Thị trường

5 vấn đề khiến nhiều vườn trồng sầu riêng Việt Nam bị từ chối cấp mã

DNVN - Ngày 1/3, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) thông báo về kết quả kiểm tra trực tuyến lần hai đối với vườn trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng tươi của Việt Nam. Có 5 lý do chủ yếu khiến nhiều vùng trồng bị GACC từ chối cấp mã.

Ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc / 76 vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc

Theo GACC, 163 vườn trồng và 67 cơ sở đóng gói sầu riêng tươi của Việt Nam phù hợp với yêu cầu của Nghị định thư. Tính tổng cộng sau 2 đợt kiểm tra, GACC đã phê duyệt cho Việt Nam 246 vùng trồng và 97 cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc.

Được cấp 343 mã số nhưng một số vườn trồng và cơ sở đóng gói tại Việt Nam hiện chưa phù hợp với yêu cầu của Nghị định thư, cần có giải pháp khắc phục để được xem xét phê duyệt trong thời gian tới.

TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam lưu ý một số lỗi thường gặp của các vườn trồng và cơ sở đóng gói, khiến quá trình cấp mã chưa đạt kỳ vọng.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc đưa ra nhiều vấn đề khiến vườn trồng sầu riêng Việt Nam chưa được cấp mã.

Cụ thể, về vườn trồng, ông Nam liệt kê 5 vấn đề: vườn trồng không có chứng chỉ GAP hoặc các hoạt động, hồ sơ ghi chép tại vườn trồng không phù hợp với GAP; điều kiện vệ sinh vườn còn hạn chế, công tác quản lý vệ sinh vườn trồng không được chú trọng như cành tán không được cắt tỉa, tàn dư thực vật không được dọn, cành lá rủ xuống đất không được cắt tỉa, chăm sóc kịp thời.

Đặc biệt, đa số vườn trồng sầu riêng chưa được GACC phê duyệt hiện thiếu các biện pháp quản lý cỏ dại. Vườn trồng có sự xuất hiện các loại cây tạp và không có biện pháp cách ly hiệu quả đối với các vườn xung quanh.

Bên cạnh đó, vùng trồng không có hồ sơ sổ sách về quản lý, ghi chép và theo dõi các loài sinh vật gây hại tại vườn. Vườn trồng không lắp đặt bẫy ruồi đục quả (sâu đục trái) hoặc lắp đặt nhưng không đảm bảo số lượng bẫy theo quy định.

Trong quá trình GACC kiểm tra trực tuyến, nhận thức của thành viên tham gia phỏng vấn chưa đầy đủ về các loài sinh vật gây hại mà phía Trung Quốc quan tâm. Một trong số đó là các bệnh liên quan đến nấm Phytophthora sp. và đưa ra biện pháp phòng trừ.

Đa phần các loại bẫy côn trùng được treo không đúng quy định, hoặc sử dụng các loại bẫy không đúng yêu cầu. Một số vườn trồng sử dụng miếng dán ruồi để thay cho bẫy dính màu vàng trong giám sát ruồi đục quả. Ngoài ra, các vườn không thay chất dẫn dụ trong bẫy theo định kỳ, hoặc bẫy treo không thuận lợi cho việc kiểm tra.

Cùng với đó, cơ sở vật chất tại vườn trồng còn thiếu và yếu, như vườn trồng không có nhà kho hoặc nhà kho dột, sắp xếp không ngăn nắp hoặc điều kiện môi trường vệ sinh nhà kho kém. Bên cạnh đó, đa số chưa có kho bảo quản thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nông cụ hoặc kho dột nát, không đủ kín.

Hồ sơ, sổ sách về quy trình thu hoạch còn thiếu bổ sung hình ảnh và các tài liệu liên quan đến quá trình thu hoạch sầu riêng. Một số vườn trồng không có hồ sơ tập huấn; không có sổ theo dõi sử dụng thuốc BVTV và không có hồ sơ ghi chép về quản lý sinh vật gây hại.

Ngoài những điểm trên, TS Ngô Xuân Nam lưu ý thêm việc cải thiện hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc, hồ sơ thu hoạch và bán hàng đối với các vườn trồng. Sau khi thu hoạch, sầu riêng cần được che đậy để tránh bị ô nhiễm thứ cấp trong quá trình vận chuyển.

“Sầu riêng là loại cây cho giá trị kinh tế cao. Được cấp thêm mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, sầu riêng Việt Nam chắc chắn sẽ rộng đường hơn khi xuất sang Trung Quốc. Chúng ta cần đảm bảo tinh thần hợp tác và tuân thủ chặt chẽ yêu cầu của phía Trung Quốc trong việc quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, giúp người nông dân thu lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này”, ông Nam nhấn mạnh.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm