Thị trường

“Vàng trắng” hồi sinh trên đất Quảng Trị

DNVN - Sau khoảng 10 năm giảm sâu, thời gian gần đây giá mủ cao su tăng cao trở lại khiến những vườn cây cao su trên đất Quảng Trị giờ đây lại nhộn nhịp hồi sinh trở lại.

Triển lãm quốc tế chuyên ngành cao su và sản xuất lốp xe lần thứ 4 lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội / Vỡ mộng cây cao su: “Vàng trắng” thành mất trắng

Niềm vui trở lại

Những người gắn bó lâu năm với cây cao su hẳn thấm thía sự thăng trầm của sản phẩm loài cây được mệnh danh “vàng trắng” trong khoảng một thập kỷ qua. Từ thời điểm hoàng kim khi giá mủ tăng cao kỷ lục ghi nhận được từ cuối năm 2009 đến năm 2010, đã giúp những hộ trồng cây cao su trong cả nước nói chung và tại tỉnh Quảng Trị nói riêng “mở mắt là thấy tiền triệu” và đổi đời nhanh chóng.

Vườn cây cao su của gia đình chị Đoàn Thị Kim Cảnh ở thôn Trấm, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong cho sản lượng mủ cao

Vườn cây cao su của gia đình chị Đoàn Thị Kim Cảnh ở thôn Trấm, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong cho sản lượng mủ cao.

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2012 trở đi giá mủ cao su xuống thấp và kéo dài chu kỳ cả thập kỷ đã khiến người trồng lâm vào cảnh lao đao, bế tắc. Họ lưỡng lự, phân vân không biết nên duy trì hay chặt bỏ loại cây này vì “bỏ thì thương, vương thì nặng”. Cho đến từ đầu mùa khai thác mủ cao su năm 2021, giá mủ cao su bắt đầu tăng cao.
Theo đó, nếu như giai đoạn 2012-2020 giá mủ cao su khô chỉ đạt từ 25-30 triệu đồng/tấn thì hiện nay đã tăng cao ở mức từ 43-45 triệu đồng/tấn. Giá mủ nước trước kia chỉ khoảng từ 8.000 - 10.000 đồng/kg thì hiện nay đạt từ 15.000 - 17.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm đạt 20.000 đồng/kg.

Tuy chưa đạt mức kỷ lục của thời vàng son, song với người trồng cao su vốn gặp khó khăn trong suốt một thời gian dài thì mức giá như trên đã là cả một niềm mơ ước. Anh Hoàng Công Mê Sang, chủ khu trang trại khoảng 5 ha ở vùng gò đồi Trằm Mang thuộc thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng tỏ ra rất lạc quan khi nhắc đến tín hiệu vui từ cây cao su.

Anh Sang cho biết, gia đình có khu trang trại ở vùng đồi Trằm Mang, hồi trước chủ yếu trồng rừng nhưng 11 năm trước khi nhận thấy cây cao su có tiềm năng lớn, anh chuyển đổi khoảng hơn 2 ha sang trồng cao su. Hiện số diện tích cao su của gia đình anh đã đưa vào khai thác được 4 năm.

Thật sự là cây cao su những năm trước giá quá thấp cộng với bị hư hao do bão làm gãy, nhiều lúc tôi thấy nản vô cùng. Đã có lúc tôi nghĩ đến chuyện chặt bỏ để chuyển sang cây trồng khác. May thay đợt này giá mủ tăng và dự báo sẽ ổn định trong một thời gian dài nên tôi và nhiều gia đình trồng cao su ở địa phương rất phấn khởi. Cứ khoảng 4 ngày tôi chở một chuyến mủ đông đi bán, tính ra mỗi ngày bình quân thu nhập từ cao su khoảng 500- 600.000 đồng. Nhờ giá mủ cao nên gia đình tôi có thu nhập ổn định và có điều kiện tái đầu tư cho cây cao su để tăng năng suất mủ”, anh Sang nói.

Vườn cây

Anh Hoàng Công Mê Sang,chủ khu trang trại 5 ha ở vùng gò đồi Trằm Mang thuộc thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăngthu gom mủ cao su để vận chuyển bán cho thương lái.

 

Ở vùng gò đồi thôn Xuân Lâm, ngoài gia đình anh Sang còn 5 hộ trồng cao su với tổng diện tích khoảng 10 ha. Vợ chồng anh Võ Hảo và chị Đoàn Thị Kim Cảnh ở thôn Trấm, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong cho hay giá mủ cao su tăng cao và vườn cao su của gia đình cho sản lượng mủ khá lớn nhờ được chăm sóc tốt. Tranh thủ đổ mủ sau hai nhát cạo, chị Cảnh cho biết, gia đình trồng 1,5 ha cao su từ năm 2009. Những năm đầu gia đình chị tập trung chăm sóc, bón phân thường xuyên nên vườn cao su sinh trưởng và phát triển rất tốt. Tuy nhiên đến thời điểm bắt đầu cạo mủ thì giá cao su xuống rất thấp.
“Mấy năm trước giá mủ thấp quá nên thu nhập không bù đủ chi phí chăm sóc, công cán. Có lúc nản quá cũng có ý định phá bỏ chuyển qua trồng keo tràm, nhưng lừng khừng mãi rồi cuối cùng cũng giữ lại vườn cây. Đợt này giá cao nên vợ chồng tôi rất vui, hiện mỗi ngày bình quân gia đình tôi cũng có thu nhập khoảng hơn 800.000 đồng từ cao su”, chị Cảnh chia sẻ.

Theo chị Cảnh, thôn Trấm là địa bàn hiểm trở, đường giao thông đi lại khó khăn nên cuộc sống của người dân cũng ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên hiện nay đã có con đường bê tông mới được xây dựng nối từ đập tràn lên tận thôn Trấm nên việc đi lại thuận lợi, thương lái thu mua mủ cao su cũng đã lên tận nơi nên bán được giá cao hơn.

Gia đình ông Ăm Hiếu ở thôn Đồng Tâm, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa thời gian qua cũng có thu nhập khá từ cây cao su để trang trải cuộc sống. Ông Hiếu cho biết, gia đình ông trồng được 4 ha cây cao su, hiện nay đã cho khai thác 2 ha, 2 ha còn lại sang năm khai thác. “Mình ở thôn có nhiều người miền xuôi lên lập nghiệp nên được họ hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su rất thuận lợi. Hiện nay, với 2 ha cao su đang khai thác, tính thấp nhất mỗi ngày gia đình tôi cũng có thu nhập khoảng 500-600.000 đồng. Có được thu nhập cao, vợ chồng tôi rất vui, đảm bảo được cuộc sống và chăm lo tốt việc học hành cho con cái”, ông Hiếu nói.

Tập trung chăm sóc vườn cây

Ông Hoàng Tuấn Thám - Chủ tịch UBND xã Hải Lâm cho biết, khai thác thế mạnh về đất đai để phát triển kinh tế vùng gò đồi đã được địa phương xác định là nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy những năm qua, xã đã khuyến khích, vận động và hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với những loại cây, con phù hợp để triển khai tại vùng gò đồi.

 

Bên cạnh rừng trồng, cây ăn quả thì cây cao su được xem là loại cây chủ lực. Đến nay toàn xã Hải Lâm phát triển được 31 ha cây cao su và phần lớn diện tích đã bước vào thời kỳ khai thác mủ. “Địa phương vận động nhân dân tập trung chăm sóc, khai thác hiệu quả vườn cao su hiện có. Bên cạnh đó, hiện nay xã đang xúc tiến để thành lập tổ hợp tác thu mua mủ cao su nhằm giúp bà con ổn định đầu ra thuận lợi hơn”, ông Thám thông tin.

Theo ông Võ Hùng Phong, trưởng thôn Trấm, xã Triệu Thượng, hiện nay toàn thôn có khoảng 30 ha cao su trong đó đa phần diện tích đã cho khai thác mủ. Thời điểm mới trồng khoảng từ năm 2009 trở đi, thôn có hơn 60 ha cao su, tuy nhiên vài năm sau do giá cao su giảm quá thấp nên nhiều hộ chặt bỏ cây cao su chuyển qua trồng keo tràm vì không tin tưởng cây cao su sẽ hoàng kim trở lại.

“Những hộ chặt bỏ cây cao su để chuyển hướng qua cây trồng khác chủ yếu có diện tích nhỏ và sinh kế gia đình của họ hạn chế do không có rừng hoặc có ít đất canh tác hoa màu. Những hộ giữ được vườn cao su thì những năm trước đây cũng chỉ khai thác cầm chừng để mua phân bón chăm sóc duy trì vườn cây. Nhiều hộ còn vườn cao su hiện nay đã có thu nhập tốt khi giá mủ tăng cao. Ở thôn còn nhiều khó khăn như Trấm thì việc người dân có được nguồn thu nhập khá như vậy sẽ giải quyết được rất nhiều việc quan trọng”, ông Phong cho hay.

Cơ sở chế biến

Cơ sở thu mua, sơ chế mủ cao su xã A Dơi, huyện Hướng Hóa đã góp phần giải quyết đầu ra cho người trồng cao su tại địa phương.

 

Với thế mạnh về đất đai, khí hậu, những năm qua xã A Dơi, huyện Hướng Hóa đã phát triển mạnh cây cao su và đây cũng là địa phương hiện nay có diện tích cây cao su khá lớn trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa. Chủ tịch UBND xã A Dơi ông Hồ Xa Cách cho biết, sau nhiều năm phát triển bắt đầu từ năm 2006, đến nay diện tích cây cao su của toàn xã đã đạt 600 ha, trong đó có 400 ha đã cho khai thác mủ. Xã A Dơi phấn đấu những năm tới, mỗi năm sẽ chuyển đổi được khoảng từ 20 ha diện tích đất trồng sắn đã bị bạc màu chuyển qua trồng cây cao su.
“Trên cơ sở nhu cầu đăng ký của các hộ dân, xã sẽ tiếp nhận nguồn giống cây cao su được Nhà nước hỗ trợ để cấp cho bà con trồng. Ngoài ra, xã cũng đăng ký nguồn giống để hỗ trợ cho các hộ nghèo tại địa phương trồng để tạo sinh kế thoát nghèo, vươn lên làm ăn nâng cao cuộc sống. Hiện nay, tại địa phương cũng đã có một cơ sở thu mua, sơ chế mủ cao su nên tạo thuận lợi về đầu ra cho người dân”, ông Cách cho hay.

Thời gian qua, để phát triển cây cao su, xã A Dơi đã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Hướng Hóa tổ chức các lớp tập huấn chăm sóc, cách cạo mủ cao su. Đồng thời mới đây, xã cũng đã có văn bản gửi UBND huyện xin thành lập HTX chuyên về cây cao su. Mặt khác, địa phương vận động người dân vay vốn, đầu tư cây giống cao su để sản xuất.

Điều đáng mừng là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương đã ủng hộ chuyển đổi và tham gia sản xuất. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân 4 thôn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số của xã thực hiện chuyển đổi sản xuất. Trong đó mục tiêu phấn đấu là diện tích cao su mỗi hộ đạt khoảng 2 ha, từng bước xóa đói giảm nghèo và mở ra hướng làm giàu trong tương lai”, ông Cách thông tin thêm.

Cây cao su đang thực sự hồi sinh trên mảnh đất Quảng Trị, góp phần nâng cao đời sống cho hàng ngàn hộ gia đình. Hiện toàn tỉnh có khoảng trên 19.000 ha, tập trung ở vùng gò đồi của các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ…

Theo ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Quảng Trị, để phát triển cây cao su bền vững ngành nông nghiệp tỉnh đang rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch các vùng trồng loại cây này. Tỉnh cũng thực hiện hỗ trợ tái canh những vườn cao su già cỗi, trồng mới các vùng cao su có điều kiện thuận lợi; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và hỗ trợ doanh nghiệp chế biến mủ cao su.

 

Hiếu Giang
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm