Kinh tế Hà Nội ước tăng 9,24% trong năm 2015
Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 23 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa XV đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch năm 2016 diễn ra ngày 13/10.
Theo báo cáo, lũy kế 9 tháng đầu năm, GRDP tăng 8,3%, đây là mức tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây; ước GRDP cả năm 2015 của TP Hà Nội tăng 9,24% (đạt kế hoạch), như vậy GRDP 5 năm 2011-2015 dự kiến đạt 9,23%.
Bên cạnh đó, các ngành, lĩnh vực kinh tế đều có mức tăng trưởng khá. Ngành công nghiệp tăng 8,2%, tính chung 9 tháng tăng 7,2%. Một số ngành có mức tăng cao như sản xuất giường, tủ, bàn ghế (50%); xe có động cơ (37%); thuốc, hóa dược và dược liệu (29,2%); trang phục (23,2%)... Ngành xây dựng tiếp tục chuỗi đà phục hồi và tăng trưởng, quý III tăng 11,9%, lũy kế 9 tháng tăng 11%, cao hơn mức cùng kỳ của 2 năm trước (lần lượt là 8% và 9%). Dự kiến cả năm 2015, ngành xây dựng tăng 12,14%.
Ngành dịch vụ quý III tăng 9,9%, tính chung 9 tháng tăng 8,8%. Lượng khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội trong 9 tháng đầu năm đạt 1,6 triệu lượt, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Ngành nông nghiệp tăng 2%, công tác xây dựng NTM được triển khai tích cực.
Trong quý III, có thêm 20 xã được Thành phố công nhận đạt chuẩn NTM, dự kiến cả năm 2015 sẽ có thêm 70 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Như vậy, lũy kế đến hết năm 2015 toàn Thành phố sẽ có 180 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 46,6% tổng số xã, vượt kế hoạch đề ra). Thành phố cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ công nhận 1 huyện NTM (Đan Phượng), ngoài ra có 3 huyện đủ điều kiện, đang chuẩn bị trình công nhận đạt chuẩn NTM là Đông Anh (18/23 xã đạt), Hoài Đức (15/19 xã đạt), Thanh Trì (13/15 xã đạt).
Công tác thu - chi ngân sách được đảm bảo. Tổng thu NSNN 9 tháng đạt 105.886 tỷ đồng, bằng 74,7% dự toán, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Chi ngân sách thực hiện 40.991 tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán. Huy động tín dụng trên địa bàn tăng trưởng khá, 9 tháng đạt 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 16,19% so với cùng kỳ; tổng dư nợ tín dụng ước đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 25,39% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 giảm 0,1% so với tháng 8, bình quân 9 tháng, CPI tăng 0,71%, đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, kim ngạch xuất khẩu của Thành phố trong 9 tháng tăng trưởng thấp, đạt mức 0,2% và khó đạt mục tiêu 8-9% trong cả năm 2015. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng là 14.142, tăng 37,6%, song số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn cao, với 10.523 doanh nghiệp, tăng 27,5% so với cùng kỳ. Đầu tư nước ngoài 9 tháng đạt 810 triệu USD, bằng 90,4% so với cùng kỳ năm 2014...
Trên cơ sở đánh giá tình hình thời gian qua, Hà Nội dự kiến một số chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2016 như sau: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn là 8,5-9% (theo cách tính mới); thu nhập bình quân đầu người đạt 85-87 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 11-12%; tốc độ tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 7-8%; giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,2% so với năm trước; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tăng thêm 22 xã đạt chuẩn NTM…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao