 15 ngày so với thời kỳ trước dẫn đến chất lượng sản phẩm không được đảm bảo.

Bà Vy cho biết, về việc truy xuất nguồn gốc, thực hiện mã số vùng trồng, một số địa phương của Việt Nam còn chưa dành sự quan tâm đúng mức đối với công tác kiểm tra, giám sát và quản lý vùng trồng.

Cán bộ kỹ thuật ở một vài địa phương còn chưa có nhận thức và năng lực kiểm tra đồng đều. Chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Nhận thức của người dân ở nhiều vùng được cấp mã số còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu. Đây cũng là những rào cản đối với hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường Mỹ hiện nay.

Vẫn chờ đợi Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch

Bàn về hoạt động xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu cho rằng: Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất đứng thứ hai (sau Mỹ) của Việt Nam, nhưng Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu sầu riêng của Thái Lan, Maylaysia.

Năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu hơn 870.000 tấn sầu riêng của Thái Lan, mang lại doanh thu ít nhất 4,1 tỷ USD cho Thái Lan. Trung Quốc nhập khẩu hơn 8000 tấn sầu riêng từ Malyasia.

“Công tác mở cửa, phát triển thị trường tại Trung Quốc, nông sản Việt Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức. Sản phẩm sầu riêng vẫn đang đợi phía Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch. Sầu riêng muốn xuất khẩu chính ngạch được sang thị trường Trung Quốc cần phải được cấp mã số vùng trồng và nhà đóng gói, tuân thủ giống như xuất khẩu sang thị trường Mỹ”, bà Vy nói.

Sầu riêng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu chuẩn bị xuất khẩu.

Cùng với đó, sầu riêng của Việt Nam đang phải cạnh tranh chất lượng sản phẩm với Thái Lan và bảo hộ thương hiệu sầu riêng của mình.

Thái Lan ý thức được việc bảo hộ chất lượng sầu riêng và bảo hộ thương hiệu sầu riêng Thái Lan, họ sẵn sàng tiêu huỷ sầu riêng kém chất lượng và chính quyền địa phương trực tiếp xử lý nếu có vi phạm. Họ thông báo đến chính quyền khi phát hiện sầu riêng không đạt chất lượng và tiêu huỷ không cho lô hàng đến tay người tiêu dùng.

Ngoài ra, Trung Quốc đang kiểm soát dịch COVID-19 rất chặt chẽ từ chính sách “Zero COVID” dẫn đến việc thông quan chậm, hàng hóa trái cây tươi nói riêng và nông sản nói chung của Việt Nam bị ứ đọng tại cảng và cửa khẩu.

Bởi vậy, xuất khẩu trái cây tươi sang Trung Quốc ngày càng gặp khó.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm