Thị trường

“Không có gói hỗ trợ đặc biệt thì kinh tế Việt Nam sẽ lỡ nhịp, tụt hậu”

Dẫn các số liệu thống kê chứng minh tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam cần kịp thời có chương trình hỗ trợ đủ lớn nếu không sẽ “lỡ nhịp” với xu hướng phục hồi kinh tế thế giới.

Cao điểm chống buôn lậu, hàng giả dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 / “Bài toán” nguyên, phụ liệu cho ngành dệt may

Nhiều ý kiến nhấn mạnh điều này trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” sáng 5/12. Chương trình do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, với 2 điểm cầu tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế và phòng Thăng Long – Nhà Quốc hội, 57 điểm cầu trong cả nước và 3 điểm cầu ở Mỹ, Pháp, Thái Lan.

Đề xuất gói hỗ trợ hàng trăm nghìn tỷ đồng

Là người đầu tiên phát biểu tham luận, TS Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng trong nhiều năm tới vẫn còn rủi ro vì phục hồi kinh tế trên thế giới không đồng đều, lạm phát tăng dẫn đến phải tăng lãi suất và xu hướng các nước thu hẹp dần gói hỗ trợ; lợi nhuận của DN giảm. Biến thể Omicron tác động tiêu cực, dự báo kinh tế thế giới giảm 0,2-0,4 điểm %.

“Với kinh tế Việt Nam, tác động của dịch bệnh rất lớn. Năm ngoái chúng ta thực hiện rất tốt nhưng năm nay có vẻ như đang bị “lỡ nhịp”. Về xã hội, thất nghiệp, việc làm, y tế đều bị tác động tương đối mạnh” – ông Cấn Văn Lực lưu ý.

Dẫn số liệu thống kê cho thấy kinh tế Việt Nam đang phục hồi theo hình chữ U thay vì chữ V như thế giới, vị chuyên gia này đề nghị cần lưu ý vì nếu không có chương trình hỗ trợ đặc biệt thì Việt Nam sẽ lỡ cơ hội phục hồi và tụt hậu, tăng trưởng năm 2022 có thể chỉ tăng 4-4,5%.

TS Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng BIDV phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021
TS Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng BIDV phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021

Phân tích bài học kinh nghiệm của quốc tế, chuyên gia này cho biết hiện đại đa số các nước coi dịch bệnh là bệnh đặc hữu chứ không phải đại dịch, từ đó thực hiện đa mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, tínhđến phát triển lâu bền trong tương lai.

Các nước dùng cả chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, trong đó chính sách tài khoá là chủ yếu, tiền tệ phải đi kèm. Cơ cấu gói hỗ trợ tập trung cao hơn vào hạ tầng y tế thay vì giãn, giảm, hoãn thuế (chỉ gần 7% tổng lượng hỗ trợ) và cho phép bảo lãnh của Chính phủ với khoản vay vốn của DN, nhất là DNNVV.

Với Việt Nam, ông Cấn Văn Lực cho biết dư địa chính sách tài khoá tương đối khả quan do mấy năm qua củng cố tương đối tốt, được quốc tế đánh giá thuận lợi để mở rộng trong một vài năm tới. Chính sách tiền tệ tuy ít hơn nhưng vẫn còn một phần dư địa khi có biện pháp cả gián tiếp và trực tiếp để phấn đấu giảm lãi suất 0,5-1% trong thời gian tới.

“Không có chương trình đặc biệt thì chúng ta sẽ “lỡ nhịp”, không thực hiện được các kế hoạch mà Đảng, Quốc hội đề ra” – chuyên gia Cấn Văn Lực một lần nữa nhấn mạnh. Ông gợi ý chính sách cần tác động cả tổng cung và tổng cầu vì, trong đó ưu tiên nâng cao năng lực y tế; hỗ trợ DN và người dân về nghĩa vụ tài chính và tiếp cận vốn, an sinh xã hội, trong đó có hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động quay trở lại, đào tạo nghề; giảm tiền điện, hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ...

Chuyên gia này đề xuất phân theo 3 giai đoạn: Kích hoạt, thúc đẩy và chốt chương trình hỗ trợ vào 2023 với tổng gói tài khoá, tiền tệ, an sinh và chính sách khác ước tính khoảng 844 nghìn tỷ đồng về danh nghĩa, thực chi tầm 445 nghìn tỷ đồng.

 

“Doanh nghiệp cần được bơm “máu”

Nhấn mạnh điều doanh nghiệp hiện cần nhất là vốn, PGS.TS Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói: “Doanh nghiệp thiếu “máu”, cần có sự bơm “máu”.

Ông cũng đặt vấn đề “chúng ta đang ở vùng trũng tăng trưởng, phải chăng do can thiệp hỗ trợ chưa đủ?”. Các số liệu thống kê cho thấy nhiều chỉ số đáng lo sẽ còn “đeo bám”, thể hiện chất lượng tăng trưởng trong cả dài hạn, đáng chú ý là năng suất lao động thấp. “Cuộc đua đường trường ăn nhau ở năng suất, tốc độ, mà năng suất lao động tụt hậu thế thì khả năng đuổi kịp là thách thức rất lớn, là điểm nghẽn khi bàn tăng trưởng dài hạn”.

Việt Nam có những chính sách về chuyển đổi số, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng dừng lại ở chủ trương chính sách là chính mà thiếu sự quyết liệt về nguồn lực. Bên cạnh đó việc củng cố nền tảng cho tăng trưởng dài hạn cũng còn vấn đề, nhất là về công nghệ sáng tạo, giáo dục, thu hút nhân tài, tinh hoa...

“Tỷ lệ đầu tư cho KHCN về con số tuyệt đối thì tăng nhưng tỷ lệ giảm, cả trong nghiên cứu, trong khi các nước tăng cả con số và tỷ lệ. Thế thì khó có thể nói phát triển dựa vào KHCN và đổi mới sáng tạo” – ông Tuấn nói.

 

Liên quan trụ cột cho tăng trưởng dài hạn là tăng trưởng xanh cũng như yêu cầu đặt ra Việt Nam phải bắt nhịp hai xu hướng quan trọng là “phục hồi số” và “phục hồi danh”, PGS.TS Bùi Quang Tuấn cũng cho rằng đang là những thách thức lớn. Tuy vậy, vị chuyên gia này cũng phân tích số liệu dự báo cho thấy Việt Nam cho dù có thua các lĩnh vực khác thì cũng đang có cơ hội vàng về kinh tế số.

Đề cập giải pháp, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề nghị có gói hỗ trợ đủ lớn, có thể từ 6-8% GDP và chi trực tiếp cho mục tiêu y tế, an sinh xã hội, trong đó chú trọng đối tượng là DN và người lao động. Đồng ý với cách tiếp cận chú trọng cả về cung và cầu, ông Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh cần chú ý tới các động lực tăng trưởng gắn với “phục hồi số” và “phục hồi xanh”, đầu tư công ưu tiên dự án hấp thụ ngay được vốn, tránh “bơm không khéo lại vào chứng khoán, bất động sản thì không đạt mục tiêu tạo độ lan tỏa”.

Dẫn lời của cha đẻ của thuyết tiến hoá Darwin rằng không phải kẻ mạnh nhất hay thông minh nhất mà kẻ có khả năng thích nghi tốt nhất sẽ tồn tại, PGS.TS Bùi Quang Tuấn đề nghị Việt Nam cũng cần thay đổi quyết liệt, nhanh nhằm thích ứng với những thay đổi nhanh xung quanh để có thể phục hồi và phát triển.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm