Thị trường

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản quan trọng

DNVN - Tại Phiên thứ 18 “Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 18” diễn ra ngày 31/12, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn (NN-PTNT) cho rằng: Tiềm năng của thị trường nông sản nội địa rất lớn nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng đối với Việt Nam.

Đắk Lắk: Kiến nghị hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 / Khánh Hoà: Tạo điều kiện đặc biệt để vận chuyển hàng hóa, nông sản

Thay đổi tư duy, nhìn nhận tiềm năng thị trường nội địa

Sáng 31/12, lãnh đạo Bộ NN-PTNT phối hợp Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Cục Trồng trọt, Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản, Cục Bảo vệ thực vật và Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố tổ chức "Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 18".
Chủ đề của Diễn đàn là "Kết nối sản xuất, chế biến và thúc đẩy thị trường nội địa". Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam dự và chỉ đạo tại điểm cầu Kiên Giang.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam (giữa) phát biểu tại Diễn đàn.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ vui mừng khi thấy nhiều doanh nghiệp lên tiếng sẵn sàng chế biến, thu mua xe nông sản quay đầu về từ biên giới.
“Trong điều kiện Trung Quốc hạn chế nhập nông sản, trong đó có những trái cây chủ lực của Việt Nam như thanh long, mít, dưa hấu, nhiệm vụ của Diễn đàn hôm nay là làm rõ thêm vai trò của thị trường nội địa. Qua đây, chúng ta cần nhìn nhận rõ vấn đề là tiềm năng của thị trường nội địa rất lớn. Chúng ta cần tích cực thay đổi tư duy, Chính phủ cũng đã có chủ trương đa thị trường, đa lợi ích”, ông Nam nói.
Tổng kết ý kiến của nhiều địa phương, Thứ trưởng Nam cho biết hàng trăm ngàn tấn thanh long, mít, xoài, bưởi, dưa hấu đã đến vụ thu hoạch, trong khi các cửa khẩu Trung Quốc gần như đóng cửa. Các hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương cần tăng cường kết nối để tiêu thụ. Đây là trách nhiệm chung của chúng ta. Bộ NN&PTNT sẽ làm hết mình với vai trò kết nối.
Thứ trưởng Nam thông tin thị trường Mỹ đã thông báo cho biết là 60 ngày nữa, bưởi Việt Nam sẽ chính thức được vào thị trường này. Sau đó, Mỹ sẽ xem xét hồ sơ về quả dừa của Việt Nam. Các đơn vị có liên quan cần tích cực làm việc với Cục Bảo vệ thực vật để làm hồ sơ.
Đặt ra yêu cầu về chế biến
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT cho biết, hiện nhiều nông sản vào vụ, có nhu cầu tiêu thụ lớn. Ngoài ra, các chính sách giám sát COVID-19 của Trung Quốc ngày càng tăng cường, duy trì chế độ “Zero Covid”, trong khi Việt Nam lại chủ trương sống chung với dịch.
“Những vấn đề ở biên giới đặt ra yêu cầu về việc chế biến nông, lâm, thủy sản của Việt Nam phải thay đổi, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần”, ông Hòa nói. Một số mặt hàng như thủy sản, rau quả bảo quản lạnh sẽ được Trung Quốc giám sát chặt chẽ. Theo ông Hòa, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến năng lực thông quan tại cửa khẩu giảm khoảng một nửa thời gian qua.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản phát biểu tại Diễn đàn.

Nhằm giải quyết các vấn đề ùn tắc nông sản, lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, ngành nông nghiệp đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình lưu thông, xuất nhập khẩu nông sản cả ở cửa khẩu, lẫn các địa phương. Dù nhiều Bộ, ban, ngành vào cuộc quyết liệt, nhiều địa phương chưa kịp điều tiết hàng hóa. Tình trạng này dẫn đến việc nhiều xe chở nông sản lên biên giới đã quay đầu trở lại các đô thị lớn như Hà Nội.
“Chúng ta cần định hướng tập trung tiêu thụ tốt các sản phẩm đang vào mùa vụ. Những doanh nghiệp có khả năng chế biến sâu, hoặc có công nghệ bảo quản cần tham gia vào quá trình này, tránh tình trạng để giá nông sản giảm sâu”, ông Hòa nhấn mạnh.
Bất chấp những khó khăn về thông quan, điểm sáng của nông sản là giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn đạt khoảng 1,7 tỷ USD. Con số này, theo ông Hòa, chứng tỏ Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng đối với Việt Nam.
Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc áp dụng Lệnh 248, Lệnh 249, và chủ trương quản lý chặt kinh tế biên mậu, và thúc đẩy việc xuất nhập khẩu chính ngạch. Ông Hòa nhận định, đây là vấn đề mà các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng Việt Nam cần lưu ý, bên cạnh cải tiến, nâng cao quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đảm bảo khả năng có thể tham gia vào các chuỗi siêu thị lớn của Trung Quốc.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm