Thị trường

Cải tiến biểu giá bán lẻ điện: Chọn phương án 1 bậc giá duy nhất hay nhiều bậc giá?

DNVN - Tại cuộc tọa đàm: “Xây dựng biểu giá bán lẻ điện: Phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam”, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào ngày 6/3, các chuyên gia bàn luận về việc điều chỉnh giá điện sao cho phù hợp với từng khách hàng sinh hoạt.

Vì đâu xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn tăng bất chấp Covid-19? / HDBank gia tăng trải nghiệm cho khách hàng với ví TrueMoney


Các chuyên gia tham dự tọa đàm “Xây dựng biểu giá bán lẻ điện: Phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam” chiều 6/3.

Các chuyên gia tham dự tọa đàm “Xây dựng biểu giá bán lẻ điện: Phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam” vào chiều 6/3/2020.

Mới đây, Bộ Công Thương đã đề xuất điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt ở mức 5 bậc thang thay vì 6 bậc thang như hiện hành. Việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được thực hiện trên cơ sở chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về xem xét đổi mới cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng dùng vào mục đích sinh hoạt.
Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất 5 phương án bao gồm: 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc; trong đó phương án 5 bậc có 2 kịch bản. Đồng thời, Bộ cũng đưa ra phương án biểu giá 1 giá.
Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều ý kiến lo ngại rằng khi áp dụng biểu giá cải tiến này thì mức giá điện sinh hoạt của người dân sẽ bị tăng cao, nhất là khi miền Bắc chuẩn bị bước vào thời điểm nắng nóng. Vậy mục tiêu xây dựng lại biểu giá bán lẻ điện là gì, nguyên tắc xây dựng biểu giá bán lẻ điện như thế nào? Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi ích gì từ phương án biểu giá bán lẻ điện cải tiến mà Bộ Công Thương đang đề xuất lấy ý kiến?

Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, trước tiên, phải khẳng định, điện là loại hàng hóa hết sức đặc biệt. Quá trình sản xuất, chuyển tải, phân phối diễn ra đồng thời. Khi điều động, bao giờ cũng huy động các nhà máy điện có giá thành rẻ trước, các nhà máy có giá thành cao sẽ được huy động sau. Vì vậy, giá điện kWh cuối cùng được huy động trong hệ thống là giá điện cao nhất. Với đặc điểm này, hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng giá điện bậc thang cho các khách hàng sinh hoạt nhằm phù hợp với đặc điểm của điện là một loại hàng hóa đặc biệt. Thứ hai là khuyến khích cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt tiết kiệm.
Trong 5 phương án Bộ Công Thương đưa ra, Bộ Công Thương cũng đưa ra phương án 1 bậc có nghĩa là tất cả các khách hàng chỉ sử dụng một bậc giá duy nhất. Ưu điểm của phương án này là hết sức đơn giản, người dân dễ theo dõi, dễ áp dụng. Tuy nhiên, nó có một nhược điểm rất lớn là không khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, dùng bao nhiêu cũng chỉ trả một loại giá đó. Quan trọng hơn, tất cả các khách hàng sử dụng điện dưới 200kW/h tập trung vào đối tượng người lao động, người làm công ăn lương, đối tượng nghèo, đối tượng chính sách sẽ phải trả giá điện cao hơn. Ngân sách hiện nay chúng ta đang hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ chính sách theo chủ trương của Đảng và Nhà nước sẽ phải bỏ một khoản tiền lớn để bù vào số tiền này. Đây chính là nhược điểm của phương án 1 bậc.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng cần thiết đưa ra phương án phù hợp với đặc điểm của điện và khuyến khích khách hàng sử dụng tiết kiệm điện sinh hoạt. Đồng thời, ông đưa ra góp ý có thể điều chỉnh bước nhảy giữa các bậc sao cho hợp lý nhất.

“Ưu điểm của phương án 1 bậc là đơn giản, người dễ theo dõi và áp dụng. Tuy nhiên phương án này không khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm.” Theo ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, nếu dùng phương án 1 bậc thì hiện nay, chúng ta đang hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách theo chủ trương của Đảng và nhà nước sẽ có bất cập.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá đã chỉ ra 3 vấn đề khiến Việt Nam chưa có đủ điều kiện để áp dụng đồng giá. Đó là, chúng ta chưa giải quyết được chi phí của ngành sản xuất điện và vấn đề an sinh. Điện sản xuất ra chưa đủ để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Cuối cùng, lý do không thể sử dụng phương án 1 giá là điện được sản xuất từ tài nguyên đang có nguy cơ cạn kiệt. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định “chúng ta cần tạo áp lực về giá để người dân dùng tiết kiệm điện”.

Trả lời trong buổi tọa đàm, ông Trần Đình Long nêu lên kinh nghiệm của các nước khác như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc cũng đã sử dụng phương án giá điện bậc thang, Việt Nam cũng nên áp dụng “công cụ hữu hiệu” này để điều tiết nhu cầu sử dụng điện của mọi người.

Vị chuyên gia này đề xuất “những người khó khăn trong việc thanh toán tiền điện và hộ nghèo tiêu chuẩn sẽ được ưu đãi. Ngược lại, những người dùng quá nhiều điện, dùng vượt mức cần thiết thì nên hạn chế mức dùng điện ở ngưỡng hợp lý”. Ông Long cho biết thêm “mức chênh lệch giữa bậc 5 và bậc 1 có thể từ 1,5 đến 3 lần”.

Còn ông Nguyễn Tiến Thỏa lại cho rằng “Khó có biểu giá mọi người dân đều nhất trí, nhưng chúng ta chấp nhận trên cơ sở nguyên tắc biểu giá mang lại lợi ích lớn nhất, hài hòa nhất cho người tiêu dùng, ngành sản xuất điện và nhà nước sẽ là biểu giá thích hợp nhất”. Theo cá nhân ông, phương án biểu giá 5 bậc là khả thi nhất.

ÔngNguyễn Anh Tuấnđề xuất với Chính phủ mong muốn đến năm 2023 – 2025 thị trường bán lẻ điện sẽ hoàn tất và cố gắng đưa vào sử dụng trong vòng 5 năm nữa.

“Việc điều chỉnh này chỉ cơ cấu giá bán lẻ điện. Giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân vẫn áp dụng theo quy định 648 của Bộ Công Thương ban hành. Giá lẻ điện bình quân trước và sau lần điều chỉnh vẫn giữ nguyên. Đây là thay đổi biểu đồ chứ ko tăng giá”.

Thanh Hằng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm