Thị trường

Bao giờ cung ứng điện hết cảnh "nhờ trời"?

DNVN - Theo giới chuyên gia, câu chuyện thiếu điện không phải không dự báo được và trên thực tế đã được cảnh báo từ cách đây 2 năm. Tuy nhiên, việc cung ứng điện cho miền Bắc trong những ngày gần đây rơi tình trạng "ăn đong", "giật gấu vá vai" và vẫn chỉ "nhờ trời"...

20 địa phương quảng bá sản phẩm tại Hội chợ hàng tiêu dùng Hà Nội 2023 / Kiểm tra, xử lý hành vi tăng giá bất hợp lý các sản phẩm tích điện, làm mát

Chính sách chưa phù hợp
Tại tọa đàm “Giải bài toán thiếu điện: Cách nào?” tổ chức ngày 9/6, ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh khẳng định, câu chuyện thiếu điện không chỉ bây giờ chúng ta mới nói đến mà đã được cảnh báo từ cách đây 2 năm. Năm 2022 vừa qua, đã có rất nhiều cuộc thảo luận, tọa đàm về nguy cơ thiếu điện trong năm 2023 và những năm tiếp theo, đặc biệt là miền Bắc.
Mới đây, Chính phủ đã ký Quyết định 500 chính thức phê duyệt Quy hoạch điện VIII. Tất cả những tính toán, kịch bản, dự báo, phân tích, đánh giá của đề án cho quy hoạch điện VIII đều nói về rủi ro rất lớn trong việc cung ứng điện cho miền Bắc trong năm 2023 - 2024.
Nguyên nhân của tình trạng thiếu điện, theo ông Sơn là do không có bất kỳ nguồn điện mới nào. Nguồn điện từ Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 mới đưa vào vận hành. Trong khi đó, để hòa lưới thành công, nguồn điện này đã phải xây dựng trong hơn 10 năm.
"Trên thực tế, gần như các nguồn điện chủ động Việt Nam không có. Trong 3 - 4 năm trở lại đây, câu nói quen thuộc được tất cả nhắc đến "là các nhà máy thủy điện lớn đã xây dựng hết rồi", ông Sơn nói.

Theo ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, câu chuyện thiếu điện đã được cảnh báo từ lâu.
Giai đoạn năm 2019 khi cơ chế giá FIT cho điện mặt trời chưa được ban hành và trong một dự thảo do Bộ Công Thương soạn thảo có nêu cần phải phân bổ, có những ưu đãi khác biệt để thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo (NLTT), ưu tiên cho khu vực miền Bắc - khu vực khó khăn và không thuận lợi - bằng mức giá FIT cao hơn. Tuy vậy, đề xuất này không được chấp nhận và chúng ta có giá FIT 2 hoàn toàn ngang bằng giữa miền Bắc và các khu vực còn lại.
"Mức giá FIT ngang bằng này không thu hút được các nhà đầu tư. Trong khi chúng ta đều thấy rằng miền Bắc khó khăn hơn rất nhiều, điều kiện tự nhiên không thuận lợi như các vùng khác. Do đó, các nhà đầu tư dồn nguồn vốn đầu tư điện mặt trời và điện gió vào Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Nguyên - nơi có những lợi thế, tiềm năng về NLTT. Khi có lượng đầu tư lớn vào những nguồn mới nhưng sử dụng không hiệu quả, gây ra tình trạng nghẽn", chuyên gia nhìn nhận.
Theo ông Sơn, câu chuyện ban hành chính sách của Chính phủ chưa khuyến khích được nhiều trong đầu tư vào NLTT. Chúng ta nói nhiều đến chuyển dịch năng lượng, không dựa nhiều vào năng lượng truyền thống, nguồn năng lượng hóa thạch và chuyển sang NLTT. Nhưng các DN xem xét việc đầu tư cho các dự án điện mặt trời mái nhà gặp rất nhiều vướng mắc sau khi hết cơ chế giá FIT.
Đó là những vướng mắc về giấy phép xây dựng, giấy phép liên quan đến phòng cháy chữa cháy. Gần như DN đầu tư nào vào các dự án điện mặt trời mái nhà cũng đều gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, mặc dù Quyết định 500 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII đề cập việc tạo điều kiện tối đa, không hạn chế đối với dự án điện mặt trời áp mái nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có chính sách, quy định hỗ trợ cho vấn đề thực hiện định hướng thúc đẩy NLTT.
"Rõ ràng Việt Nam đang đứng trước một lựa chọn vô cùng khó khăn trong câu chuyện trong một vài năm tới về việc đầu tư cho nguồn điện cung ứng trên toàn quốc và đặc biệt là khu vực miền Bắc như thế nào cho phù hợp. Trong khi đó, đầu tư điện khí như LNG hay hydrogen còn quá xa và mất nhiều thời gian. Để có thể có nhà máy điện khí LNG đi vào vận hành và hòa lưới quốc gia chúng ta phải mất tầm 3 - 5 năm nữa. Điều đó đồng nghĩa rằng nguy cơ thiếu điện còn rất cao", chuyên gia nhận định.
Cung ứng kiểu "nhờ trời"
Về vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, dù nguyên nhân của tình trạng thiếu điện là do nắng nóng và hạn hán, tức là "việc của trời" nhưng không phải chúng ta không dự báo trước được. Khi không có nguồn dự phòng, thời điểm này chúng ta buộc phải huy động theo kiểu “giật gấu vá vai”, "ăn đong", trong khi truyền tải điện dư thừa ở miền Trung và miền Nam ra gặp nhiều khó khăn.

Theo giới chuyên gia nhiều dự án của Quy hoạch điện VII chưa hoàn thành, thậm chí "dậm chân tại chỗ".
Quy hoạch điện VIII vừa mới được phê duyệt. Nhưng trước đó, nhiều dự án của Quy hoạch điện VII vẫn dở dang, chưa hoàn thành, thậm chí "dậm chân tại chỗ".
"Tình trạng biết thực tế vấn đề nhưng không hành động là nguyên nhân cốt lõi và sâu xa. Cần phải "mổ xẻ" nguyên nhân này trong câu chuyện thiếu điện để khắc phục. Tình trạng cung ứng điện hiện nay vẫn là "nhờ trời".
Cần nhìn nhận sự thiếu hụt về điện là cơ hội kinh doanh, đầu tư, là cơ hội phát triển, chứ không phải là nút thắt kìm hãm sự phát triển như hiện nay. Phải thay đổi cách thức làm chính sách, cách thức vận hành chính sách, cách thức xử lý vấn đề thì mới có thể giải quyết được bài toán thiếu điện. Nếu không sẽ vẫn tiếp tục trì trệ như hiện nay", ông Cung chia sẻ.
Tiết kiệm phải là giải pháp cấp bách
Ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, A0 đã làm mọi cách để có thể bảo đảm cung cấp điện cho khách hàng ở miền Bắc.
Theo đó, lùi lịch lịch sửa chữa các nhà máy và tập trung vào việc phát điện để bảo đảm điện cho khách hàng. Đồng thời chuyển điện từ khu vực miền Trung, miền Nam ra miền Bắc qua đường dây 500 KV Nho Quan - Hà Tĩnh.
Cùng với đó A0 cố gắng vận hành hệ thống tối ưu hơn. Hơn 200 nhà máy thủy điện nhỏ ở khu vực miền Bắc phải vận hành vào đúng lúc khách hàng cần để hạn chế tối thiểu việc tiết giảm. Việc này làm lợi cho miền Bắc hơn 1.000 MW.
Ngoài ra, A0 cũng phải tính đến việc nhập khẩu điện song nguồn này cũng khó khăn do Trung Quốc cũng đang cắt giảm điện.

Những ngày gần đây, nhiều nhà máy thủy điện ở mực nước chết, không thể phát điện.
"Nếu không tiết kiệm điện và có những giải pháp cấp bách, khi thủy điện Hòa Bình về mực nước chết thì chúng ta sẽ mất 1.920 MW nữa. Tình hình lúc ấy sẽ rất khó khăn và căng thẳng hơn rất nhiều. Do đó, chúng tôi rất cần sự chung tay của khách hàng khu vực phía Bắc để duy trì hệ thống điện ổn định”, ông Trung khuyến nghị.
Trong chỉ thị ban hành ngày 8/6 kêu gọi toàn dân tăng cường tiết kiệm điện, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả phải được xem là giải pháp quan trọng, cấp bách nhằm tiếp tục duy trì ổn định an ninh năng lượng, phát triển bền vững, tăng trường kinh tế đất nước trong thời gian tới.
Cả nước phải phấn đấu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ. Giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025. Giảm bớt công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500MW vào năm 2025.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm