Thị trường

"Gỡ khó" giúp nông dân xứ Nghệ tiêu thụ nông sản trong mùa dịch Covid-19

DNVN - Dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến việc tiêu thụ nông sản của người dân xứ Nghệ gặp nhiều khó khăn, nhiều mặt hàng ùn ứ, ế ẩm, giá giảm sâu...

Gần 26.000 cán bộ y tế, sinh viên sẵn sàng đến điểm nóng Bắc Giang, Bắc Ninh chống dịch / Dừng hoạt động vận chuyển hành khách từ TP.HCM đến Lâm Đồng từ 30/5

Nông sản rớt giá vẫn khó tiêu thụ

Dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng khiến việc tiêu thụ nông sản của nông dân Nghệ An gặp nhiều khó khăn, nhiều mặt hàng ùn ứ, ế ẩm, giá giảm sâu khiến người nông dân thua lỗ nặng. Bởi các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh xuất khẩu chủ yếu vào các thị trường Trung Quốc, Trung Đông và châu Âu, Lào đều gặp khó khăn. Theo thống kê Nghệ An có 4 sản phẩm bị ảnh hưởng nhiều nhất đó là: Chè, lạc, rau củ quả và thịt lợn.

Nông dân Nghi Lộc thu hoạch dưa hấu

Nông dân Nghi Lộc thu hoạch dưa hấu.

Anh Nguyễn Văn Ngọc (trú xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương) chia sẻ: "Nếu như những năm trước, vào thời điểm này gia đình tôi đang huy động nhân lực tập trung hái chè nhập cho các xưởng chế biến. Song năm nay, tình hình dịch Covid-19 phức tạp các xưởng chế biến chè bắt đầu gặp khó do việc xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Đài Loan, Trung Đông. Vì vậy, nhiều công ty cũng cầm chừng trong việc thu mua sản phẩm khiến số lượng lớn chè của gia đình vẫn còn tồn kho.

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An, sản lượng chè khô Nghệ An mỗi năm đạt 12.000 -14.000 tấn, chủ yếu dùng để xuất khẩu sang thị trường Trung Đông. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên các chuyên gia kỹ thuật của các đối tác không trực tiếp kiểm tra chất lượng tại các cơ sở sản xuất chế biến nên việc xuất khẩu chè ngưng trệ. Hiện lượng chè tồn kho tại các cơ sở chế biến khoảng 3.500 tấn.

Các xưởng, công ti thu mua chè

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến nhiều công ty gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm, lượng chè tồn trong xưởng rất lớn.

 

Còn đối với nông sản có tính thời vụ thu hoạch vào mùa cao điểm như: Dưa hấu, mướp đắng, bí xanh… khi "tắc" đầu ra thì hầu như phải đổ bỏ. Hiện dưa hấu ở Nghi Lộc, Diễn Châu, Nghĩa Đàn đang bước vào chính vụ với gần 1.000 ha, dự kiến sản lượng lên 20.000 tấn. Mặc dù dưa hấu năm nay mẫu mã đẹp, độ đường cao song giá bán chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Chấp nhận giá rẻ, nhiều người đành bán lỗ để lấy vốn.

Không chỉ dưa hấu mà các loại rau màu khác như: Bí xanh, mướp đắng, mướp hương, dưa chuột, hành lá… giá đều sụt giảm và khó tiêu thụ. Các vùng trồng rau màu như: Nam Anh, Nam Xuân (Nam Đàn), Quỳnh Lương, Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu), Nghi Long (Nghi Lộc)… đều lâm vào cảnh ế ẩm, nhiều nơi đành thu hoạch đưa về làm thức ăn cho gia súc.

“Gỡ khó” giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm

Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành 25 văn bản chỉ đạo các Sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội, các địa phương và người dân trong tỉnh, quan tâm chỉ đạo công tác triển khai tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19. Hướng dẫn các đơn vị sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm trên tinh thần vừa đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ tốt, vừa chống dịch hiệu quả.

 

Ông Đặng Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Sông Lam cho biết, dịch bệnh khiến việc xuất khẩu chè bị ngưng trệ, trong khi lượng chè tồn kho năm trước vẫn còn nhiều. Tuy nhiên, nhằm gỡ khó cho việc tiêu thụ nông sản mùa dịch Covid-19, công ty đã chủ động tìm đầu ra mới cho chè thành phẩm. Đồng thời, vay vốn ngân hàng để thu mua chè nguyên liệu, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân trong bối cảnh dịch bệnh, giá chè xuống thấp bằng cách cho ứng phân bón, tiền để đầu tư, chăm sóc cho lứa chè sau.

hi

Nghệ An yêu cầu hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích hạn chế nhập các sản phẩm tươi sống, đông lạnh mà tăng cường thu mua, dự trữ các sản phẩm nông sản của tỉnh.

Ông Trần Nguyên Hòa – Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Nghi Lộc cho biết, để chủ động giúp nông dân tiêu thụ nông sản, huyện đã huy động các tổ chức đoàn thể, thanh niên, huy động sự tương trợ, hỗ trợ của cộng đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bị tồn đọng do dịch Covid-19, giúp nông dân giảm bớt thiệt hại, ổn định sản xuất. Đồng thời, hướng dẫn nông dân tiếp cận phương pháp bán hàng online, vừa góp phần tiêu thụ hàng hóa vừa giãn cách tập trung đông người trong mùa dịch.

 

Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An yêu cầu hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích hạn chế nhập các sản phẩm tươi sống, đông lạnh mà tăng cường thu mua, dự trữ các sản phẩm nông sản của tỉnh. Ưu tiên tiêu thụ nông sản trong tỉnh tại chợ và các bếp ăn tập thể. Ngoài ra, để đẩy mạnh tiêu thụ trong dân, ngành công thương, Liên minh HTX tỉnh Nghệ An đã chủ động kết nối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong nước để giới thiệu và bao tiêu sản phẩm cho người dân thông qua các hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu… nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng dư thừa sản phẩm.

Thủy Tiên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm