Thị trường

Bài toán lao động sau đại dịch và nỗi lo tuột cơ hội “vàng”

Không chỉ phải khẩn trương phục hồi thị trường lao động, theo các chuyên gia, nếu không tăng tốc đầu tư vào vốn con người, vào lao động có kỹ năng thì chúng ta sẽ hết giờ tranh thủ cơ hội từ giai đoạn dân số vàng.

“Bài toán” nguyên, phụ liệu cho ngành dệt may / Giá xăng dầu lại sắp giảm mạnh?

An cư, lạc nghiệp mới giữ được lao động

Theo ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XIV, đại dịch COVID-19 dẫn đến suy giảm lực lượng lao động (do nhiều người lao động thoái lui khỏi thị trường lao động) và đồng thời hàng triệu người lao động bị mất việc làm. Do đó, thị trường lao động bị đẩy vào trạng thái cả cung lao động (lực lượng lao động) và cầu lao động (việc làm) bị thu hẹp, đặc biệt là nguy cơ đứt gãy, thiếu hụt nguồn cung lao động ở các tỉnh/thành phố lớn, các khu công nghiệp- khu chế xuất để phục hồi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

“Lao động mang tâm lý nặng nề, lo sợ dịch bệnh, rút khỏi hoạt động sản xuất kinh doanh, rời bỏ nơi cư trú làm phá vỡ/đứt gãy các liên hệ và thiếu thông tin trên thị trường lao động. Di chuyển lao động gặp khó khăn do việc thực hiện kiểm soát dịch, các quy định về phòng chống dịch của các địa phương cũng như tâm lý e ngại của người lao động về dịch bệnh” – ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Ông Bùi Sỹ Lợi cùng các chuyên gia trao đổi tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, ngày 5/12
Ông Bùi Sỹ Lợi cùng các chuyên gia trao đổi tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, ngày 5/12

Do đó, một trong những quan điểm cần được nhấn mạnh, theo ông Bùi Sỹ Lợi là sớm phục hồi thị trường lao động là một cấu phần của chương trình phục hồi kinh tế; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm theo hướng tiến bộ; nâng cao chất lượng lao động, hỗ trợ tạo việc làm và thu nhập bền vững cho người lao động.

Về giải pháp, song song với những động thái quyết liệt về kiểm soát dịch bệnh, cần nhanh chóng đưa cuộc sống ở các vùng bị ảnh hưởng trở lại bình thường sớm nhất. Các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, bao gồm không chỉ nỗ lực kết nối cung - cầu lao động, mà còn là việc kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, sắp tới, người lao động cần nhất là việc làm và thu nhập. Vậy thì doanh nghiệp phải phục hồi và đón người lao động trở lại, đào tạo lại, bảo đảm an toàn sức khỏe, bảo đảm vaccine và chăm sóc y tế cho người lao động, nếu không họ không thể an tâm làm việc.

Về lâu dài phải hướng đến mục tiêu “an cư, lạc nghiệp”, không thể để cho người lao động ở trong những nhà trọ mấy m2, điều kiện hết sức khó khăn, xảy ra dịch bệnh thì người lao động ở những khu vực này sẽ bỏ đi hết. Do đó, theo ông, phải xúc tiến chương trình bảo đảm chỗ ở cho người lao động, có an cư mới an tâm, có an cư mới không xảy ra tình trạng hàng triệu người rời bỏ các địa phương như vừa rồi.

Theo ông Phạm Tấn Công, doanh nghiệp sẵn sàng làm việc này nhưng cần cơ chế, chính sách của nhà nước, các điều kiện ưu đãi để tạo dựng chỗ ở ổn định, tạo an tâm lâu dài cho người lao động.

 

Phải tăng tốc đầu tư vào vốn con người

Còn theo ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, mặc dù chúng ta đang trong giai đoạn dân số “vàng” song chất lượng lao động vẫn còn nhiều vấn đề.

Trong số55 triệu lao động nhưng chỉ 24,5% có bằng cấp chứng chỉ. Mặc dù chất lượng đào tạo nghề đã tăng 13 bậc nhưng chỉ xếp thứ 97/141 nước xếp hạng, còn khoảng cách rất xa so với các nước Đông Bắc Á và khu vực ASEAN. Tăng trưởng kinh tế khá cao song năng suất lao động vẫn rất thấp.

“Chúng ta sẽ hết giờ tranh thủ cơ hội vàng nếu không tăng tốc đầu tư vào vốn con người, vào lao động có kỹ năng”, ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh.

Ông Trương Anh Dũng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021. Ảnh: Đại biểu Nhân dân
Ông Trương Anh Dũng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021. Ảnh: Đại biểu Nhân dân

Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, có khoảng 48% số lao động cần đào tạo lại, 53% số doanh nghiệp trong nước không dự báo được tương lai, 68% số cơ sở đào tạo tại Việt Nam chưa sẵn sàng cho Cách mạng 4.0 và tác động của dịch bệnh. Do vậy, tới đây, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề cần được coi là trụ cột rất quan trọng để thích ứng trạng thái bình thường mới, giúp nền kinh tế nhanh chóng thoát khỏi suy thoái.

 

Ông Trương Anh Dũng đề xuất, trước mắt, cần đẩy nhanh đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động. Cần kéo dài 1 - 2 năm nữa việc đào tạo nghề cho người thất nghiệp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, cần đặt hàng đào tạo dưới 1 năm để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động.

Về trung hạn và dài hạn, cần phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiệu quả và hội nhập; chú trọng nâng cao dự báo nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo, từ đó xây dựng chiến lược dài hạn. Tiếp đến, cần tăng nhanh quy mô đào tạo. Bởi năm 2021, tuyển sinh đào tạo chỉ đạt 75 -80% chỉ tiêu, đồng nghĩa nguồn cung không đáp ứng cho thị trường lao động. Song song với đó, cần chuyển đổi số, thay đổi phương thức đào tạo; đẩy mạnh hợp tác công tư trong giáo dục nghề nghiệp.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm