Thị trường

Bình Phước: Giá hồ tiêu xuống thấp, nông dân điêu đứng

DNVN - Thời điểm này, hồ tiêu tỉnh Bình Phước bước vào vụ cao điểm thu hoạch. Tuy nhiên, giá hồ tiêu xuống mức thấp, cộng với tình trạng khan hiếm nhân công hái tiêu và tiền công cao khiến nhiều người trồng tiêu điêu đứng.

Vĩnh Phúc: Nghèo nhất làng bỗng thành tỷ phú từ nuôi bò sữa / Ngành dệt may lao đao vì thiếu nguyên liệu

Giá xuống thấp, người trồng tiêu lâm vào cảnh nợ nần

Hồ tiêu một thời gian được ví như “vàng đen” của nông dân tỉnh Bình Phước vì có giá trị kinh tế rất cao. Do hiệu quả kinh tế vượt trội so với các cây trồng khác nên nông dân ồ ạt trồng hồ tiêu bất chấp sự khuyến cáo của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây giá hồ tiêu xuống thấp, giao động từ 35.000 – 42.000 đồng/kg, cùng với việc tiêu bị dịch bệnh chết hàng loạt khiến nông dân lao đao.

Ghi nhận của phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam tại một số huyện có diện tích hồ tiêu lớn tại tỉnh Bình Phước như Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập..., nơi đâu người trồng tiêu cũng kêu trời vì giá xuống thấp dù năng suất một số nơi vẫn cao.

Người trồng tiêu đang gặp rất nhiều khó khăn khi giá tiêu liên tục lao dốc, khan hiếm nhân công...

Người trồng tiêu đang gặp rất nhiều khó khăn khi giá tiêu liên tục lao dốc, khan hiếm nhân công. (Ảnh: PV)

Là hộ trồng tiêu lâu năm ở xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh, bà Vũ Thị Hoa cho biết, với 3.000 trụ tiêu, những năm trước đây gia đình bà lãi hàng trăm triệu đồng mỗi vụ, nhưng 2 năm nay liên tục lỗ.

Theo bà Hoa, khoảng 5 năm trước đây giá hồ tiêu ở mức rất cao, khoảng trên dưới 200.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên tới 250.000 đồng/kg đã làm cho nhiều hộ nông dân chỉ qua một mùa đã thành tỷ phú. Nhờ cây hồ tiêu, nhiều vùng quê nghèo ở Bình Phước bà con đã xây được những căn biệt thự khang trang, mua sắm được những vật dụng đắt tiền, cuộc sống không khác gì thành phố.

Chính do lợi nhuận vượt trội so với các loại cây trồng khác nên cây hồ tiêu đã tạo ra sức hút rất lớn đối với người dân. Nhiều nông hộ đã đi vay ngân hàng, thậm chí vay lãi ngoài đầu tư trồng tiêu. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây tiêu bị nhiễm bệnh chết hàng loạt, cộng với giá cả lao dốc (có thời điểm vào đầu năm 2019 chỉ còn 42.000 đồng/kg) đã khiến nhiều hộ lâm cảnh nợ nần.

Bà Hoa cho rằng, với giá tiêu dao động 35.000-42.000 đồng/kg như hiện nay thì trung bình 100kg tiêu tươi sau khi phơi khô và xay ra chỉ còn khoảng được 10kg, với số này người dân thu được khoảng 420.000 đồng, trừ chi phí thu hái chỉ còn 100.000 đồng, không đủ chi trả công xay, phơi khô, tưới tiêu, chăm sóc, phân bón…

“Vụ trước, nhà tôi thu hoạch được 6 tấn tiêu, nhưng năm nay do thời tiết thay đổi thất thường nên chỉ thu hoạch chưa được 2 tấn. Hiện thương lái chỉ mua với giá 42.000/kg, thấp nhất trong mấy năm trở lại đây. Trong khi đó, chi phí sản xuất tiêu ngày càng tăng cao, cộng với tiền thuê người làm, tiền phân bón… thì vụ này coi như lỗ”, bà Hoa buồn rầu cho biết.

Giá hồ tiêu giảm sâu, nông dân lo lắng

Giá "vàng đen" giảm sâu đã khiến nông dân lo lắng. (Ảnh: PV).

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài việc giá tiêu liên tục lao dốc, người trồng tiêu tại Bình Phước lại “đứng ngồi không yên” khi không tìm được người hái tiêu dù đã làm mọi cách để thu hút nhân công như: Tăng giá thuê hay thuê hái khoán ăn theo sản lượng…

Gia đình bà Lê Thị Nghĩa, ở xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp bắt đầu thu hoạch 1,3ha tiêu (sản lượng khoảng 3 tấn) từ sau Tết, nhưng đến nay chỉ thu hoạch hơn 40% diện tích.

Nguyên nhân là do bà Nghĩa không thể thuê được nhân công thu, hái. Bà Nghĩa cho biết: “Mọi năm, vườn tiêu nhà tôi cần khoảng 10 công lao động, thu khoảng 1 tháng thì xong. Tuy nhiên, năm nay dù giá nhân công là 190 ngàn đồng/ngày (tăng 20 ngàn đồng/ngày) nhưng tôi vẫn chỉ thuê được 3 người. Với tiến độ này, khả năng thời gian thu hoạch tiêu của gia đình tôi phải hơn 1 tháng mới xong, có lẽ tôi phải để tiêu tự chín rụng dù biết làm như vậy sẽ khiến cây suy kiệt, ảnh hưởng đến năng suất của mùa sau”.

Hồ tiêu cần một hướng đi phù hợp

Trước tình trạng trên, chính quyền và hội nông dân các địa phương của tỉnh Bình Phước cũng đã vận động tuyên truyền người dân không mở rộng thêm diện tích, đồng thời có thể trồng xen canh các loại cây khác trên diện tích cây tiêu. Bên cạnh đó kiến nghị khoanh nợ, giãn nợ cho các hộ trồng tiêu đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Ông Nguyễn Anh Trung, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho hay: "Chính quyền địa phương cũng đang cố gắng tuyên truyền, vận động bà con trồng những cây xen canh để giải quyết cái trước mắt, cầm cự cây tiêu. Hy vọng giá tiêu thời gian tới lên lại. Đồng thời, cũng đang đề xuất với các ngân hàng mong muốn giải quyết gia hạn cho những hộ khó khăn, trong lúc người dân đang gặp khó khăn để người dân có thêm điều kiện sinh hoạt, ổn định vực lại kinh tế".

Trước tình trạng trên, chính quyền và hội nông dân các địa phương của tỉnh Bình Phước cũng đã vận động tuyên truyền người dân không mở rộng thêm diện tích, đồng thời có thể trồng xen canh các loại cây khác trên diện tích cây tiêu.

Trước tình trạng mất giá "vàng đen", chính quyền và hội nông dân tỉnh Bình Phước cần có phương án tháo gỡ. (Ảnh: PV)

Đồng thời, tỉnh Bình Phước đang hành động quyết liệt để hỗ trợ các nông hộ trồng tiêu và chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng hướng dẫn UBND các huyện có diện tích trồng tiêu rà soát, lập danh sách cụ thể từng trường hợp và đề xuất hướng giải quyết; báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá tiêu giảm đã ảnh hưởng đến ngành hồ tiêu Việt Nam, thời gian tới, xuất khẩu hồ tiêu sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn do giá ở mức thấp khi cung lớn hơn cầu và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới.

Hiện nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu trên thế giới khoảng 510.000 tấn/năm, bình quân mỗi năm chỉ tăng 2-3%, trong khi sản lượng hồ tiêu thế giới tăng 8-10%. Năm 2018, sản lượng hồ tiêu toàn cầu đạt 557.000 tấn, năm 2019 đạt khoảng 602.000 tấn. Dự báo đến 2050, sản lượng hạt tiêu thế giới sẽ tăng lên 1 triệu tấn và nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu thế giới cũng tăng lên, nhưng chưa cân đối với nguồn cung. Do đó, giá tiêu có thể còn mất ổn định trong một thời gian nữa.

Trong bối cảnh xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục đối diện nhiều khó khăn và sức ép cạnh tranh lớn, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng, để nâng cao giá bán hồ tiêu, ngành hồ tiêu cần đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng về chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao và có thể thâm nhập các thị trường khó tính trên thế giới.

Phạm Văn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm