Thị trường

"Cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu ngay cả trường hợp xấu nhất là cách ly 1 thành phố"

DNVN - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp chiều muộn ngày 19/3 với các đơn vị về tình hình cung ứng hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp.

Xua tan lo ngại về giao dịch tài chính thời Covid-19 / Dịch Covid 19 làm thay đổi hành vi người tiêu dùng như thế nào?

Vẫn trên tinh thần khẩn trương, chủ động và quyết liệt, tại cuộc họp, người đứng đầu Bộ Công Thương khẳng định, các phương án dự phòng cần được sẵn sàng để đối phó với mọi tình huống, kể cả trường hợp xấu nhất, cách ly một thành phố, cách ly một vài tỉnh thành… chúng ta vẫn đáp ứng đủ các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân.
"Người dân cần hiểu và tuyệt đối tin tưởng rằng Chính phủ, trong đó có Bộ Công Thương đang đồng hành, sát cánh trong cuộc chiến này. Sẽ không có địa phương nào bị thiếu hàng, sẽ không có khu vực nào bị gián đoạn nguồn cung các mặt hàng thiết yếu.
Với trách nhiệm của một Bộ quản lý lưu thông hàng hóa và cân đối cung cầu, chúng ta cần phải nắm rõ và khẳng định được rằng chúng ta có thể đáp ứng được nhu cầu các thực phẩm thiết yếu của nhân dân, nếu dịch bệnh kéo dài một tháng, hai tháng, 6 tháng và lâu hơn nữa. Trong tình huống khẩn cấp hơn, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ huy động nguồn dự trữ quốc gia", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng nhắc nhở các đơn vị thuộc Bộ phải đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt, công khai và minh bạch. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu không gửi email cho Bộ trưởng mà hãy điện thoại trực tiếp, nhắn tin, hoặc viber để cá nhân bộ trưởng được tiếp nhận ngay. Chống dịch như chống giặc, chúng ta không thể chậm trễ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu trong bất cứ tình huống nào. (Ảnh: MOIT)
Cùng chung quan điểm không thể chậm trễ, phải vào cuộc quyết liệt và chủ động, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng ngay lúc này, Bộ đã phải rà soát và chắc chắn được rằng khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa ở mỗi địa phương, trong tổng thể nguồn cung của cả nước. Các địa phương phải có được đầu mối cung cấp nguồn hàng, danh sách các doanh nghiệp sản xuất, tiếp nhận, để khâu thông tin liên lạc được thông suốt, kịp thời và chủ động vào cuộc, kể cả tình huống xấu nhất cũng như tại bất cứ thời điểm nào.
“Đừng đợi khi tình huống xấu xảy ra mới vào cuộc, cũng không đợi địa phương báo cáo và cũng không nên chỉ dừng lại ở con số mà phải vào cuộc ngay, phải đi đến từng địa phương để kiểm tra và chắc chắn rằng chúng ta đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân cũng như đảm bảo khâu lưu thông”, ông Đỗ Thắng Hải yêu cầu.
Tại cuộc họp, Vụ Thị trường trong nước cho biết đến nay đã có 55 tỉnh thành trong cả nước gửi báo cáo, trong đó đã có các “kế hoạch tác chiến”, kịch bản đối phó với dịch bệnh theo 5 cấp độ. Trong đó, đã tính đến các tình huống nếu dịch bệnh lan rộng, phức tạp mà phải cách ly những thành phố lớn, các thành phố vệ tinh thì việc đưa các mặt hàng thiết yếu vào vùng dịch sẽ được tiến hành thế nào, các điểm báo hàng sẽ được bố trí ra sao?
“Chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc cung ứng hàng hóa ở Sơn Lôi, Vĩnh Phúc, kênh phân phối hàng hóa từ các điểm bán xăng dầu, cung cấp điện, đưa hàng vào siêu thị, điểm bán để đến tay người dân… và hiện tại, công tác này đang được tiếp tục và tăng lên thành cấp cao hơn, kể cả phương án nếu Hà Nội cách ly trên diện rộng”, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết.
Chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng đưa hàng hóa vào vùng dịch
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương Hà Nội đã có phương án chuẩn bị nguồn hàng và bảo đảm cung ứng cho thị trường theo các kịch bản diễn biến của dịch bệnh. Trong đó, thành phố đã tính đến việc chuẩn bị lượng hàng hóa tăng thêm 30% -50% so với nhu cầu bình thường của người dân trong một tháng. Đối với khu vực bị cách ly, các phương án đã tính đến tình huống giả định khu vực bị cách ly khoảng 5.000 người trong thời gian 30 ngày.
Ngay trong chiều ngày 19/3/2020, Sở Công Thương đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn để lên phương án và ước tính khả năng cung ứng hàng của từng doanh nghiệp để có phương án đưa hàng theo từng kịch bản bảo đảm nguồn cung trong các tình huống và bình ổn thị trường.
Trong khi đó, ngay trong ngày 18/3/2020, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Vincommerce đã liên hệ với Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận để phối hợp tăng nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho địa bàn Ninh Thuận. Riêng đối với địa bàn bị cách ly (thôn Văn Lâm 3 với quy mô khoảng 5.000 dân sinh sống), chính quyền xã và huyện đã phối hợp với Vincommerce lên danh sách các mặt hàng nhu yếu phẩm của người dân và thực hiện cung ứng các mặt hàng này cho người dân tại thôn. Siêu thị SaiGon Coop cũng đang phối hợp với Sở Công Thương Ninh Thuận để thực hiện việc cung ứng hàng hóa cho địa bàn tỉnh Ninh Thuận nói chung và hỗ trợ cung ứng hàng cho khu vực cách ly nói riêng.

Nguồn cung hàng hóa thiết yếu sẽ được bổ sung tăng lên để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, hiện tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã ổn định, nguồn cung hàng hóa đang được bổ sung tăng lên cũng đã góp phần ổn định tâm lý của người dân.
Tại Hải Dương từ tối ngày 18/3/2020 đã có 01 thôn Tiêu Sơn bị cách ly với tổng số người khoảng 2.300 người. Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương đã xây dựng các kịch bản ứng phó với tình hình dịch Covid-19 theo 05 cấp độ lây lan của dịch bệnh tại đia phương kèm theo các phương án ứng phó, bảo đảm nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Theo đó, địa phương đã dự kiến lượng hàng hóa để phục vụ cho khu vực bị cách ly, giả định cho khoảng 3.000 người trong thời gian 30 ngày. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn sẵn sàng cung ứng đủ nhu cầu khi có tình huống cách ly xảy ra. Sáng ngày 19/3/2020, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương đã bắt đầu triển khai các phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu như kịch bản đã xây dựng. Vụ Thị trường trong nước đã trao đổi trực tiếp với Sở về kinh nghiệm của một số địa phương đã triển khai thông qua các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh để cung cấp hàng hóa cho các địa bàn bị cách ly.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hải Dương (chiều ngày 19/3/2020), về cơ bản, nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu dân sinh trong tỉnh khá dồi dào; luôn sẵn sàng phục vụ nhân dân đầy đủ, kịp thời. Số lượng hàng thực phẩm tươi sống (lưu chuyển thường xuyên trong ngày) và hàng dự trữ lưu thông bình quân (hàng thực phẩm có hạn sử dụng) của các thương nhân luôn sẵn sàng phục vụ cho số lượng dân cư từ 20.000 đến 40.000 người.
Ghi nhận sự nỗ lực của các đơn vị trong bối cảnh cả nước cùng chung tay phòng chống dịch bệnh, kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị cần lập đoàn khảo sát thực tế, trên tinh thần nhỏ, gọn thành phần tham dự, nhưng công khai minh bạch để làm việc với một số địa phương, điểm nóng và doanh nghiệp. Không thể chỉ nghe các con số báo cáo mà cần có kiểm chứng để đảm bảo hàng hóa đủ, khâu phân phối lưu thông ổn định cũng như chất lượng hàng hóa được đảm bảo, vì sức khỏe của nhân dân.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để đảm bảo ổn định thị trường, không để hiện tượng lợi dụng dịch bệnh đầu cơ tăng giá, hàng nhái hàng giả trà trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm