Lâm Đồng: Lữ hành bán nhà đền tour, chế biến nông sản quá tải kho chứa do Covid-19
“Doanh nghiệp hiến kế để Lâm Đồng cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh” / Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng: Cần cái nhìn khách quan về nhà kính
Từ đầu tháng 3, dạo quanh một vòng Hồ Xuân Hương và một số điểm du lịch nổi tiếng khác của TP.Đà Lạt, chúng ta vẫn cảm nhận được vẻ đẹp hút hồn của xứ sở ngàn hoa, nhưng không còn cảnh “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” như trước nữa, mà tất cả như chững lại, như Đà Lạt xưa, như Đà Lạt vốn dĩ.
Điểm check-in "quốc dân" không mấy người lui tới.
Bức tường vàng “thần thánh” của tiệm bánh mì Cối Xay Gió, địa điểm check-in “quốc dân” của giới trẻ mỗi khi có dịp đặt chân tới Đà Lạt, bỗng vắng vẻ, trầm mặc, không còn cảnh chen lấn như trước đây.
Mặc dù cho đến thời điểm hiện tại, Lâm Đồng chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với Covid-19, nhưng “giặc vi-rút” đã phủ bầu không khí ảm đạmlên tình hình sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là ngành dulịch, dịch vụ của thành phố ngàn hoa.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, tính đến hết tháng 2/2020, khách đến tham quan nghỉ dưỡng tại Đà Lạt - Lâm Đồng ước đạt 1,2 triệu lượt người, giảm 9,4% so với cùng kỳ 2019. Trong đó lượng khách quốc tế đạt 75.500 lượt người. Từ tháng 2 đến nay, lượng khách quốc tế giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chỉ thống kê tại 33 khách sạn lớn của tỉnh, trong tháng 2 và tháng 3/2020 đã có hơn 28.000 đơn đặt phòng bị hủy.
Tuy là tối cuối tuần nhưng Quảng trường Lâm Viên Đà Lạt đã không còn cảnh nhộn nhịp.
Theo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, lữ hành, đây là thời điểm khó khăn nhất của họ. Thậm chí có doanh nghiệp lữ hành ở Đà Lạt chia sẻ với phóng viên rằng, đã phải bán 1 căn nhà ở Đà Lạt để đền bù cho đối tác do hợp đồng kinh doanh bị huỷ. Giờ anh đang tiếp tục rao bán thêm 1 căn hộ ở TP. Nha Trang để chuẩn bị nguồn vốn chờ thời cơ tái khởi động, nhưng không biết đến bao giờ “đại dịch” mới được dập, khiến anh đứng ngồi không yên,
Điều đáng nói là “cơn bão” mang tên Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến lĩnh vực du lịch, dịch vụ, mà còn “oanh tạc” trực tiếp đến tình hình sản xuất, kinh doanh, khiến các doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh Lâm Đồng, rơi vào cảnh lao đao.
Trao đổi với phóng viên, một doanh nghiệp dệt may tại Lâm Đồng, cho biết, lâu nay, đa số nguyên liệu sản xuất của công ty đều nhập khẩu từ Trung Quốc, với giá thành rẻ. Tuy nhiên, từ Tết Nguyên Đán đến nay, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp không nhập được nguyên liệu, nên nguồn nguyên liệu dự trữ chỉ đủ để sản xuất đến hết tháng 4/2020.
Ngược lại, do tắc đầu ra, một số doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bànđang phải tích trữ một lượng lớn nguyên liệu sản xuấtnên có khả năng quá tải trong thời gian tới, do kho lạnh không còn đủ diện tích chứa.
Chợ Đà Lạt với nhiều sản phẩm đặc trưng vắng khách mua.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm còn cho biết, do tắc đường nhập khẩu từ Trung Quốc, họ phải nhập khẩu cồn Chlorine ga lạnh từ Ấn Độ; các doanh nghiệp tơ lụa phải nhập nguyên liệu từ Brazil... thay thế cho nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc trước đây, với giá thành cao hơn, khiến chi phí sản xuất tăng cao,gây khó khăn cho hoạt động của rất nhiều doanh nghiệp.
“Là chủ doanh nghiệp, chúng tôi có trọng trách phải lo công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân viên. Nhưng mấy tháng nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, sản xuất kinh doanh bị trì trệ, ảnh hưởng đến vấn đề tài chính, ngân hàng rất nhiều, nên chúng tôi đang cân nhắc đến việc phải cắt giảm nhân công để giảm bớt chi phí, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp”, Giám đốc một công ty nông sản tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) buồn bã nói.
Qua trao đổi, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cho biết, số lượng đơn hàng và doanh số giảm từ 40-50% so với cùng kỳ (bao gồm cả trong nước và xuất khẩu). Một số đơn hàng xuất khẩu đã ký với đối tác trước đây bị huỷ, do việc vận chuyển hàng xuất khẩu bằng đường hàng không đến nhiều nước đang bị ngưng trệ (Hàn Quốc, Trung Quốc) hoặc giảm chuyến (Nhật Bản và một số nước Châu Âu…)
Chủ các gian hàng đặc sản chỉ biết ngồi bó gối vì không có du khách đến mua.
Theo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, ước kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh Lâm Đồng trong tháng 2/2020 đạt 43,14 triệu USD, giảm 24,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng giá trị xuất khẩu lũy kế 2 tháng đầu năm 2020 của tỉnh đạt 70,7 triệu USD, chỉ bằng 60,6% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoại trừ rau – củ - quả, các sản phẩm và nguyên liệu dệt may, tất cả các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều biểu thị tăng trưởng âm.
Do ảnh hưởng của Covid-19, công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường không triển khai được. Trong quý 1/2020, có 3 hội chợ triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh bị huỷ bỏ, 4 hội chợ triển lãm thương mại phải thay đổi thời gian tổ chức. Một số chương trình xúc tiến thương mại tại nước ngoài, như: Hội chợ triển lãm Foodex tại Nhật Bản bị huỷ bỏ, Chương trình xúc tiến Châu Âu (Hà Lan – Đức – Bỉ) phải tạm hoãn.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19, Sở Công thương đã có những cuộc tiếp xúc làm việc, tìm hiểu khảo sát, nắm bắt những tác động của Covid-19 đối với doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, để tỉnh sớm có những chương trình hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dấu ấn 2024: Thúc đẩy hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới
Giá nông sản ngày 21/1/2025: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu tiếp tục ổn định
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 21/1: Ngân hàng điều chỉnh giảm giá bán USD, tỷ giá NDT tăng nhẹ
Giá vàng nhích nhẹ sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump
Tạp chí The Global Economics vinh danh Home Credit
Bình Dương 'khát' chung cư cao cấp