Hà Giang: Đề án nuôi cá lồng tạo đà cho HTX nuôi trồng thuỷ sản sông Chừng
Hà Giang: HTX làm nền tảng để người dân giảm nghèo / Đà Nẵng: Phát triển nông nghiệp gắn với phát triển HTX
Thủy điện sông Chừng có diện tích mặt hồ rộng hơn 225 ha, với dung tích chứa nước trên 43 triệu m3 và được trải dài 15 km; bao quanh địa phận các xã Tân Nam, Tiên Nguyên và thị trấn Yên Bình. Cách đó không xa có di tích lịch sử Văn hóa đình Bản Chún nằm ở chân núi Pá Thàng, thôn Nà Mèo, xã Tân Nam và nhìn ra ngã ba hợp lưu của suối Nặm Thàng, Nặm Luông và dòng sông Chừng.
Tiềm năng hồ sông Chừng
Toàn cảnh khu vực lòng hồ sông Chừng có núi non hùng vĩ, hang động, thác nước, ruộng bậc thang, tất cả tạo nên bức tranh sơn thủy mộc mạc hữu tình. Nhiều người khi tới đây đều nhìn thấy tiềm năng lý tưởng của một vùng có cảnh quan sinh thái, vừa có điều kiện để phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và vừa kết hợp làm du lịch.
Người dân Quang Bình tự hào, chính nhờ lòng hồ sông Chừng hàng năm đã cung cấp một nguồn lợi hải sản cho ngay người dân trong vùng, cũng như để “thết đãi” du khách. Nguồn lợi tôm, cá, tép… này đã đem lại thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ dân sinh sống quanh hồ.
Mấy năm gần đây, nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ cũng được phát triển, hàng trăm tấn cá thương phẩm cung cấp không xuể cho những thực khách “sành ăn” ở thị trường trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, mặc dù những năm qua, nghề nuôi cá lồng và khai thác du lịch đã phát triển, nhưng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng sẵn có của địa phương.
Trước thực trạng đó, huyện Quang Bình đã triển khai, thực hiện Đề án nuôi cá lồng và làm du lịch sinh thái sẽ tận dụng được nguồn lực tự nhiên, con người để xây dựng các sản phẩm về thủy sản; đồng thời phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, du lịch nhằm thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Qua đó, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân sống ven hồ Thủy điện sông Chừng.
Tận dụng tiềm năng
Là một trong những cá nhân và tổ chức tham gia Đề án nuôi cá lồng và làm du lịch sinh thái của huyện nhằm phát triển kinh tế địa phương, ông Đinh Văn Sơn, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản sông Chừng cho biết, từ tháng 2.2019, HTX triển khai nuôi 52 lồng cá; riêng giống cá Lăng mới được đưa vào thử nghiệm 40 lồng.
Điều mà ông Sơn vui mừng là qua theo dõi thấy loài cá này hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như nguồn nước ở đây nên chắc thịt, thơm ngon; với giá bán trung bình khoảng 90 - 100 nghìn đồng/kg.
Những yếu tố thuận lợi từ địa hình, thổ nhưỡng mà sông Chừng “ban tặng”, ông Sơn tiết lộ thời gian tới HTX Nuôi trồng thuỷ sản sông Chừng dự kiến mở rộng quy mô nuôi cá Lăng để cung cấp khoảng 120 tấn cá thương phẩm mỗi năm; đồng thời cam kết đáp ứng đủ nhu cầu cho các nhà hàng trong tỉnh.
Nói về dự định, ông Sơn chia sẻ, HTX Nuôi trồng thuỷ sản sông Chừng sẽ tiếp tục nghiên cứu nuôi thêm giống cá Bỗng, cá Chiên bản địa.
Nhưng điều mà ông Sơn trăn trở nhất là khi quy mô trồng mở rộng thì chính là đầu ra của sản phẩm, bởi cá khác với các loại cây ăn trái, việc vận chuyển và bảo quản di chuyển xa là khó khăn đối với một HTX.
“Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, giúp đỡ HTX có đầu ra ổn định cho sản phẩm cá lồng”, ông Sơn đề nghị.
Theo Đề án của huyện, từ năm 2019 - 2025, trên lòng hồ sẽ có trên 300 lồng cá; trong đó, xã Tân Nam 50 lồng, xã Tiên Nguyên 70 lồng, thị trấn Yên Bình 180 lồng và nuôi chủ yếu là các loài cá: Lăng, Nheo, Chép, Trắm, Rô phi, Bỗng và Chiên.
Bên cạnh nuôi thuỷ sản, huyện sẽ khảo sát, 5 hộ dân sống hai bên bờ hồ để cải tạo, nâng cấp thành dịch vụ lưu trú homestay và thành lập tổ, nhóm làm dịch vụ du lịch. Ngoài tổ chức Lễ hội đua thuyền, mở hội đình Bản Chún và trồng hoa, cây cảnh, xây dựng bến thuyền, làm đường lên thác nước Nặm Tráng cũng được ưu tiên đầu tư để tạo điểm nhấn du lịch.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quang Bình khẳng định, mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2025, sản lượng nuôi cá và đánh bắt trên lòng hồ Thủy điện sông Chừng đạt 450 tấn/năm; nâng giá trị ngành thủy sản của huyện tăng từ 16 tỷ đồng năm 2019 lên 39,5 tỷ đồng năm 2025; giá trị từ dịch vụ du lịch đạt khoảng 10 tỷ đồng/năm.
Song song với nghề nuôi cá lồng, để phát triển du lịch bền vững; huyện đã đặt ra các giải pháp bảo tồn giá trị tài nguyên thiên nhiên và không gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái của vùng. Trên cơ sở đó, huyện xây dựng chính sách bảo vệ môi trường cho các hộ nuôi trồng thủy sản, nhất là phát huy vai trò của THT thủy sản đã phân khu quản lý, thu gom rác thải trên lòng hồ và sẽ có các lò đốt rác để xử lý rác thải... Để khách du lịch đến đây không chỉ trải nghiệm vẻ đẹp tự nhiên, mà còn được khám phá, hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của các dân tộc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Lòng hồ thuỷ điện sông Chừng giúp bà con xoá đói giảm nghèo và kinh tế địa phương phát triển (Ảnh: Internet)