Kinh tế số

Thanh toán không dùng tiền mặt: Ngân hàng có dám "hứa" đền bù nếu tài khoản người dùng bị mất tiền?

DNVN - Ngân hàng có dám hứa với khách hàng "nếu mất tiền thì ngân hàng đền" hay không? Phải hứa được như vậy thì mới tạo được niềm tin cho khách hàng, từ đó tránh được việc kiện tụng có thể xảy ra, số lượng người sử dụng dịch vụ tăng lên.

Ngày 11/8, kết nối trực tuyến hỗ trợ tiêu thụ nông sản lên sàn thương mại điện tử / Ngân hàng kêu phải bù lỗ, kiến nghị nhà mạng giảm cước tin nhắn

Tại tọa đàm “Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt: Gia tăng trải nghiệm khách hàng - Cơ hội cho ngân hàng số, Fintech và Mobile Money” do IDG Việt Nam tổ chức chiều ngày 23/8, các chuyên gia nhận định tiền mặt vẫn còn là phương thức thanh toán phổ biến tại Việt Nam.
Để khuyến khích người tiêu dùng thay đổi thói quen, chuyển sang các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại (như chuyển khoản, ví điện tử...) thì cần có những giải pháp làm gia tăng niềm tin của người dùng.

Giới chuyên gia cho rằng, phải tạo được niềm tin cho khách hàng, qua đó mới tăng được lượng người sử dụng dịch vụ.
Bà Phạm Minh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone nhấn mạnh việc áp dụng công nghệ để bảo đảm tính bảo mật sẽ giúp gia tăng trải nghiệm của khách hàng.
"Bảo mật trong sản phẩm số rất quan trọng, tăng niềm tin cho khách hàng, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán bởi đây là "mảnh đất" hacker hay nhòm ngó nhất. Mức độ bảo mật trong thanh toán rất cần thiết và phải tuân thủ hoàn toàn các chính sách đã có. Tuy nhiên, vấn đề bảo mật phải cũng phải đáp ứng tốt trải nghiệm khách hàng. Để làm được điều đó, ngoài vấn đề giao diện, chăm sóc khách hàng, truyền thông... thì vấn đề về công nghệ rất quan trọng, làm sao phải dễ dùng và giảm thiểu các thao tác cho khách hàng. Chỉ như vậy mới tạo ra niềm tin cho khách hàng cũng như hứng thú cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm", bà Tú nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Câu lạc bộ Vina Fintech cho biết, phải tìm hiểu xem khách hàng lo lắng về cái gì thì mới có sản phẩm "trúng tim" khách hàng.
"Nếu tôi là khách hàng, hai vấn đề mà tôi lo lắng nhất, đó là dữ liệu cá nhân của tôi có bị lộ ra ngoài hay không và quá trình thực hiện thanh toán thì tài khoản của tôi có bị mất tiền hay không? Chúng ta phải giải quyết được 2 vấn đề này thì mới tạo được niềm tin cho khách hàng", ông Thắng nhìn nhận.
Theo ông Thắng, với mối lo lắng này, phải chứng minh cơ sở dữ liệu của khách hàng được quản lý bằng công nghệ gì, bằng những luật nào để nói với khách hàng nhằm làm cho họ tin tưởng rằng những cơ sở dữ liệu đó không phải ai cũng vào được. Tóm lại là phải làm cho cơ sở dữ liệu được an toàn bảo mật.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện thanh toán, đơn vị cung cấp dịch vụ cũng phải chứng minh dùng giải pháp công nghệ nào để tài khoản của khách hàng không bị mất tiền.
"Về vấn đề này phải tạo được niềm tin tuyệt đối với khách hàng. Ngân hàng có dám hứa với khách hàng "nếu mất tiền thì ngân hàng đền" hay không? Nếu chưa dám hứa với khách hàng như vậy thì công nghệ của ngân hàng còn kém. Phải hứa được như vậy thì mới tạo được niềm tin cho khách hàng, từ đó mới tránh được việc kiện tụng có thể xảy ra, số lượng người sử dụng dịch vụ từ đó mới tăng lên", ông Thắng đề xuất.
Cũng đánh giá vấn đề bảo mật dữ liệu cá nhân khách hàng có vai trò quan trọng, nhưng ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Tổng Giám đốc, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đề xuất nên đưa ra một số tiêu chuẩn về bảo mật cho mỗi thành phần tham gia vào thị trường thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngoài các tiêu chuẩn bảo mật, các nhà cung cấp dịch vụ cũng nên đưa ra những khuyến cáo để khách hàng soi chiếu, từ đó nâng tầm hiểu biết của mình. Thêm vào đó là sự cam kết của nhà cung cấp sau khi khách hàng sử dụng sản phẩm như chăm sóc khách hàng để việc thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tốt hơn.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm