Thị trường

5 tháng đầu năm 2022: Doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn

DNVN - Tại họp báo thường kỳ quý II/2022 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 16/6 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá: Hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại 5 tháng đầu năm nay ghi nhận kết quả đáng khích lệ. Tuy vậy, các doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng...

Phú Quốc hút nhà đầu tư với “hiện tượng” đảo thiên đường Hòn Thơm / Cơ hội quảng bá cho doanh nghiệp phát triển công nghệ năng lượng xanh

Thông tin về hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Tháng 5/2022, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục duy trì xu hướng tăng (tăng 4%) so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng, chỉ số IIP tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,9%).
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng tháng thứ 2 liên tiếp tại thời điểm 1/5/2022 tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 4,4% so với năm trước.
Về thương mại, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đạt 153,29 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. 5 tháng năm 2022 có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cao hơn 4 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn FDI, tăng 21,3% (khu vực FDI kể cả dầu thô tăng 15,1%) cho thấy sự phục hồi trở lại nhanh chóng của khu vực các doanh nghiệp trong nước và nối lại được các chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin về hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại 5 tháng đầu năm 2022.
Kim ngạch nhập khẩu 5 tháng tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng cao ở nhóm hàng cần nhập khẩu là nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu (tăng 16,5%), nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu tăng 4,4%.
Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng tiếp tục xuất siêu, ước tính xuất siêu 434 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 1,24 tỷ USD).
Tại thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (TMBLHH và DVTD) tháng 5/2022 tăng 22,6%, đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp có tốc độ tăng trưởng ở mức trên hai con số. Tính chung 5 tháng, TMBLHH và DVTD tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3%.
TMBLHH và DVTD 5 tháng đầu năm 2022 có quy mô cao hơn và đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh. Nhu cầu tiêu dùng đang dần trở lại khi nước ta mở cửa du lịch, thực hiện các biện pháp kích cầu, việc làm tăng trở lại, thu nhập gia tăng… Cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu cơ bản được đảm bảo.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng. Giá vận tải, kho bãi, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng.
Một số nhóm hàng do các doanh nghiệp FDI sản xuất (Tập đoàn Samsung và Tập đoàn Electronic) giảm sản lượng sản xuất do nhu cầu thị trường suy giảm, đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng của cả sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong tháng 5.
Trong khi đó, các biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc để phòng chống dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam như làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, chậm trễ trong giao nhận hàng hóa. Tình hình xuất khẩu hàng hóa qua biên giới đã được cải thiện hơn nhưng chưa ổn định, tình trạng hàng hóa nằm chờ tại khu vực cửa khẩu vẫn diễn ra do lượng xe đổ về nhiều và quá đông so với năng lực thông quan.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm