2 triệu USD chi cho quảng bá du lịch mỗi năm: Nhiều hay ít?
DNVN - Theo nhiều ý kiến chuyên gia, 2 triệu USD mà Nhà nước chi cho quảng bá du lịch là ít so với các nước khác. Tuy nhiên, các diễn giả cho rằng không phải cứ nhiều tiền mới hiệu quả, vấn đề là đã tìm ra ý tưởng quảng bá hay chưa hay chỉ nói là cần có nhiều tiền.
Yên Bái: Hiệu quả nuôi thủy sản an toàn tại Yên Bình / Hà Giang chú trọng phát triển HTX
Tại Phiên toàn thể của Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2019 với chủ đề "Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh" do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Báo VnExpress tổ chức chiều 09/12 tại Hà Nội, nhiều sáng kiến, giải pháp đã được đưa ra bàn thảo nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong tương lai để du lịch nước nhà thực sự cất cánh.
Không phải cứ nhiều tiền mới hiệu quả
Nói về ngân sách chi cho ngành du lịch, các diễn giả tại nhận định, 2 triệu USD mà Nhà nước chi cho quảng bá du lịch là ít so với các nước khác. Tuy nhiên, các diễn giả cho rằng không phải cứ nhiều tiền mới hiệu quả, vấn đề là đã tìm ra ý tưởng quảng bá hay chưa hay chỉ nói là cần có nhiều tiền.
Liên quan tới vấn đề này, ông Ngô Minh Đức - đại diện Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) đánh giá cao ý tưởng của một số doanh nghiệp về việc mở quỹ hơn 60 tỷ đồng giúp quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài, nâng tầm ngành du lịch để cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Ông Ngô Minh Đức - đại diện Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam.
"Đây là bước tiến lớn giúp du lịch Việt Nam cất cánh. Chúng tôi cũng kiến nghị với Chính phủ về việc thành lập quỹ du lịch, cần nhanh chóng có cơ chế để quỹ du lịch hoạt động trong năm 2020. Hy vọng có hơn chục triệu đô một năm để quảng bá du lịch trong nước", vị này cho hay.
Giải đáp về việc phát triển quỹ du lịch, Thứ trưởng bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cho biết, đây cũng là một trong những ưu tiên của Chính phủ. Mô hình của quỹ này hoàn toàn mới và đặc thù, không phải hoạt động theo quỹ ngân sách mà hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên. Quá trình xây dựng và vận hành quỹ gặp nhiều khó khăn, từ tổ chức bộ máy đến cơ chế vận hành.
"Chúng tôi phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thiện cơ chế vận hành tổ chức bộ máy của quỹ du lịch", ông Lê Quang Tùng chia sẻ.
Trên góc độ địa phương, ông Trần Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, công tác tuyên truyền, xây dựng các chương trình du lịch hấp dẫn đóng một vai trò đáng kể vào những kết quả đáng kể trong những năm qua của du lịch tỉnh Quảng Bình.
"Với lợi thế về thiên nhiên, hệ thống hang động, rừng tự nhiên, các khu di tích lịch sử, chính quyền địa phương đã khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác xây dựng các chương trình du lịch. Chính quyền chủ động cải thiện cơ chế thủ tục đầu tư. Đồng thời, tham gia vào việc quản lý bảo tồn để phát triển du lịch bền vững.
Các sản phẩm du lịch phải đảm bảo thân thiện môi trường. Các doanh nghiệp khi xây dựng tour du lịch phải tính toán đến sức chứa của khu, hạn chế số lượng vào hang Sơn Đoòng. Quảng Bình cũng áp dựng chính sách hẹn chế thời gian du lịch, dừng các tour tuyến một thời gian để hệ sinh thái về lại bình thường", ông Trần Tiến Dũng nói.
Chính sách visa: Cần tăng mức lên 10 năm
Cho rằng số lượng khách trở lại Việt Nam tương đối thấp dù đứng đầu Đông Nam Á, ông Kenneth Atkinson - Phó Chủ tịch TAB đề xuất, để cải thiện tỷ lệ quay trở lại của du khách, theo ông, Việt Nam phải nâng cao chất lượng dịch vụ, thay đổi tích cực hơn nữa trong các vấn đề gia hạn và miễn visa, hợp tác với các hãng hàng không, mở đường bay thẳng đến châu Âu, nâng cao khả năng quá cảnh...
Đại diện TAB đánh giá cao Luật nhập cảnh mới sẽ áp dụng từ 1/7/2020 của Việt Nam. Theo đó, khách du lịch có thể quay trở lại trong vòng 30 ngày. Phó Chủ tịch TAB nhấn mạnh, chính quyền phải có cân nhắc, đẩy nhanh tốc độ, triển khai sớm các điều luật để mang lại lợi ích lớn cho ngành du lịch có thể kể đến như chính sách visa cho người đến làm việc, và tăng mức lên 10 năm.
Để mang lại lợi ích lớn cho du lịch, các bên liên quan đều phải chung tay để thay đổi và cải thiện. Khi miễn visa cho Anh và các nước châu Âu vào năm 2016, lượng du khách đã tăng thêm 19% và với tổng chi tiêu là 150 triệu USD. Việc ứng dụng công nghệ, cải thiện trang web xin visa điện tử cũng sẽ cải thiện trải nghiệm dịch vụ và góp phần thu hút du khách.
Trong khi đó, Đại sứ Anh - Gareth Warth đánh giá, Việt Nam đã thực hiện một số chính sách miễn thị thực đơn giản hoá. Tuy vậy, "Việt Nam cần có chính sách về quản lý rủi ro của du khách châu Âu. Chúng ta thấy gần như không có rủi ro về mặt an ninh từ du khách châu Âu, chúng ta cần cân nhắc về điều đó".
Không thể bỏ qua du lịch trải nghiệm
Đại sứ Anh - Gareth Warth đề xuất, Việt Nam cần xây dựng du lịch dựa trên những trải nghiệm cho du khách. Ông đưa ví dụ về sự kiện đua xe công thức một sắp tới tại Việt Nam. Đây là cơ hội để thu hút du khách quốc tế tới du lịch và ở lại dài ngày ở Việt Nam, qua đó tăng thu nhập cho ngành.
Đại sứ Anh Gareth Ward.
Theo ông Gareth Ward, để xây dựng một dự án dài hạn phát triển du lịch, trước hết cần phải xác định những hướng đi đúng đắn, trước tiên là hướng đến tính bền vững của du lịch. Ông đưa ví dụ về việc chọn những vấn đề mang tính biểu tượng như quản lý nhựa, chất thải, rác thải.
"Chính phủ Anh đã xây dựng các kế hoạch về nhựa toàn cầu. Ở Việt Nam, ngành du lịch cần đóng vai trò chủ đạo trong vấn đề này. Tôi đã thấy nhiều sáng kiến ở Hạ Long về vấn đề giảm rác thải nhựa. Đó là việc làm cần thúc đẩy từ Trung ương", ông nói.
Liên quan đến du lịch trải nghiệm, trong hội nghị chuyên đề 3 "Cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến" diễn ra sáng cùng ngày, các diễn giả đã tập trung bàn luận về 5 vấn đề chính, đó là: nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch, đề xuất giải pháp tăng cường trải nghiệm của khách du lịch tại các điểm đến du lịch; chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; yếu tố phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, chất lượng nguồn nhân lực du lịch; ứng dụng CNTT trong quản lý điểm đến và kinh doanh của doanh nghiệp du lịch.
Nhiều ý kiến tâm huyết của DN và địa phương đã được đưa ra tại hội nghị, trong đó nhấn mạnh đến nhận thức tầm quan trọng của các sản phẩm du lịch đặc biệt, độc đáo để thu hút và giữ chân du khách, hướng đến việc đổi mới để khách hàng tiêu nhiều tiền hơn khi du lịch tại nước ta.
Trong phần thứ hai của phiên toàn thể chiều 09/12, các diễn giả đã cùng thảo luận các vấn đề trong phát triển hàng không để hỗ trợ du lịch phát triển, trong đó có đề xuất khai thác hỗn hợp quân sự - dân sự ở một số sân bay. Trước đó, trong phiên buổi sáng 09/12 đã diễn ra đồng thời 4 hội nghị chuyên đề, gồm: Tổ chức lại hoạt động quảng bá và truyền cảm hứng cho du khách; Cải thiện quá trình lập kế hoạch - đặt dịch vụ của du khách; Cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến; Việt Nam làm gì để phát triển hàng không - chắp cánh cho du lịch. Tổng kết lại phiên tranh luận tổng thế, ông Vũ Tú Thành - Phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN đưa ra 3 nút thắt chính của du lịch Việt Nam, đó là: cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và hợp tác công - tư. Ông Lê Quang Tùng - Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đánh giá cao Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam 2019. Các nội dung đề cập tại Diễn đàn và 4 hội nghị chuyên đề buổi sáng là những nội dung quan trọng. Các diễn giả có đối thoại cụ thể, tâm huyết. Khu vực tư nhân đưa ra nhiều đòi hỏi với khu vực quản lý Nhà nước. Khu vực Nhà nước cũng đưa ra các giải pháp đáp ứng khu vực tư nhân. |
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo