TS Cấn Văn Lực: 5 năm tới, tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam sẽ đứng đầu Đông Nam Á
DNVN - Kỳ vọng vào sự phát triển vượt bậc của kinh tế số, TS Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, Giám đốc Trường Đào tạo BIDV dự báo: 5 năm tới, tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam sẽ đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam: Kinh tế số năng động và trên đà cán đích 43 tỷ USD / Livestream bán hàng: Ngành công nghiệp tỷ USD, hướng đi mở cho nền kinh tế số Việt Nam
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam nhân dịp đầu Xuân về câu chuyện chuyển đổi số Việt Nam trong tương quan với các nước đang phát triển, TS Cấn Văn Lực dẫn lại nghiên cứu của Google Temasek và Bain & Company trong báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019" với thông tin gây chú ý là nền kinh tế số Việt Nam dự báo sẽ chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025.
TS Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, Giám đốc Trường Đào tạo BIDV.
Ảnh: Hà Anh
Cùng đó, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 trong 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực. Nhờ có nền kinh tế số mà các ngành, nghề kinh doanh sôi động, từ thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (Facebook, Instagram), giải trí (Netflix, Pinterest), giao thông vận tải (Uber, Grab, GoViet) đến phân phối, bán buôn và bán lẻ (Lazada, Shopee)... Quy mô thị trường thương mại điện tử đạt khoảng 5 tỷ USD, trong khi du lịch trực tuyến khoảng 4 tỷ USD, truyền thông trực tuyến đạt 3 tỷ USD, gọi xe công nghệ khoảng 1 tỷ USD.
“5 năm tới, nền kinh tế số của chúng ta có thể tăng trưởng mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, mức 29%. Trong khoảng 2 năm vừa qua, trước sự tác động của dịch COVID-19, kinh tế số Việt Nam đã phát triển tương đối nhanh, khoảng 25-30%/năm, đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng số. Kể cả lĩnh vực công nghệ tài chính, y tế, du lịch, giáo dục cũng chuyển đổi số tương đối mạnh”, TS Cấn Văn Lực nói.
Cùng đó, theo Giám đốc Trường Đào tạo BIDV, đối với định hướng về mặt thể chế, Đảng và Nhà nước cũng hết sức quan tâm, nên chúng ta đã có Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị (về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư,) sau đó chúng ta có những quyết định của Chính phủ liên quan đến chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2025 – 2030.
Vấn đề nhận thức chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã tăng lên rõ rệt. Hoạt động thanh toán không tiền mặt đã được triển khai tương đối tích cực.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Cấn Văn Lực, nhược điểm lớn của nền kinh tế số Việt Nam vẫn nằm ở thể chế.
Đó là khung pháp lý vẫn còn chậm so với yêu cầu, kể cả những cơ chế thử nghiệm (Sandbox) trên nhiều lĩnh vực khác nhau chưa được ban hành.
“Dữ liệu của chúng ta vẫn còn rất phân tán, chưa được hoàn thiện, dẫn đến mỗi khi chúng ta muốn sử dụng dữ liệu để mà phân tích, đánh giá, dự báo rất khó khăn. Cái này thể hiện tương đối rõ trong câu chuyện phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua. Khi thông tin dữ liệu của còn bất cập thì vẫn còn những bất lợi trong quá trình phòng, chống dịch”, chuyên gia Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam được dự báo sẽ đứng đầu khu vực Đông Nam Á trong 5 năm tới
Ngoài ra, theo ông Lực, cách tiếp cận, phối kết hợp của các cơ quan quản lý vẫn còn rất thận trọng. Chính vì thế, những quy định về thử nghiệm, thí nghiệm của Việt Nam thực thi nền kinh tế số diễn ra tương đối chậm chạp.
Đặc biệt, nhận thức về chuyển đổi số của mỗi doanh nghiệp là khác nhau. Có doanh nghiệp rất quan tâm, có doanh nghiệp gần như coi như đó là điều đương nhiên, hoặc coi như thôi, có thế nào thì làm thế. Một phần do dịch COVID-19 khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhưng suy đến cùng, thì doanh nghiệp cần phải coi chuyển đổi số như một xu hướng tất yếu.
“Mục tiêu của Chính phủ đến năm 2030, nền kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP. Để phát triển kinh tế số trong đầu tư kinh doanh, Chính phủ cần sớm sửa đổi Luật giao dịch điện tử; xây dựng khung pháp lý (gồm cả Sandbox) cho các hoạt động kinh doanh số, tài sản số. Cần hoàn thiện quy định về quản lý dữ liệu và chia sẻ thông tin, dữ liệu. Ngoài ra, cần chuẩn hóa cơ sở dữ liệu ở cả cấp quốc gia, quy định về dịch vụ đám mây cũng như quy định, chính sách bảo vệ người tiêu dùng tài chính, trong đó có tài chính số...”, Giám đốc Trường Đào tạo BIDV khuyến nghị.
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo