Kinh tế số

Lạng Sơn: Mỗi hộ nông dân có cửa hàng số riêng, tự bán nông sản online

DNVN - Lạng Sơn đã hỗ trợ nông dân phát triển 4.500 cửa hàng số, gian hàng số trên thương mại điện tử (TMĐT), mục tiêu đạt 45.000 gian hàng số, để họ tự bán các sản phẩm mình làm ra, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập của người nông dân.

Bộ TT&TT công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông gần 10.000 tỷ đồng: Cú huých mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi số trong đại dịch / MobiFone tăng gấp đôi băng thông Internet, giá không đổi trong 3 tháng

Tại Hội nghị trực tuyến phổ biến, hướng dẫn triển khai kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn do Bộ TT&TT tổ chức ngày 11/8/2021, đại diện Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn đã chia sẻ về kinh nghiệm thí điểm triển khai kinh tế số, cửa hàng số tại tỉnh Lạng Sơn.

Thực hiện định hướng của Bộ TT&TT và chỉ đạo của UBND tỉnh Lạng Sơn về phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, từ ngày 18/6 đến 2/7/2021, Sở TT&TT phối hợp với UBND huyện Chi Lăng, VietnamPost và Viettel Post triển khai thí điểm kinh tế số, cửa hàng số (gian hàng số) tại địa bàn xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng. Đến ngày 2/7 đạt được 1.062 hộ gia đình mở cửa hàng số để tự bán các sản phẩm nông sản của mình, trong đó có 301 hộ gia đình đã mở tài khoản thanh toán điện tử. Số lượng cửa hàng số phát triển được trong 15 ngày thử nghiệm đã gấp 5 lần tổng số gian hàng của nông dân Lạng Sơn tự mở trên 2 sàn thương mại điện tử Postmart, Vỏ Sò trong gần 3 năm trước đó.

Thông qua cửa hàng số, bà con nông dân Lạng Sơn có thể mua và bán sản phẩm của mình trên mạng một cách thuận tiện, giảm hẳn được chi phí cho các khâu trung gian. Sau thời gian thí điểm được nông dân hưởng ứng, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo đồng loạt ra quân phát triển cửa hàng số tại 5 huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, Bắc Sơn, Văn Quan, Tràng Định trong thời gian từ ngày 20/7 tới ngày 10/8. Kết quả chỉ sau 20 ngày đã phát triển lên đến 4.500 cửa hàng số, tăng 450% so với toàn bộ cửa hàng số phát triển trước đó, phát triển được hơn 3.000 tài khoản thanh toán điện tử qua ngân hàng, ví điện tử. Trên các cửa hàng số đã đưa lên 3.500 loại sản phẩm của địa phương.

Lãnh đạo Sở TT&TT Lạng Sơn cho biết, điểm khác biệt nhất khi xây dựng mô hình cửa hàng số, gian hàng số ở Lạng Sơn đó là, không phải chỉ giúp nông dân bán hay giải cứu nông sản theo mùa vụ, mà tỉnh đặt mục tiêu phát triển kinh tế số nông nghiệp một cách căn cơ bền vững. Các sở, ngành, huyện, xã, thôn, bản và doanh nghiệp cùng vào cuộc hỗ trợ nông dân xây dựng các cửa hàng số, gian hàng số mang thương hiệu riêng của từng hộ gia đình, phù hợp với đặc thù của địa phương, để từ đó họ bán mọi thứ mà họ làm ra, mua mọi thứ mà họ cần. Họ có thể bán nông sản, lâm sản, hay bất cứ sản phẩm nào qua sàn này, người dân cũng dễ dàng mua sắm được các vật tư nông nghiệp mà nông dân cần phục vụ cho sản xuất.

“Tỉnh đã giao chỉ tiêu cho 5 huyện nói trên phát triển hơn 45.000 cửa hàng số, 45.000 tài khoản thanh toán điện tử”, vị lãnh đạo cho biết.

Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có hơn 3.500 sản vật địa phương được nông dân đưa lên các cửa hàng số của chính gia đình họ. Ví dụ, na Chi Lăng đang vào vụ thu hoạch, có những cửa hàng số bán được 80-100 đơn mỗi ngày, tương đương 5 tạ na, trong 4 ngày đã bán hết hơn 2 tấn na qua TMĐT. Việc bán hàng thuận lợi là động lực để chính những người nông dân chia sẻ, hướng dẫn thêm nhiều bà con, hàng xóm tham gia mở cửa hàng số. Người trồng na ở Chi Lăng đã tiêu thụ ít nhất vài chục tấn na, giữa lúc đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp cho thấy hiệu quả của mô hình phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, nông thôn.

Hàng chục tấn na núi Chi Lăng Lạng Sơn đã được tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử.

Hàng chục tấn na núi Chi Lăng Lạng Sơn đã được tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử.

Cũng tại Hội nghị sáng ngày 11/8, đại diện lãnh đạo Sở TT&TT Lạng Sơn kiến nghị, Bộ TT&TT làm việc với các ngành, địa phương để khỏi bị đứt gãy tuyến vận chuyển trong đại dịch. Đây là vấn đề nóng nhất và gây ảnh hưởng nhất tới chuỗi cung ứng nông sản hiện nay. Hà Nội tiêu thụ khoảng 70-80% nông sản của Lạng Sơn, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, có những thời điểm hàng về Hà Nội 2 ngày chưa phát được tới tay người dùng, dẫn đến bà con không yên tâm. Đứt gãy khâu vận chuyển đầu cuối, phát tận tay người dùng cuối là vấn đề rất lớn trong việc phát triển kinh tế số ở Lạng Sơn lúc này.

Về kiến nghị này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn chia sẻ kinh nghiệm trong thời gian triển khai bán vải Lục Ngạn, ban đầu vải gần như không vào được thị trường TP Hồ Chí Minh do khó khăn trong vận chuyển. Nhưng sau đó các bộ, ngành cùng tháo gỡ thì hàng trăm tấn vải đã tiêu thụ được ở thị trường TP Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đưa ra hai gợi ý để có thể giải quyết khó khăn, việc vận chuyển hàng hóa trong thời điểm hiện nay cần phối hợp với các địa phương để xử lý linh hoạt. Ví dụ, giữa Lạng Sơn và Hà Nội có thể thiết lập “1 cung đường - 2 điểm đến”. Xe của 2 doanh nghiệp bưu chính được phép vận chuyển hàng thiết yếu có thể phối hợp với bà con nông dân. Sau khi nhận số lượng đặt hàng xong, có thể kết hợp vận chuyển nông sản cùng với xe chở hàng thiết yếu khác mà Bưu chính được phép vận chuyển. Xe Bưu chính có thể chở thẳng đến các đầu mối tập kết, chợ đầu mối. Việc kết nối giữa các xe bưu chính với bà con nông dân, Bộ TT&TT có thể hỗ trợ được. Hoặc tỉnh Lạng Sơn có thể làm việc với Hà Nội để tạo một luồng xanh vận chuyển riêng cho na và các sản phẩm nông sản khác của Lạng Sơn.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết, thực hiện Kế hoạch 1034, Bộ TT&TT tập trung vào việc đưa hộ nông dân sản xuất lên sàn TMĐT qua 2 sàn của Bưu điện Việt Nam (Postmart.vn) và Viettel Post (voso.vn). Bộ TT&TT đang tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ để phát triển kinh tế nông thôn là: tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, đặc biệt là Vietnam Post và Viettel Post để đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, tập trung phát huy tối đa tiêu thụ trong nước; tập trung thông tin tuyên truyền giới thiệu nông sản Việt Nam trên các kênh truyền thông.

 

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm