10 điểm nhấn nổi bật ngành công thương năm 2021: Thương mại điện tử đột phá giữa đại dịch
DNVN - Sản xuất công nghiệp vững vàng trước "bão" COVID-19, xuất nhập khẩu cao kỷ lục gần 670 tỷ USD, thương mại điện tử phát huy vai trò đột phá cho doanh nghiệp Việt thời kỳ đại dịch... là những điểm nhấn lớn nhất của ngành công thương trong năm 2021.
Thường vụ Quốc hội quyết nghị giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay / Hiệp định RCEP - Sức bật mới giúp nâng cao năng lực cạnh tranh
1. Sản xuất công nghiệp vững vàng trước "bão" COVID-19
Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề, chưa từng có bởi dịch bệnh COVID-19, nhưng sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cao hơn mức tăng trưởng của năm trước; quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Tính chung cả năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82% so với năm 2020, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, đóng góp 62,4% tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
2. Chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước thông suốt trong đại dịch
Trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và chuỗi sản xuất công nghiệp do đại dịch, Bộ Công Thương đã kịp thời đánh giá đúng tình hình, sớm thành lập “Ban chỉ đạo tiền phương” tổ chức lực lượng cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và các “Tổ công tác đặc biệt” để kịp thời hỗ trợ, duy trì sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm ngăn ngừa đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng. Theo đó, những khó khăn tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh được tháo gỡ, chuỗi cung ứng hàng hóa và sản xuất công nghiệp vững vàng trước sóng gió dịch bệnh.
3. Thương mại điện tử phát huy vai trò đột phá
Năm 2021, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đã ghi dấu mốc “lần đầu tiên” với một chuỗi các sự kiện, hoạt động đột phá cho doanh nghiệp Việt trong việc phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo đó, lần đầu tiên, mua sắm hàng hoá qua TMĐT đã trở thành một phương thức phân phối chủ yếu, an toàn, phát huy hiệu quả ngay lập tức trong bối cảnh dịch bệnh, cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm của người dân.
Thương mại điện tử phát huy vai trò đột phá cho doanh nghiệp Việt thời kỳ đại dịch COVID-19.
Lần đầu tiên, hàng chục loại nông sản, trái cây vùng miền được tổ chức phân phối trên TMĐT thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” và qua các Sàn TMĐT. Hoạt động này đã góp phần làm vơi bớt khó khăn của người nông dân các địa phương.
“Gian hàng Quốc gia Việt Nam” được tổ chức, xây dựng trên sàn thương mại điện tử JD.com. Đây là gian hàng quốc gia đầu tiên của Việt Nam được mở trên nền tảng trực tuyến tại thị trường Trung Quốc nói riêng và trên sàn thương mại điện tử quốc tế nói chung do Bộ Công Thương chủ trì triển khai qua phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới. Theo đó, mở ra thêm hướng đi mới cho doanh nghiệp Việt, hàng Việt xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và hướng tới các thị trường khác trên thế giới thông qua TMĐT xuyên biên giới.
4. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên môi trường số
Để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong khi phương thức xúc tiến thương mại (XTTM) truyền thống bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Bộ Công Thương đã nhanh chóng chuyển đổi phương thức xúc tiến thương mại trên môi trường số. Theo đó, Bộ đã trực tiếp triển khai hoặc hướng dẫn, phối hợp các địa phương tổ chức trên 1.000 hội nghị kết nối cung cầu, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên cả nước, hỗ trợ hàng triệu lượt doanh nghiệp thực hiện các phiên giao thương và XTTM trực tuyến...
Việc đẩy mạnh các hoạt động XTTM trên môi trường số đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ, rút ngắn khoảng cách và thời gian, đồng thời tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng, qua đó đóng góp vào thành tích xuất khẩu tích cực của cả nước trong 2 năm qua.
5. Giảm gần 17.000 tỷ đồng tiền điện cho khách hàng
Bộ Công Thương đề xuất và được Chính phủ chấp thuận, hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam giảm giá điện, giảm tiền điện trong 5 đợt với số tiền gần 17.000 tỷ đồng cho các đối tượng là: khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, cơ sở lưu trú và cơ sở cách ly y tế; các nhà máy, cơ sở sản xuất đặt tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và đang duy trì sản xuất tại thời điểm ngày 25/8/2021 thuộc các Doanh nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; các doanh nghiệp chế biến và bảo quản rau quả và doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ USD.
6. Khai thác dầu khí về đích trước thời hạn
Với việc tăng cường áp dụng các giải pháp khoa học, kỹ thuật, công nghệ, các giải pháp nâng cao thu hồi dầu, khai thác dầu khí đã đạt sản lượng tối đa trong điều kiện an toàn kỹ thuật cho phép về đích trước thời hạn 42 ngày, tận dụng cơ hội thị trường trong giai đoạn giá dầu tăng. Từ đó, đóng góp cao nhất cho ngân sách nhà nước, với 75,4 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch năm 2021 và vượt 23% so với cùng kỳ năm 2020.
7. Xuất nhập khẩu đạt gần 670 tỷ USD
Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020. Trong đó kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt trên 336 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, đánh dấu năm thứ 6 liên tiếp Việt Nam đạt xuất siêu với mức thặng dư khoảng 4 tỷ USD trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu chịu tác động nặng nề, chưa từng có của COVID-19.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 ước đạt gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020.
Kết quả tăng trưởng của xuất khẩu năm 2021 là điểm sáng trong phát triển kinh tế đất nước với sự nỗ lực của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó là sự nỗ lực của Bộ Công Thương trong thực thi đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt cơ hội phục hồi từ các thị trường nhập khẩu, khai thác hiệu quả các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu.
8. Thực thi hiệu quả các FTA
Việc tận dụng các FTA như EVFTA, UKFTA hay CPTPP... để đẩy mạnh xuất khẩu đã được thực hiện hiệu quả hơn.
Đơn cử, với Hiệp định EVFTA, trong năm 2021 thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt 63,6 tỷ USD, tăng trưởng 14,8%. Trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 45,8 tỷ USD, tăng 14,2% còn EU xuất khẩu sang Việt Nam đạt 17,9 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sử dụng C/O mẫu EUR.1 đạt khoảng 7,8 tỷ USD, cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chú ý tận dụng cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của Liên minh châu Âu theo EVFTA.
9. Ban hành Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Việc Thủ tướng Chính phủ ngày 13/7 ban hành Quyết định số 1163 phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có một chiến lược tổng thể cho phát triển thị trường nội địa. Chiến lược phát triển thương mại trong nước được xây dựng nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước, bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của đất nước, phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế trong thời kỳ mới.
Với những mục tiêu đặt ra, Chính phủ và Bộ Công Thương định hướng phát triển hoạt động thương mại trong nước không chỉ tăng về lượng mà còn đi vào chiều sâu, thực chất và bền vững, gắn liền với hiệu quả đầu tư và phát triển sản phẩm, thương hiệu Việt, trên cơ sở phát huy nội lực của thị trường trong nước với tầm nhìn đến năm 2045.
10. Công tác phòng vệ thương mại
Bộ Công Thương đã chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước. Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các ngành sản xuất trong nước ứng phó với 208 vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của ta, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu.
Tính đến nay, Bộ Công Thương đã điều tra 23 vụ việc phòng vệ thương mại với các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón DAP, màng BOPP, nhôm, ván gỗ, sợi, đường... Theo ước tính, các biện pháp phòng vệ thương mại đã bảo vệ công ăn việc làm của gần 150.000 người lao động.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam
Cột tin quảng cáo