Tìm giải pháp phát triển bền vững chuỗi cung ứng cho thương mại điện tử
DNVN - Đại dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng hàng hóa cho thương mại điện tử chịu ảnh hưởng lớn. Các doanh nghiệp (DN) sản xuất, logistics cũng như thương mại điện tử phải tìm cách thích nghi với bối cảnh mới. Việc xác định đúng mô hình vận hành và liên kết giữa các DN được coi là cần thiết để vượt dịch thành công.
Kinh doanh không gián đoạn, giảm 40% chi phí vận hành nhờ chuyển đổi số / Đẩy mạnh công cụ trải nghiệm cho giới trẻ và người cao tuổi tại Lễ hội Mua sắm toàn cầu 11.11
Cơ hội đi liền thách thức
Đại dịch COVID-19 là cơn “ác mộng” đối với nhiều lĩnh vực kinh tế trên toàn thế giới, nhưng dường như lại là “vận may” đối với lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) khi mua sắm trực tuyến là cách duy nhất để có được những thứ họ cần trong thời kỳ giãn cách xã hội.
Theo ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), TMĐT hiện nay đã trở thành thói quen khá tích cực với người tiêu dùng.
Dẫn ý kiến phản ánh của các DN TMĐT hay logistics, công Hoàng cho biết, có rất nhiều người dân ở các khu vực TP lớn đã di chuyển về quê. Họ đã mang theo thói quen tiêu dùng qua sàn TMĐT ở TP về các khu vực nhỏ hơn. Điều đó một mặt giúp phát triển TMĐT ở khu vực đó và các DN logistics hay các sàn TMĐT đã từng bước mở các kho hàng mới ở những tỉnh, thành xa hơn. Chính những tác động như vậy đã mang lại sự phát triển cho ngành TMĐT nói chung hay logistics trong ngành TMĐT nói riêng.
Ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.
Cùng quan điểm, bà Võ Phương Lan - Trưởng Ban vận tải Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), CEO Công ty ASL cho biết, COVID-19, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 đã tạo ra cơ hội và cú huých rất lớn cho TMĐT khi thói quen người tiêu dùng đã chuyển sang mua sắm online. Thực tế, các sàn TMĐT đã ghi nhận đơn hàng tăng gấp nhiều lần so với trước khi có dịch.
Tuy nhiên, theo bà Lan, đi liền với cơ hội là thách thức. Việc bảo đảm luồng vận chuyển hàng hóa trong giai đoạn giãn cách xã hội vấp phải những khó khăn nhất định do các quy định chặt chẽ của chính quyền địa phương nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh. Trong khi đó, để bảo đảm hàng hoá đến tay người dùng vẫn giữ nguyên chất lượng, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng tươi sống sẽ không chỉ phụ thuộc vào chất lượng đầu vào của sản phẩm mà phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng vận chuyển.
Bà Lan cho biết, thách thức lớn nhất và hiện vẫn đang diễn ra đối với các DN là cước vận tải. Hiện là mùa cao điểm cuối năm nhưng chuỗi cung ứng hàng hóa bằng đường biển và đường hàng không toàn cầu vẫn rất căng thẳng. Theo thông tin mới nhất, giá vận chuyển 1 kg hàng hóa từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Los Angeles (Mỹ) là 18 USD - cao gấp nhiều lần so với mức giá 3,5 - 4 USD trước đây. Cước phí hàng nhập về cũng tương đương như vậy.
Cước vận tải tăng cao khiến DN gặp nhiều khó khăn.
"Mức giá này không thể tưởng tượng nổi. Đây là thách thức rất lớn cho TMĐT. Kể cả hàng hóa bán trên sàn TMĐT Amazon. Với chi phí lớn như vậy sẽ giảm đi lợi thế cạnh tranh của DN xuất nhập khẩu tại thị trường Việt Nam", bà Lan nói.
Trong khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, suốt từ đầu năm đến nay giá dầu tăng liên tục tăng. Giá dầu tăng cao tác động rất lớn đến DN vận tải, DN sản xuất và DN TMĐT. Các DN vận tải liên tục phải gửi thông báo đến đối tác là các DN sản xuất và DN TMĐT để cùng nhau chia sẻ khó khăn.
Là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu ra nước ngoài, ông Nguyễn Văn Tuyên - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ và đầu tư Tiến Đạt cho biết, đại dịch COVID-19 khiến DN chịu tác động nặng nề. DN đối mặt với 2 khó khăn mà trước đây chưa từng gặp phải khi nhập hàng từ nước ngoài về và bán hàng trong nước.
Theo đó, DN gặp khó khăn về chuỗi cung ứng gỗ từ Châu Âu và Châu Mỹ về Việt Nam. Trước đây, DN nhập gỗ từ nước ngoài về theo giá CIF Hải Phòng. Nhưng thời gian vừa qua, giá cước tăng gấp 4 - 5 lần, giá container chuyển về Việt Nam tăng cao nên đối tác không dám giao hàng CIF nữa mà giao theo giá FOB.
"Chúng tôi bị chậm trễ nhiều lô hàng, thậm chí không dám mua hàng vì giá cước quá đắt đỏ. Giá cước tăng chóng mặt, DN không biết thuyết phục đối tác như thế nào", ông Tuyên chia sẻ.
Ở trong nước, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp với việc nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, ngoài những chi phí phát sinh liên quan đến phòng, chống dịch, cước phí vận tải tăng mạnh đã làm DN "đau đầu".
Thêm vào đó, theo phản ánh của ông Tuyên, gần đây giá xăng, dầu tăng liên tục, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN khi các hãng vận tải đồng loạt công bố giá mới. DN xác định có thể bị lỗ vốn, nhưng vì mục tiêu lâu dài nên phải chấp nhận thua thiệt về mình.
Thích ứng với tình hình mới
Theo giới chuyên gia, dịch bệnh COVID-19 đã gây ra sự đứt gãy cung ứng toàn cầu gồm cả hoạt động logistics. Đây là bất lợi nhưng cũng là lợi thế để đẩy nhanh phương thức hoạt động mới thích ứng với hoàn cảnh.
Ông Bùi Huy Hoàng cho biết, trong thời gian diễn ra dịch bệnh, Bộ Công Thương đã kiến nghị xây dựng những điểm nhận hàng dành riêng cho TMĐT. Biện pháp này đã mang lại hiệu quả, góp phần làm cho chuỗi lưu thông không bị đứt gãy trong giai đoạn COVID-19 phức tạp.
Trên góc độ DN, ông Vũ Đức Thịnh - Tổng Giám đốc Lazada Logistic Việt Nam cho biết, để khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng về lương thực thực phẩm và nhu yếu phẩm trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều sàn thương mại điện tử đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong lưu thông, cung ứng hàng hóa phục vụ người dân. Các sàn cũng vào cuộc hỗ trợ tiêu thụ nông sản đang vào vụ thu hoạch của bà con nông dân tại nhiều tỉnh, thành phố.
Ông Vũ Đức Thịnh - Tổng Giám đốc Lazada Logistic Việt Nam.
Bản thân Lazada phải thay đổi mô hình vận hành trong vòng 24 giờ. Hàng loạt các biện pháp đã được triển khai như giao hàng không tiếp xúc, trang bị bảo hộ cho đội ngũ giao hàng, tổ chức xét nghiệm thường xuyên nếu có ca nhiễm thì kịp thời khoanh vùng. Qua đó tạo niềm tin và an tâm cho người mua hàng và người bán hàng. Công ty cũng ngay lập tức điều chỉnh một số hoạt động về logistics để đảm bảo việc cung cấp các mặt hàng rau của quả và đồ tươi sống cho người dân.
Trong khi đó, theo chia sẻ của bà Võ Hoàng Lan, Viện Logistics Việt Nam và Hiệp hội Logistics Việt Nam đã xây dựng đề án mô hình vận tải xanh, trong đó nhấn mạnh việc giao hàng không tiếp xúc. Theo đó, việc cung cấp nhiên liệu cho đội xe được thực hiện tự động hóa 100%. Tài xế chỉ cần có mã QR là có thể lấy được nhiên liệu. Dữ liệu được chuyển về trung tâm, không cần thủ kho, hoạt động đầu ra và đầu vào đều được kiểm soát tự động...
Cần sự liên kết giữa các doanh nghiệp
Đối mặt với áp lực vừa phải gia tăng chất lượng dịch vụ để lôi kéo và giữ chân khách hàng vừa phải tối ưu chi phí để duy trì mức độ biên lợi nhuận, điều các doanh nghiệp quan tâm là giải pháp nào để phát triển bền vững chuỗi cung ứng cho TMĐT sau đại dịch COVID-19.
Theo ông Vũ Đức Thịnh, với logistics cho TMĐT luôn luôn phải cân bằng 3 yếu tố với nhau: nhanh, rẻ và dịch vụ chất lượng. Để 3 yếu tố kết hợp với nhau là bài toán cực kỳ khó. Nhưng khó vẫn phải đi tìm lời giải.
Để hoạt động hiệu quả trong bối cảnh mới, điều đầu tiên DN phải xác định đúng mô hình vận hành và có những đầu tư đầy đủ về trang thiết bị. Ngoài ra, phải đặt lợi ích, an toàn của khách hàng, đối tác, cộng đồng lên trên hết. DN cần đầu tư cho công nghệ bởi hiện mọi cái dựa trên dữ liệu. DN cũng cần nhận thức được vai trò của dữ liệu để tối ưu hóa quy trình vận hành, tuyến đường vận chuyển. Thêm vào đó là công nghệ tự động hóa. Làm sao để thông qua công nghệ tự động hóa để tối ưu hóa hoạt động và nâng cao năng suất vận hành.
"Song trên tất cả vẫn chính là con người. Con người vẫn là trọng tâm của DN, nhất là với DN logistics. Theo đó, chúng ta phải luôn xây dựng, đào tạo và phát triển nhân lực. Phải tạo điều kiện cho nhân sự phát huy được yếu tố sáng tạo, tiếp cận được yếu tố mới của công nghệ và ứng dụng những yếu tố mới, công nghệ đó vào trong quá trình vận hành. Chỉ khi đó DN mới phát triển bền vững. DN sẽ có 50% thành công nếu có đội ngũ tốt, con người tốt", ông Thịnh nhấn mạnh.
Bà Võ Phương Lan cho biết, thông điệp của Hiệp hội DN Logistics Việt Nam trong nhiệm kỳ 2021 - 2023 là chuyển đổi số, sáng tạo và đổi mới. Và thông điệp này xuyên suốt và là kim chỉ nam cho tất cả các DN logistics muốn tận dụng cơ hội để vượt qua thách thức.
Bà Võ Phương Lan - Trưởng Ban vận tải Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), CEO Công ty ASL.
"Các DN phải đổi mới và tự động hóa, kể cả DN vận tải nội địa. Theo đó, ngoài việc xây dựng các kho hàng lớn, áp dụng công nghệ cao thì DN phải xây dựng rất nhiều kho hàng vệ tinh để tối ưu hóa thời gian giao hàng, để sản phẩm đến tay người tiêu dùng đảm bảo độ tươi ngon và trong thời gian ngắn nhất", bà Lan nói.
Cùng chung quan điểm với ông Thịnh về vấn đề nhân lực, bà Lan cho rằng, vấn đề hiện nay là phải đào tạo nhân lực, thay đổi tư duy và ứng dụng CNTT. Đây là vấn đề then chốt mà các DN logistics, DN TMĐT hay vận tải trong và ngoài nước phải suy nghĩ. Rõ ràng để có thể phát triển, các DN logistics cần đầu tư chú trọng đào tạo nguồn nhân lực bởi đây chính là hạ tầng mềm. Phải đào tạo nhân lực để ứng dụng công nghệ trong vận hành, để đội ngũ vận tải không phải tiếp xúc trực tiếp, từ đó hạn chế được rủi ro bởi đại dịch còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, bà Lan cho rằng, thành công của sàn TMĐT ngoài nguồn cung đầu vào từ các DN sản xuất và số lượng lớn đơn hàng từ người tiêu dùng thì đội kết nối giữa giao hàng từ nhà sản xuất đến kho và từ kho đến người tiêu dùng cần một đội ngũ vận hành logistics rất lớn. Do đó, liên kết các DN vận tải để tối ưu hóa giao hàng là điều cực kỳ cần thiết.
Thêm vào đó, việc hợp tác, liên doanh liên kết, chia sẻ nguồn lực giữa các DN logistics vừa và nhỏ để chúng ta sử dụng nguồn lực lớn hơn, giảm chi phí về logistics thì mới vượt qua được thách thức, tận dụng cơ hội, hướng đến phát triển tốt hơn khi nền kinh tế mở cửa trở lại hoàn toàn trong tương lai.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuyên đề xuất, các sàn TMĐT nên tạo những chơi cho các DN nhỏ với các gói hỗ trợ cho các DN cam kết tham gia trong một thời gian nhất định, có thể từ 1 - 3 năm.
"Ngay lúc này, nếu các sàn tạo được sân chơi cho các DN nhỏ thì cũng chính là tạo hướng đi, lối ra cho DN tồn tại và phát triển sau đại dịch, để sản phẩm của DN không chỉ bán trong nước mà còn bán xuyên biên giới. Tôi hi vọng sự hợp tác giữa các bên sẽ đưa hàng Việt đi xa hơn đến thị trường thế giới", ông Tuyên bày tỏ.
Với bản thân mỗi DN, theo ông Tuyên, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, lãnh đạo mỗi đơn vị cần quan tâm xây dựng mối quan hệ giữa các DN logistics, DN sản xuất và DN TMĐT để đảm bảo dòng chảy hàng hóa trên thị trường, qua đó đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp DN tồn tại và phát triển bền vững dù trong hoàn cảnh nào.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo