Kinh tế Việt Nam 2021: Vượt "bão COVID-19", "cơn say" chứng khoán, "phát sốt" vì đất
Xuất khẩu ngành nông nghiệp lập kỷ lục / Dệt may Việt Nam vượt khó "chuyển mình" ấn tượng
GDP tăng 2,58%
Năm 2021, kinh tế Việt Nam đã cán đích với mức tăng trưởng GDP 2,58%. Con số này thấp hơn so với mức tăng 2,91% năm 2020, cũng so với mục tiêu đặt ra là 6,5%. Đây cũng là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
GDP năm 2021 tăng 2,58% (Ảnh: TTXVN)
Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê đánh giá mức tăng 2,58% là một thành công lớn trong bối cảnh COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III/2021.
Giải thích về điều Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết năm 2020, hầu hết các các quốc gia đều có mức tăng trưởng âm. Sang năm 2021, kinh tế nhiều quốc gia phục hồi song mức tăng trưởng không quá vượt trội so với Việt Nam. Bà Hương trích dẫn số liệu từ Ngân hàng châu Á (ADB), Thái Lan năm ngoái tăng trưởng -6,1%, năm nay chỉ tăng trưởng 1%; hay như Malaysia tăng trưởng -6,5% vào năm 2020, năm nay chỉ tăng trưởng 3,8%…
"Nhiều quốc gia năm nay có mức tăng trưởng cao bởi năm ngoái họ ở mức nền âm. Còn Việt Nam, với mức tăng trưởng 2,58%, dù thấp hơn năm 2020, nhưng chúng ta vẫn duy trì được đà tăng trưởng.
Xuất nhập khẩu được xem là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế Việt Nam 2021. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 cao chưa từng có - đạt mức 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước.
Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 cao kỷ lục - đạt mức 668,5 tỷ USD
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Đáng chú ý, có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,7%).
Còn kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước. Như vậy tính chung năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4 tỷ USD (năm trước xuất siêu 19,94 tỷ USD).
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 cao kỷ lục - đạt mức 668,5 tỷ USD
Về dự báo tăng trưởng năm 2022, Tổng cục Thống kê cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng và có mức tăng trưởng cao hơn, trong đó đặc biệt là tại quý III và IV. Tổng cục Thống kê dự báo mô hình tăng trưởng của Việt Nam không phải là hình chữ "U" hay chữ "V" mà là hình dấu phẩy giống logo của hãng Nike.
Giá xăng và bát phở
Dù điều chỉnh giảm trong trong một vài kỳ điểu chỉnh gần đây, song năm 2021 đã chứng kiến đà tăng chóng mặt của giá xăng dầu trong nước.
Trong năm 2021, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 22 đợt, trong đó giá xăng A95 tăng 6.820 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 7.040 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 5.200 đồng/lít. So với năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân năm tăng 31,74%, làm CPI chung tăng 1,14 điểm phần trăm.
Năm 2021, giá xăng từng có thời điểm cao nhất trong vòng hơn 7 năm
Cùng với xăng dầu, trong năm 2021, giá bán lẻ gas trong nước được điều chỉnh tăng 9 đợt và giảm 3 đợt. Bình quân năm 2021 gas tăng 25,89% so với năm trước, làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết trong những tháng cuối năm, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát. Nhưng giá nguyên liệu trên thế giới như xăng dầu, than, giá vận chuyển cũng tăng rất cao ảnh hưởng trực tiếp tới chỉ số CPI và lạm phát.
Năm 2021, CPI tăng 1,84% so với năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Trong khi, lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng 0,81% - thấp hơn nhiều so với mục tiêu dưới 4%. Tuy nhiên theo dự báo, áp lực lạm phát năm 2022 là rất lớn.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, bước sang năm 2022, nền kinh tế thế giới và trong nước có khả năng phục hồi mạnh mẽ khi đạt miễn dịch cộng đồng, nhưng sẽ tạo ra áp lực lên lạm phát rất lớn. Việc các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, than, giá vận chuyển tăng sẽ ảnh hưởng tới giá thành, chi phí sản xuất tăng theo. Từ đó, giá hàng tiêu dùng trong nước tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân. Đồng thời ảnh hưởng tới các doanh nghiệp với mặt hàng có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước.
CPI tăng thấp nhất kể từ năm 2016, song theo dự báo lạm phát năm 2022 sẽ rất khó lường
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá kiểm soát lạm phát 2022 là vấn đề không đơn giản. Lạm phát thế giới đang có xu hướng tăng cao và với một nền kinh tế mở như Việt Nam, lạm phát chắc chắn bị tác động.
Ông Phương cũng cho rằng lạm phát của Việt Nam còn chịu ảnh hưởng cả từ phía cung và cầu. Về phía cung hay còn gọi là lạm phát do chi phí đẩy - tức giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.
"Giá xăng tăng cái là giá phở lên liền", ông Phương so sánh để cho thấy tác động của lạm phát.
Giá xăng tăng cái là giá phở lên liền
Với lạm phát do cầu, tức sản phẩm đáp ứng nhu cầu của xã hội nhưng không đủ, thiếu do năng lực sản xuất thấp đi. Khi việc đáp ứng nhu cầu của người dân không đủ, những tầng lấp có nhiều tiền họ sẵn sàng trả một chi phí rất cao để có được sản phẩm. Điều này vô hình chung tạo nên một mặt bằng giá mới.
"Cốt lõi của vấn đề là phải được sản xuất lên cao. Khi đẩy sản xuất tăng cao, chung ta có thể khắc phục được lạm phát do cầu kéo. Với lạm phát chi phí đẩy thì rất khó kiểm soát bởi nó là giá cả của thế giới, giá cả của trong nước", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
"Nỗi buồn" doanh nghiệp
2021 là một năm "buồn" với các doanh nghiệp Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy năm nay có đến 119.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn gần 55.000; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 48.100; doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 16.700. Tính trung bình mỗi tháng có gần 10.000 doanh nghiệp đóng cửa (hay hơn 330 doanh nghiệp/ngày).
Năm 2021 có đến 119.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Năm 2021, số doanh nghiệp đóng cửa nhiều hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Thống kê cho thấy, năm nay, cả nước có 116.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1,61 triệu tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 854.000 lao động - giảm 13,4% về số doanh nghiệp, giảm 27,9% về vốn đăng ký và giảm 18,1% về số lao động so với năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2021 đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 16,8% so với năm trước.
Sự khó khăn của doanh nghiệp đã khiến 24,7 triệu lao động chịu tác động tiêu cực bởi COVID-19. Trong đó có 2,3 triệu người bị mất việc làm; 12,4 triệu triệu người tạm ngừng sản xuất kinh doanh, 8,8 triệu người bị cắt giảm giờ làm; 16,9 triệu người bị giảm thu nhập…
Dịch bệnh đã khiến lao động trong hầu hết các ngành suy giảm. Lao động trong khu vực công nghiệp - xây dựng ở mức 16,3 triệu người - giảm hơn 250.300 người so với năm trước. Khu vực dịch vụ 18,6 triệu người - giảm 800.000 người so với năm trước; chỉ duy nhất khu vực nông lâm thuỷ sản tăng 33.200 lao động (đạt 14,2 triệu người).
Do COVID-19, hàng triệu người đã phải di chuyển từ các trung tâm kinh tế về quê
Về giải pháp, Vụ Công nghiệp - Xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho rằng các doanh nghiệp đang rất cần hỗ trợ trong các khâu tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị trường, mở rộng sản xuất… Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục các chính sách miễn giảm các loại thuế, phí tiền thuê đất trong năm 2022.
Tiếp theo về dòng vốn, cần có những gói tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh. Cùng với đó là đơn giản hoá các thủ tục cho vay. Với người lao động thì cần có những chính sách hỗ trợ rõ ràng hơn, giảm bớt các thủ tục cũng như hướng dẫn cụ thể. Vụ Công nghiệp - Xây dựng cũng cho rằng cần đẩy nhanh hơn tốc độ các gói cứu trợ doanh nghiệp cũng như vốn đầu tư công, đơn giản hoá thủ tục hành chính…
Khoảng 2,2 triệu người đã di chuyển từ các trung tâm kinh tế lớn về quê
Tổng cục Thống kê
Chứng khoán "thăng hoa"
Thị trường chứng khoán Việt Nam đánh dấu một năm 2021 bùng nổ về mọi phương diện, từ chỉ số, thanh khoản, số lượng nhà đầu tư.
Bắt đầu năm 2021, VN-Index mới chỉ ở ngưỡng trên 1.100 điểm nhưng chỉ số này đã chinh phục mức hơn 1500 điểm vào ngày 25/11/2021. Tính đến hết tháng 11, chỉ số VN-Index tăng 31,94% nhờ trụ các trụ cột là những mã cổ phiếu ngành ngân hàng, bất động sản, nguyên vật liệu, xây dựng cơ bản...
Chứng khoán đã có một năm "thăng hoa"
Hay tính tới cuối tháng 11/2021, Sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) ghi nhận vốn hóa đạt hơn 5,7 triệu tỷ đồng (khoảng 245 tỷ USD), đạt khoảng 91,41% GDP năm 2020 (GDP theo giá hiện hành). Thống kê đến cuối tháng 11 cũng cho thấy, HOSE đã có 45 doanh nghiệp sở hữu vốn hóa hơn 1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, trong 10 tháng đầu năm, tổng cộng có hơn 1,1 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới, bằng tổng số 3 năm trước đó cộng lại. Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán, tính đến 30/11, có hơn 4,04 triệu tài khoản giao dịch trong nước, cùng với đó là hơn 39.000 tài khoản giao dịch nước ngoài.
Về thanh khoán, thị trường cũng xô đổ hàng loạt các kỷ lục trong năm 2021. Như phiên 20/11 thị trường ghi nhận phiên giao dịch kỷ lục với 56,3 nghìn tỷ đồng (2,4 tỷ USD) giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng.
Theo thống kê của VCBS, tính tới khoảng hết tháng 11, khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên ước đạt 972 triệu cổ phiếu/phiên, tăng trưởng hơn 126% so với bình quân năm 2020. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên cũng tăng gấp hơn 3,5 lần so với năm 2020 và đạt khoảng 25.750 tỷ đồng. Cá biệt có những phiên giá trị giao dịch khoảng 50.000 tỷ.
VN-Index đã tăng gần 600% sau hơn 2 thập kỷ
Trung tâm Lưu ký chứng khoán
Đánh giá về triển vọng của thị trường trong năm 2022, Phó Giám đốc SSI Research Phạm Lưu Hưng cho rằng nhìn ở góc độ vĩ mô, năm như 2020 và 2021 thì chính sách tiền tệ nới lỏng, hiểm nôm na là "tiền rẻ" rất nhiều, do đó mua cái gì cũng lên. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà là xu hướng trên cả thế giới.
Tuy nhiên năm 2022, xu hướng sẽ là thắt chặt tiền tệ, do đó việc các cổ phiếu "nắm tay nhau đi lên" sẽ không còn xảy ra, nó sẽ chọn lọc hơn. Ví dụ như trong ngành công nghệ, các nhà đầu tư sẽ chỉ lựa chọn cổ phiếu có doanh thu thật, lợi nhuận thật. Do đó, việc đầu tư sẽ chọn lọc hơn.
Trrong khi đó, VNDirect dự báo VN-Index có thể đạt 1700-1750 điểm trong năm 2022.
"Cơn sốt" bất động sản
Giống như chứng khoán, thị trường bất động sản cũng đã có một năm bùng nổ bất chấp những tác động từ đại dịch COVID-19. Và phiên đấu giá "đất vàng" Thủ Thiêm được xem là điểm nhấn đáng chú ý nhất.
Theo đó ngày 10/12, Trung tâm đấu giá tài sản Thành phố Hồ Chí cho biết đã hoàn tất 4 phiên đấu giá 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, qua đó thu về tổng cộng 37.346 tỉ đồng cho ngân sách Thành phố.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Ảnh: Quang Nhựt)
Trong đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư và kinh doanh nhà thương mại Bình Minh trúng đấu giá lô đất 3-9 với giá 5.026 tỉ đồng. Công ty cổ phần Dream Republic trúng đấu giá lô đất3-5 với giá 3.820 tỷ đồng. Công ty cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô đất3-8 với giá 4.000 tỉ đồng.
Cuối cùng và cũng đáng chú ý nhất, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (một thành viên của tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá lô đất lý hiệu 3 -12 (10.059,7m2) với giá 24.500 tỉ đồng – tương đương mức giá khoảng 2,4 tỷ đồng/m2. Con số phá vỡ mọi kỷ lục về đấu giá đất, thậm chí còn đắt hơn cả đất ở các đô thị lớn trên thế giới như Hong Kong (Trung Quốc), New York, Thượng Hải…
Với số tiền bỏ ra cho 2,45 tỷ đồng/m2 đất, theo tính toán của các chuyên gia, DN phải xây dựng những căn hộ siêu sang với giá bán tối thiểu là 500-600 triệu đồng/m2 thì may ra mới có lãi.
Trước phiên đấu giá đất này, thị trường bất động sản 2021 đã trải qua hoàng loạt phiên sốt đất từ Bắc tới Nam: Như sốt đất tại Bình Phước sau khi xuất hiện "tin đồn" Bình Phước chuẩn bị xây dựng sân bay lưỡng dụng tại xã An Khương, huyện Hớn Quản. Hay sốt đất vùng ven Hà Nội sau thông tin Đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng.
Với thị trường căn hộ, hạn chế các dự án mới do ảnh hưởng COVID-19, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng… đã đẩy giá tăng cao. Điều này đã khiến các dự án căn bình dân gần như ngày càng khán hiếm.
Các dự án căn hộ giá thấp gần như "biến mất" tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
Như báo cáo của Savills hồi đầu tháng 10 cho biết thị trường bất động sản Hà Nội, căn hộ hạng C (nhà thuộc phân khúc bình dân) không có nguồn cung mới trong quý III.
Tại Hà Nội, cách đây 3 năm, người mua nhà không khó tìm được những căn hộ 2 phòng ngủ có giá trên dưới 1 tỷ đồng. Nhưng hiện nay, kể cả các khu vực cách xa trung tâm, thì giá bán ở mức thấp nhất đều trên 20 triệu đồng/m2. Nhà giá rẻ gần như biến mất khỏi thị trường.
Báo cáo của quý III của Bộ Xây dựng cho biết, các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2
"Tắc đường" cửa khẩu
Ngày 21/12, theo Tổng cục Hải quan, tính đến hôm nay 21/12, còn hơn 6.200 xe nông sản chờ ở cửa khẩu thông quan xuất sang Trung Quốc. Tình cảnh "ăn chực nằm chờ" tại cửa khẩu đã khiến nỗi lo "lỗ chổng vó" của doanh nghiệp, người nông dân ngày một lớn dần.
Ông Trần Thanh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Tâm Thùy cho biết: "Bây giờ nếu 1 công (1.000 m2) sầu riêng mua vào, không bán được phải mang đi bỏ thì lỗ từ 1,3-1,5 tỷ đồng, còn 1 công mít thì lỗ gần 300 triệu đồng".
Ùn tắc container tại cửa khẩu (Ảnh: Duy Anh/Zing)
Theo Tổng cục Hải quan, dẫn đến tình trạng ùn ứ trên được đơn vị chức năng tỉnh Lạng Sơn đánh giá là do diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, phía Trung Quốc siết chặt quản lý phòng chống dịch, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, nông sản của các tỉnh phía Nam đang vào vụ thu hoạch, sản lượng hàng hóa tăng và nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, Tết của thị trường Trung Quốc vào những tháng cuối năm tăng cao.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết tình trạng ùn ứ các xe hàng tại cửa khẩu biên giới các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh… đã được UBND tỉnh, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến nghị rất nhiều lần. Thế nhưng, dù được khuyến nghị, các xe hàng vẫn ùn ùn nối đuôi lên biên giới khiến tình trạng quá tải càng thêm nghiêm trọng.
Không riêng gì phía Việt Nam, phía Trung Quốc cũng có thông báo nêu rõ, do tình hình dịch COVID-19 ngày càng nghiêm trọng nên lái xe cửa khẩu cần về quê sớm để cách ly 21 ngày kịp đón năm mới với gia đình, dẫn đến việc xuất hàng sang Việt Nam sẽ phải dừng sớm hơn mọi năm.
Ùn ứ container tại cửa khẩu dự báo sẽ gây thiệt hại lớn cho người nông dân và doanh nghiệp
Để "giải cứu" container ùn ứ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNN, Tổng cục Hải quan… đã đồng loạt vào cuộc.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, không thể đổ lỗi tất cả cho dịch COVID-19 bởi trạng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu hiện nay là một hiệu ứng dây chuyền tất yếu, một triệu chứng của bất cập sản xuất - tiêu thụ hàng hóa.
Để chữa chứng "nghẽn ở cửa khẩu" không chỉ cần liều thuốc trước mắt, ngắn hạn như trên mà cần giải pháp lâu dài, căn cơ của nhiều ngành, thay đổi từ sản xuất, chế biến, vận tải, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa đến quản lý xuất nhập khẩu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo