Bán thịt lợn bận rộn nhất mùa dịch, trời chưa tối mà đã cạn hàng
Sắp có hàng triệu khẩu trang kháng khuẩn được bán ra thị trường / Rút gọn biểu đồ giá điện, không tăng giá bán lẻ
Đang được công ty cho làm việc tại nhà, chị Phạm Linh Chi (Hoàng Mai, Hà Nội) thường đi chợ 1 lần cho 3 ngày để hạn chế ra đường. Mỗi lần đi chợ, chị Linh thường mua 2 - 3 kg thịt, xương, cá, rau củ quả,…để nấu ăn cho cả gia đình.
“Gần đây, tôi thường mua hẳn 2 kg thịt lợn rồi chia thành các túi nhỏ để sẵn trong tủ lạnh. Xương sườn cũng chặt nhỏ để dễ sơ chế cho các bữa ăn”, chị Chi nói.
Tuy nhiên, do nhu cầu của người dân tăng lên, khách đến mua thường mua vài kg và sơ chế theo ý muốn nên chị Chi phải xếp hàng 30 phút mới có thể mua được thịt.
Theo các tiểu thương kinh doanh mặt hàng thịt lợn, từ sau Tết, mặt hàng này bán khá chậm. Vì giá thịt lợn vẫn ở mức cao. Nhưng sau khi Hà Nội có bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên, sức tiêu thụ bắt đầu tăng.
Đang là tiểu thương bán thịt lợn tại Hà Nội, anh Linh cho biết, vài ngày gần đây người dân tranh thủ đi mua thịt lợn nhiều hơn hẳn. Các loại thịt dễ chế biến như nạc vai, ba chỉ, xương sườn luôn hết trước.
“Thậm chí, 2 ngày gần đây, tôi dọn hàng từ 3 giờ chiều nhưng chỉ đến hơn 4 giờ là các mặt hàng trên đã bán hết. Khách không mua theo lạng mà chuyển sang mua theo cân”, anh Linh chia sẻ.
Cả 2 vợ chồng anh Linh mỗi người bán tại một điểm, nhưng sau Tết thì mỗi ngày chỉ bán được khoảng 1,2 tạ thịt và các phần liên quan. Nhưng vài ngày gần đây, vợ chồng anh phải tăng lên 2 tạ mới phục vụ đủ nhu cầu của khách.
Hiện nay, theo anh Linh, giá thịt lợn đã giảm còn 130 - 150 nghìn đồng/kg và không thiếu nguồn cung. “Nếu có dịch cũng không lo thiếu thịt ăn, nhưng tâm lý người dân không muốn đi chợ nhiều nên mới tăng lượng mua”, anh Linh nói.
Hạn chế ra ngoài thời điểm này là biện pháp tốt để bảo vệ sức khoẻ cho chính bản thân và gia đình. Do đó, đi chợ 1 lần cho nhiều ngày là cách tốt để không tiếp xúc nhiều nơi đông người. Tuy nhiên, người dân cũng không cần lo lắng và mua quá nhiều thực phẩm do không thiếu nguồn cung.
End of content
Không có tin nào tiếp theo