Thị trường

Bất động sản công nghiệp Việt Nam tiếp tục thu hút doanh nghiệp nước ngoài

DNVN - Khi các nhà máy buộc phải đóng cửa trong đợt bùng phát Covid-19 ở Trung Quốc, nhiều công ty lớn trên thế giới đã phải tính kế để vượt qua thời kỳ hạn chế sản xuất. Do đó, Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn trong kế hoạch "tránh phụ thuộc vào một quốc gia" của các doanh nghiệp trong lương lai.

Bộ Công an vào cuộc làm rõ Dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn..."Khổng lồ" / Bất động sản Bình Dương sau cơn sốt: Nơi biệt thự bỏ hoang, nơi dự án "ma" giăng bẫy

Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc Công ty nghiên cứu và tư vấn Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam cho biết, khi các nhà máy buộc phải đóng cửa trong đợt bùng phát Covid-19 ở Trung Quốc, nhiều công ty lớn đã phải tính kế để vượt qua thời kỳ hạn chế sản xuất.

Trong xu thế đó, một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam, nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao.

“Việt Nam vẫn là một điểm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu. Dù dịch Covid-19 đang gây ra những khó khăn nhất định đối với các quyết định cũng như hoạt động di dời, chủ đầu tư vẫn tự tin tăng giá đất trong quý đầu năm 2020 do đây là xu hướng đầu tư trong dài hạn”, ông Stephen Wyatt chia sẻ.

Việt Nam vẫn là một điếm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu.

Việt Nam vẫn là một điếm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu.

Theo báo cáo tổng quan thị trường bất động sản Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2020 của JLL, miền Bắc thu hút phần lớn các tập đoàn lớn muốn đa dạng hóa danh mục sản xuất bên cạnh cơ sở tại Trung Quốc, với nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển khá tốt và vị trí cần kề với Trung Quốc. Giá đất trung bình đạt 99 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nhà xưởng xây sẵn -lựa chọn yêu thích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ - vẫn giữ ở mức giá thuê ổn định dao động từ 4-5 USD/m2/tháng, và đều đã được lấp đầy. Tại khu vực miền Nam, số lượng yêu cầu thuê đất cũng tăng cao và các chủ đầu tư đã trở nên tự tin hơn trong việc tăng giá thuê đất. Giá đất trung bình trong quý 1/2020 đạt 101 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 12,2% so với cùng kỳ.

Theo nhận định của các chuyên gia địa ốc, xét về triển vọng tương lai, đối với thị trường bất động sản khu vực phía Nam, có khoảng 18.290 ha đất đã được định hướng cho phát triển công nghiệp, phần lớn nguồn cung tập trung ở các tỉnh Long An, Bình Dương và Đồng Nai.

Còn tại TP.HCM, hiện nay trên địa bàn có tất cả 18 khu công nghiệp, cung cấp gần 3.700 ha đất cho thuê. Do quỹ đất hiện tại đã đạt tỷ lệ lấp đầy cao, nguồn cung nổi bật đến từ các giai đoạn tiếp theo của các khu công nghiệp hiện hữu hoặc các khu công nghiệp mới đã được thiết lập để đưa ra thị trường nhằm tận dụng nhu cầu ngày càng tăng.

 

Theo Savills Việt Nam, tỉ lệ lấp đầy ở các tỉnh công nghiệp trọng điểm đang tăng, số lượng các dự án tương lai dồi dào tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng đầu tư. Thị trường công nghiệp đang thu hút sự chú ý, với các chủ đầu tư khu công nghiệp đang tích cực chuyển đổi các vùng nông nghiệp sang công nghiệp, đảm bảo nguồn cung.

Tuy nhiên, dù giá thuê đất khu công nghiệp tăng, nhưng việc phát triển logistics, cơ sở hạ tầng lại không tương ứng với mức tăng giá đất này vì quá trình phát triển cho những thay đổi đáng kể về hạ tầng vẫn diễn ra chậm chạp, do đó các nhà đầu tư tiềm năng phải bắt đầu tìm kiếm các giải pháp thay thế khác. Nhà xưởng xây sẵn ở miền Nam có giá thuê dao động từ 3,5-5,0 USD/m2/tháng, tăng nhẹ ở Bình Dương, TP.HCM, Long An và giữ mức ổn định ở các tỉnh còn lại.

JLL Việt Nam nhận định, dưới tác động của Covid-19, việc tạm hoãn các thỏa thuận thuê đất và các nhu cầu mới ngày càng rõ nét hơn. Tuy nhiên, thị trường sẽ phục hồi và phát triển nhanh sau khi dịch được kiểm soát. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh khiến các doanh nghiệp nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, tránh phụ thuộc vào một quốc gia.

“Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn, sau khi đã được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại hồi năm ngoái. Do đó, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ càng hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp trong lương lai. Theo đó, bất động sản Việt Nam được xem là có cơ hội trong hoạt động dịch chuyển này chứ không phải là sự đột biến rõ thấy”, JLL Việt Nam cho biết.

Văn Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm