Thị trường

Số lượng sản phẩm OCOP của các tỉnh tăng mạnh

DNVN - Số lượng sản phẩm OCOP của các tỉnh tăng lên mạnh. Hiện tại cả 6 tỉnh khảo sát có 1.310 sản phẩm OCOP, tăng 1.119 sản phẩm so với năm 2018. Trong đó áp dụng áp dụng đa dạng công nghệ kết hợp giữa thủ công và máy móc hiện đại.

Nghệ An đạt "top" 3 đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử / Đà Nẵng: Quảng bá các sản phẩm đặc trưng, OCOP tại Công viên bờ Đông cầu Rồng

Tại “Hội thảo tham vấn, hoàn thiện, nghiên cứu bài học kinh nghiệm thành công phát triển sản phẩm OCCOP”, ngày 16/6, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp cho biết đã thực hiện khảo sát tại 6 tỉnh gồm Bắc Kạn, Quảng Ninh, Quảng Nam, Gia Lai, Đồng Nai, Đồng Tháp về các vấn đề liên quan đến OCOP (mỗi xã một sản phẩm) trong giai đoạn 2018-2021.

Kết quả cho thấy, số lượng sản phẩm OCOP của các tỉnh tăng lên mạnh. Hiện tại cả 6 tỉnh khảo sát có 1.310 sản phẩm OCOP, tăng 1.119 sản phẩm so với năm 2018.

Trung bình mỗi tỉnh có 218 sản phẩm OCOP. Sản phẩm đạt OCOP 3 sao hiện đang chiếm tỷ trọng cao nhất với 80,31 %, tiếp theo đó là sản phẩm OCOP 4 sao với 18,93%, OCOP 5 sao với 0,76% tổng sản phẩm.

Khảo sát cho thấy60% các chủ thể OCOP đang áp dụng công nghệ bán tự động.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra doanh thu của các chủ thể OCOP năm 2021 cơ bản bị giảm mạnh so với trước khi được công nhận OCOP (chủ yếu từ năm 2019 – 2020) do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID – 19.

Trong đó, giảm mạnh nhất là doanh thu của các doanh nghiệp (giảm bình quân 31%), tiếp đến là doanh thu của HTX (giảm 11,85%). Doanh thu của nhóm chủ thể là hộ sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng ít nhất với mức giảm là 6,67%. Nhóm dịch vụ du lịch là chịu thiệt hại nặng nề nhất khi giảm tới 98% doanh thu.

Có khoảng 69% số chủ thể khảo sát đánh giá các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng sản phẩm OCOP đã được cải thiện tốt hơn so với trước khi tham gia chương trình OCOP.

“Quy trình, công nghệ áp dụng trong sản xuất đa dạng, phù hợp cho từng nhóm sản phẩm và có sự cải thiện rõ rệt sau khi tham gia chương trình OCOP. Kết quả khảo sát cho thấy, đến 60% các chủ thể OCOP hiện đang áp dụng công nghệ bán tự động - kết hợp giữa thủ công và máy móc hiện đại”, nhóm nghiên cứu cho biết.

Từ bài học kinh nghiệm trong công tác triển khai và cách làm làm hiệu quả của các chủ thể OCOP được khảo sát, nhóm nghiên cứu kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh công tác truyền thông về ý nghĩa của Chương trình và sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương cho sản phẩm OCOP ở thị trường trong nước và quốc tế, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP ở thị trường quốc tế; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình OCOP ở các địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong Chương trình OCOP.

Uu tiên triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ nâng cấp chất lượng, xúc tiến và tiêu thụ sản phẩm OCOP cho các chủ thể; hỗ trợ các địa phương phát triển các sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch sinh thái gắn với lợi thế vùng miền, làng nghề, văn hóa bản địa; hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP.

Theo ông Phương Đình Anh, Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, sau gần 4 năm, cả nước đã có 7.463 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 67,6% sản phẩm 3 sao, 31% sản phẩm 4 sao, 1,2% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2 % sản phẩm 5 sao.

Hơn 4.061 chủ thể OCOP, trong đó có 38,7% là HTX, 25,9% là doanh nghiệp, 33,1% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Bên cạnh đó, Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn, đến nay Chương trình OCOP đã trở thành một giải pháp phát triển kinh tế nông thôn, gắn liền với xây dựng nông thôn mới.

Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm