Thị trường

Một số doanh nghiệp mạo danh mã số vùng trồng sầu riêng để xuất khẩu sang Trung Quốc

DNVN - Theo ghi nhận của cơ quan chức năng và phản ánh của một số doanh nghiệp, có tình trạng mạo danh mã số vùng trồng sầu riêng để xuất khẩu hàng sang Trung Quốc.

Cần Thơ: Thu nhập cao nhờ trồng sầu riêng / ĐBSCL: Thiếu hụt nguồn cung, giá sầu riêng tăng cao

Nhằm thảo luận và thống nhất cách thức triển khai việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc một cách chặt chẽ, chuyên nghiệp, minh bạch, đảm bảo tuân thủ đúng quy định tại Nghị định thư đã được ký kết giữa hai bên, chiều 12/9, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị triển khai xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, đến nay, trái sầu riêng của Việt Nam chính thức được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước được ký kết, cùng với danh sách 51 vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phê duyệt.

Số lượng này có thể tăng lên sau khi hồ sơ của các vùng trồng và các cơ sở đóng gói khác được tiếp tục gửi để Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét phê duyệt hoặc có thể giảm xuống, thậm chí mất thị trường xuất khẩu nếu các vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng đã được cấp mã số không được kiểm soát chặt chẽ, không đảm bảo chất lượng hàng hóa, vi phạm quy định nhập khẩu của Trung Quốc, việc gian lận mã số vùng trồng cũng có thể xảy ra.

Do đó, việc đảm bảo xuất khẩu bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh của sầu riêng Việt Nam là một yêu cầu thiết yếu.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật dự kiến có khoảng 3.000 ha với sản lượng 68 nghìn tấn sầu riêng/năm được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, khối lượng trái sầu riêng đăng ký xuất khẩu đến nay đã là 1,3 triệu tấn, đây là một con số lớn. Nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến tình trạng gian lận, mất uy tín hàng hóa Việt Nam trên thị trường Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam không chỉ mong muốn bán trái sầu riêng mà còn muốn xây dựng hình ảnh sầu riêng Việt Nam đến thị trường đông dân, khó tính nhất là Trung Quốc. Và làm thế nào để trái sầu riêng không đi vào “vết xe đổ” của vú sữa lò rèn Tiền Giang xuất khẩu sang thị trường Mỹ (vú sữa lò rèn hiện không còn hoặc còn rất ít).

“Làm sao để sầu riêng Việt Nam cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia. Các nước này cũng đang nhìn chúng ta đang đi cùng nhau như thế nào để phát triển bền vững. Chúng ta muốn tạo ra nông sản đặc biệt, thì cần những con người đặc biệt trong hệ sinh thái, biết dựa vào nhau, nương tựa nhau, thay vì cạnh tranh, chen chúc nhau. Đây là cách để đưa trái sầu riêng phát triển ở thị trường Trung Quốc”, ông Hoan nói.

Để duy trì và tiếp tục nâng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Cục Bảo vệ thực vật và các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh trồng và có cơ sở đóng gói sầu riêng tiếp tục hướng dẫn các vùng trồng và cơ sở đóng gói hoàn thiện hồ sơ đăng ký, khắc phục để gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét phê duyệt.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân trong việc tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Các đơn vị kiểm dịch thực vật kiểm soát chặt chẽ các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại cửa khẩu đảm bảo các lô hàng xuất khẩu tuân thủ đúng quy định của nước nhập khẩu….

Kiểm soát chặt chẽ các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng tại cửa khẩu để
đảm bảo đúng quy định của nước nhập khẩu.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cần phối hợp với các cơ sở đóng gói, các vùng trồng đã được cấp mã số phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của Trung Quốc, không chỉ khi được kiểm tra mà phải luôn duy trì việc đáp ứng về giám sát dư lượng, kiểm soát sinh vật gây hại trong suốt quá trình sản xuất.

Theo ghi nhận của cơ quan chức năng và phản ánh của một số doanh nghiệp, có tình trạng mạo danh mã số vùng trồng sầu riêng để xuất khẩu hàng sang Trung Quốc.

Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, chi cục đang tạm dừng xuất khẩu 2 container sầu riêng sang Trung Quốc do đơn vị xuất khẩu cung cấp mã số vùng trồng của lô hàng này không hợp lệ. Đơn vị sở hữu chính thức mã vùng trồng này chưa có giấy ủy quyền xuất khẩu cho đơn vị nào khác.

Đồng thời, Công ty CP Thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (tỉnh Đắk Lắk) và Công ty TNHH Thương mại nông sản Thiện Tâm (tỉnh Tiền Giang) cũng đã gửi công văn tới Cục Bảo vệ thực vật cùng các cơ quan quản lý liên quan để khẳng định họ chưa ký kết hợp đồng mua bán cũng như ủy quyền cho đơn vị nào để sử dụng xuất khẩu sầu riêng.

Đại diện các doanh nghiệp cho biết họ đã bỏ rất nhiều công sức và tâm huyết để thực hiện xuất khẩu sầu riêng chính ngạch. Việc mạo danh, đánh cấp mã số này là hoạt động bất hợp pháp và ảnh hưởng lớn nghiêm trọng đến tương lai của hoạt động xuất khẩu sầu riêng chính ngạch nói chung và uy tín của doanh nghiệp nói riêng.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm