Tài chính - ngân hàng

ADB cam kết hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn vay để phát triển bền vững

DNVN - Ông Winfried Wicklein - Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khẳng định, ADB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn vốn vay để bù đắp bội chi ngân sách và thực hiện các cam kết quốc tế về giảm thiểu phát thải ròng vào phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 xuống còn 6,3% / ADB hạ dự báo tăng trưởng của châu Á


Tại buổi tiếp ông Winfried Wicklein - Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á cùng các cán bộ của ADB, ngày 22/1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận khẳng định, trong nhiều năm qua, ADB luôn là đối tác quan trọng hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam thông qua cung cấp các tư vấn chính sách và nguồn lực tài chính. Trong lĩnh vực tài chính công, ADB đã cung cấp kịp thời các tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều lĩnh vực, qua đó góp phần quan trọng giúp Bộ Tài chính hoàn thiện thể chế và công cụ quản lý tài chính công.

Đề cập tới nội dung triển khai danh mục tài trợ ADB trong năm 2024 và công tác chuẩn bị, ông Cận cho rằng, trong năm 2024-2026, danh mục dự án dự kiến của ADB tại Việt Nam bao gồm 23 dự án, với tổng giá trị 3,9 tỷ USD. Tuy nhiên, việc có thể huy động vốn vay trong giai đoạn này hay không phụ thuộc rất lớn vào tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư trong nước của các dự án.

Do vậy, Thứ trưởng Bộ Tài chính hy vọng ADB tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam thúc đẩy nhanh quá trình chuẩn bị thủ tục đầu tư của dự án. Qua đó, có thể đàm phán, ký kết các khoản vay cho dự án đã được cấp có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt sử dụng vốn vay ADB.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận đề nghị ADB hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn vốn vay với ưu đãi cao nhất tại buổi tiếp phái đoàn của ngân hàng này.

Thứ trưởng đề nghị ADB giúp đỡ Việt Nam tìm kiếm các nguồn viện trợ không hoàn lại để giúp làm "mềm" khoản vay, nhất là trong bối cảnh lãi suất qua đêm có bảo đảm (SOFR) trên thế giới còn nhiều biến động. Bộ Tài chính Việt Nam đã nghiên cứu chiến lược đối tác quốc gia của ADB 2023 - 2026 và thấy rằng, các ưu tiên hỗ trợ của ADB dành cho Việt Nam tương đối phù hợp với định hướng ưu tiên phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.

Vì vậy, Việt Nam và ADB sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục trao đổi, hợp tác để giải quyết những vấn đề quan tâm chung. Đặc biệt là các dự án gắn mới mục tiêu phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ Tài chính mong muốn ADB sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ để Việt Nam có thể tiếp cận các nguồn vốn với mức độ ưu đãi cao nhất.

Đồng thời, Bộ Tài chính đánh giá cao kinh nghiệm của ADB trong việc hỗ trợ cải cách chính sách, thể chế trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, quản lý thuế, cải cách doanh nghiệp Nhà nước. Bộ mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ kỹ thuật của ADB về các lĩnh vực này trong thời gian tới.

Tại buổi tiếp, hai bên cũng đã trao đổi về một số nội dung khác như tài chính xanh, đầu tư khu vực tư nhân. Ông Winfried Wicklein khẳng định, ADB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn vốn vay để bù đắp bội chi ngân sách và thực hiện các cam kết quốc tế về giảm thiểu phát thải ròng và phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

“ADB sẽ tiếp tục trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Tài chính trong việc cải cách chính sách, thể chế trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, quản lý thuế, cải cách doanh nghiệp Nhà nước”, ông Winfried Wicklein nhấn mạnh.

Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm