200 thị trường và mối lo đa dạng hóa...
"Soi sức khoẻ" doanh nghiệp gạo khi xuất khẩu gạo "bốc hơi" gần 10% giá trị / Quảng Trị: Lao đao làng nghề hấp cá xuất khẩu
Hàng Việt có phụ thuộc vào một số thị trường?
Dấu mốc Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007 đã thực sự mở ra trang mới cho hoạt động XNK. Từ đó đến nay, Việt Nam đã chủ động và kiên trì đàm phán ký kết các Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương, thể hiện quyết tâm hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới. Những kết quả đạt được về kinh tế đối ngoại, nhất là ngoại thương và đầu tư nước ngoài từ sau khi gia nhập WTO tới nay đã chứng tỏ đường lối hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập kinh tế đã thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thể chế kinh tế trong nước, tạo điều kiện tăng trưởng XNK, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.
Hàng Việt đã có mặt ở 200 thị trường |
Bằng chứng là, cứ sau khoảng 5 năm, giá trị XNK của nước ta lại tăng gấp đôi, đi liền với đó là quy mô nền kinh tế cũng tăng theo. Cụ thể, ngày 1/12/2007 ghi nhận XNK lần đầu tiên chạm mốc 100 tỷ USD (quy mô nền kinh tế là 77,4 tỷ USD - theo Tổng cục Thống kê). Bốn năm sau, tới 24/12/2011, ghi nhận mốc 200 tỷ USD (quy mô nền kinh tế là 133 tỷ USD). Đến năm 2017, sau đúng 6 năm, con số này đã tăng gấp 2 lần lên mốc 400 tỷ USD (quy mô nền kinh tế cũng đạt trên 200 tỷ USD). Như vậy, chỉ trong vòng 10 năm từ năm 2007 đến năm 2017, trị giá kim ngạch XNK cả nước tăng thêm 4 lần. Đây cũng là khoảng thời gian nhiều Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam ký kết với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á- Âu, ASEAN… có hiệu lực thi hành.
Không chỉ chuyển biến mạnh mẽ ở số liệu tổng thể, cơ cấu hàng hoá XNK cũng thay đổi tích cực. Cụ thể, nhóm nông - lâm - thủy sản trước chiếm 25%, thì nay còn 12%; 88% là hàng công nghiệp, công nghiệp chế biến. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến nay, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó nhiều thị trường có yêu cầu quy chuẩn, chất lượng cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc...
Trong thời gian qua, XK đã được mở rộng cả về quy mô và cơ cấu thị trường, mặt hàng XK, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kim ngạch XK của cả nước. Nhờ đó, Việt Nam đã nhanh chóng cải thiện vị thế để chiếm thứ hạng cao trên bản đồ XNK thế giới. Nếu như năm 2007, Việt Nam đứng thứ hạng 50 thì đến 2018, đã vươn lên vị trí thứ 26 về XK.
Xét về quy mô thị trường XK, nếu năm 2007 chỉ có 14 thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (trong đó duy nhất thị trường Hoa Kỳ đạt trên 10 tỷ USD) thì đến năm 2018, có 31 thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (trong đó 4 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD). Nếu như năm 2007, XK tập trung phần lớn ở khu vực châu Á, chiếm tỷ trọng khoảng 65,8%, Châu Âu và châu Mỹ chỉ chiếm tỷ trọng lần lượt là 15,2% và 13,4% thì đến năm 2018, cơ cấu thị trường đã có sự chuyển dịch tích cực sang các thị trường châu Mỹ, châu Âu. Theo đó, tỷ trọng kim ngạch XK sang thị trường châu Á giảm còn khoảng 53,6%, châu Âu là 18,4% và châu Mỹ là 23,4%.
10 tháng năm 2019, chủ trương đa dạng hóa thị trường XK tiếp tục được hiện thực hóa khi Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường lớn nhất của Việt Nam. Tiếp theo là Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hàng hóa Việt Nam còn mở rộng ra các thị trường có FTA như XK sang Nga tăng 13,9%; New Zealand tăng 12,5%; Canada tăng 30,9%... chứng tỏ ta đã khai thác và tận dụng tốt các FTA để mở rộng thị trường, nhất là các thị trường đòi hỏi yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa.
Tìm thị trường ổn định cho hàng nông sản
Mặc dù vậy, xét về phương diện mặt hàng hóa XK, trong khi các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp có cơ cấu thị trường khá đa dạng thì Bộ Công Thương cũng thừa nhận mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thuỷ sản lại chưa cao, cụ thể là còn phụ thuộc nhiều vào khu vực châu Á (chiếm khoảng trên 50%). Đặc biệt, một số mặt hàng phụ thuộc vào một thị trường duy nhất (sắn, cao su, thanh long...) do vậy, dễ chịu tác động bởi các thay đổi ở các thị trường này dẫn tới ảnh hưởng đến tình hình XK, tiêu thụ nhóm hàng hóa đó nói riêng và tình hình XK chung của cả nước. Tiêu biểu, gần đây, một lượng lớn thanh long đã ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh do doanh nghiệp chưa nắm bắt tốt sự thay đổi chính sách phía thị trường Trung Quốc.
Đến nay, Bộ đã chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành đàm phán, ký kết và thực thi 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, góp phần tạo thuận lợi về thuế quan, quy tắc xuất xứ...; qua đó tạo ra một khu vực thị trường rộng lớn cho các ngành hàng nông sản nước ta có cơ hội được tiếp cận và thâm nhập tốt hơn thị trường thế giới. Đơn cử, đối với các FTA đã ký kết, mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với cà phê nhân của Việt Nam vào các nước nhập khẩu đều bằng 0, phần lớn mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với cà phê đã chế biến bằng 0, trừ một số nước còn duy trì mức thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 5 - 10% đến năm 2020. Tức là cơ hội để đa dạng hóa thị trường cho nông sản Việt là có!
Tuy nhiên, người Anh có một câu rằng: “Free trade can never be free” (tự do thương mại không khi nào là miễn phí), rào cản thuế hạ xuống thì rào cản phi thuế sẽ dựng lên. Tức là nông sản phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cụ thể của thị trường.
Vậy nhưng, sau nhiều năm nỗ lực đàm phán, đến nay, ta vẫn chưa XK được thịt lợn chính ngạch đi các thị trường do chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về kiểm dịch động thực vật. Sản phẩm thịt lợn duy nhất ta XK được là lợn sữa nguyên con, dưới 20kg sang thị trường Hồng Kông, Malaysia.
Hoặc sau nhiều năm đàm phán, năm 2017, trái vải Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu vào Úc. Nhưng ngay từ lô hàng đầu tiên đã gặp trục trặc do công tác bảo quản, sơ chế không đúng yêu cầu. Đáng buồn, 2 năm sau, khi trái nhãn chính thức được cấp phép vào Úc, lô hàng đầu tiên cũng bị giữ lại do lỗi đóng gói. Và nông sản vào Úc vẫn chưa xứng như kỳ vọng.
Ngay cả với “người hàng xóm” Trung Quốc – bạn hàng lâu năm thì đến nay, Việt Nam mới được cấp phép XK chính ngạch 9 loại trái cây gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt vào thị trường - con số quá nhỏ so với sự đa dạng của nông sản, trái cây Việt.
Nỗ lực đa dạng hóa thị trường là có. Thành quả từ nỗ lực đó cũng không nhỏ với thành tích XK liên tục tăng cao những năm qua. Tuy nhiên, để giải được bài toán đa dạng thị trường cho một số mặt hàng nông sản, cần những giải pháp mạnh hơn để xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Yếu tố đó cần sự chung tay của các Bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp chứ chỉ dựa vào nỗ lực của riêng Bộ Công Thương là không thể!
End of content
Không có tin nào tiếp theo