Kinh tế 2013 vẫn căng
- Khi nhìn lại năm 2012, Thủ tướng có nói rằng“nếu làm tốt hơn thì tăng trưởng kinh tế đã cao hơn”. Ông có chia sẻ gì về tâm tư này của người đứng đầu Chính phủ?
- Đúng như Thủ tướng nói, nếu các chính sách, giải pháp được áp dụng trong điều hành nền kinh tế năm 2012 thực hiện đồng bộ và quyết liệt hơn thì nền kinh tế của chúng ta năm 2012 sẽ tăng trưởng cao hơn chứ không đến mức rơi xuống mức thấp nhất trong 13 năm qua.
Ngoài ra, điều mà tôi còn thấy băn khoăn là tăng trưởng kinh tế năm 2012 có thể cao hơn nếu Chính phủ có cách nhìn nhận, đánh giá về những kết quả đạt được và chưa đạt được của nền kinh tế đúng mực hơn, chính xác hơn. Tất nhiên, tôi luôn cảm nhận được là Chính phủ cầu thị trong lắng nghe để điều hành nền kinh tế nhưng cách điều hành vẫn chưa sát với thực tế.
Nếu Chính phủ luôn cập nhật thông tin để nắm được nền kinh tế đang chuyển động như thế nào thì chắc chắn các giải pháp điều hành vĩ mô được đưa ra sẽ đúng hơn và có hiệu quả tích cực hơn.
Chẳng hạn, các doanh nghiệp đã thực sự gặp khó khăn từ giữa năm 2011 chứ không phải đến năm 2012 mới ở vào hoàn cảnh đó. Những khó khăn có thể đến từ những nguyên nhân khách quan như bị ảnh hưởng từ bất ổn kinh tế vĩ mô, điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng; hay chủ quan như phá sản tự nguyện, trốn thuế, né thuế, doanh nghiệp dừng đầu tư do trái ngành nghề... Vấn đề là các nguyên nhân trên chưa được nhìn nhận đúng mức, khiến cho GDP năm 2012 chỉ ở mức tăng nhỉnh hơn 5%.
Sang năm 2013, theo tôi tình hình vẫn rất căng thẳng. Chính phủ cần phải có cơ chế, chính sách quyết liệt hơn, đồng bộ hơn giúp doanh nghiệp hoạt động trở lại, tạo công ăn việc làm cho lượng người thất nghiệp đang có dấu hiệu gia tăng thì mới có thể giúp nền kinh tế sớm phục hồi trở lại.
- Nhưng trước Nghị trường Quốc hội, ông thường nói rằng nền kinh tế của chúng ta dù trong hoàn cảnh rất ảm đạm như năm 2012 cũng vẫn còn rất nhiều tiềm năng cho tăng trưởng. Đến nay, ông có giữ nguyên quan điểm như vậy?
- Tôi luôn khẳng định rằng tiềm năng tăng trưởng kinh tế của chúng ta vẫn còn rất lớn. Đó không phải là quan điểm của riêng tôi mà chúng ta hãy cùng xem đánh giá của các tổ chức quốc tế. Vì sao trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của chúng ta dù xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua nhưng WB, IMF, ADB... vẫn dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2013 từ 5,7-5,9%, cao hơn mức mà Chính phủ đề nghị và Quốc hội vừa thông qua.
Đó là vì họ nhìn thấy chúng ta còn rất nhiều tiềm năng trong du lịch - ngành công nghiệp không khói - mà dường như chúng ta chưa biết cách đánh thức khu vực này. Rõ ràng, đất nước chúng ta còn rất nhiều khu du lịch triển vọng, với lợi thế bờ biển dài và đẹp, nhiều danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, ngành du lịch của ta vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Ngoài ra, kinh tế biển của chúng ta có nhiều tiềm năng nhưng dịch vụ cảng biển, khai thác biển còn rất hạn chế.
Rồi trong phát triển nông nghiệp. Việt Nam với khí hậu nhiệt đới, có nguồn nước dồi dào và với khoảng 32,7 triệu ha đất, trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp, nhờ vậy nước ta có nhiều thế mạnh về lĩnh vực nông nghiệp. Mặc dù vậy, trong thời gian vừa qua tổng nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội, kể cả đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này chỉ chiếm 6,2%. Nếu nền nông nghiệp Việt Nam dành những vị trí nhất định, xác định được nguồn vốn đầu tư và có cơ chế hỗ trợ thích hợp thì tỷ trọng đóng góp của nông nghiệp sẽ cao hơn.
Các định chế tài chính quốc tế đều cho rằng, nếu chúng ta xoáy sâu vào những lĩnh vực tiềm năng đó và làm tốt song song cả 2 phần việc đối nội, đối ngoại thì tăng trưởng hẳn phải trên mức 5,5%.
- Có vẻ ông thuộc về nhóm những người lạc quan khi đưa ra những dự cảm cho nền kinh tế?
- Tôi nghĩ rằng các dự cảm đến không phải do những mong muốn chủ quan của mình mà là trên cơ sở thực tế. Như tôi vừa nói, nếu chúng ta có quyết sách đúng và hợp lý thì nền kinh tế có khả năng tăng trưởng trên 5,5%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đã thông qua vì tiềm năng kinh tế của chúng ta vẫn còn rất lớn.
Nhưng chữ “nếu” này cũng là khó vô cùng. Người Pháp từng có câu nói nổi tiếng là “với một chữ “nếu”, có thể bỏ cả Paris vào một chiếc lọ”. Nếu, năm 2013, những khiếm khuyết, hạn chế trong điều hành vẫn tái diễn như năm 2012 - tức là tình hình thực tế không được nắm bắt kịp thời, quyết sách đưa ra không được thực hiện quyết liệt, đồng bộ - thì dù chúng ta có tiềm năng đến đâu, tăng trưởng kinh tế năm nay cũng khó mà cao hơn năm ngoái.
Mặt khác, dù dồn lực để thực hiện cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay cao hơn, chúng ta cũng không thể nào gác lại vấn đề về chất lượng tăng trưởng. Tăng trưởng Việt Nam cần nhìn vào “chất” hơn là “lượng”.
Việc đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc tập đoàn kinh tế và hệ thống ngân hàng thương mại chính là “đổi” dần mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, để đạt được chất lượng tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!
Đoàn Huế (Theo Vneconomy)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển