Buôn lậu qua biên giới Tây Nam diễn biến phức tạp mùa nước nổi
Khởi công xây hơn 1.000 nhà ở xã hội ở Tây Nam Linh Đàm / Ẩn số NOXH Tây Nam Linh Đàm: Chưa cấp phép vì sao?
Theo Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay lực lượng biên phòng đã bắt 245 vụ/64 đối tượng buôn lậu, tang vật thu giữ gồm: hơn 177.000 gói thuốc lá ngoại, gần 8kg vàng 9999, 1,4 triệu Riel (tiền Campuchia)… với tổng trị giá khoảng 15 tỷ đồng.
Ngoài ra phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) địa phương bắt 323 vụ/83 đối tượng và tang vật thu giữ hơn 172.000 gói thuốc lá, 10.160 hộp thuốc tân dược, 10.522 hộp thuốc tây… trị giá hơn 7,4 tỷ đồng.
Thuốc lá chiếm số lượng qua hàng nhập lậu qua biên giới.
Trong các mặt hàng được vận chuyển qua biên giới như đường cát, mỹ phẩm, thuốc lá, ma tuý… cơ quan chức năng cho rằng thuốc lá lậu vẫn chiếm số lượng lớn, bởi 1 cây thuốc vận chuyển qua biên giới lợi nhuận khoảng 90 ngàn đồng.
Sau khi đường dây buôn lậu vàng do bà “trùm” Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, 52 tuổi, ngụ xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cầm đầu bị triệt phá thì hoạt động vận chuyển vàng tạm thời lắng xuống. Liên quan vụ án này, Công an tỉnh An Giang đã khởi tố, bắt giam hàng chục đối tượng, trong đó có nhiều chủ tiệm vàng ở An Giang và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên thời gian gần đây cơ quan chức năng lại phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển hàng ký vàng qua biên giới.
Đối với các đối tượng buôn lậu thuốc lá qua biên giới hiện nay không còn ồ ạt hoạt động mà chuyển sang nhỏ lẻ khi bị bắt giữ chưa đủ yếu tố để khởi tố và nguỵ trang, cất giấu tinh vi.
Đại tá Lý Kế Tùng Phó chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh An Giang cho biết, biên giới An Giang có 210 tổ, chốt, trong đó có 15 tổ cơ động, 195 chốt cố định. Thủ đoạn buôn lậu thuốc của các đối tượng ngày càng tinh vi, đa dạng. Các đối tượng cho hàng vào bọc nilon rồi dùng dây kéo qua biên giới. Có những khu vực là các đối tượng cho hàng vào bọc nilon rồi thả trôi theo sông, kênh, rạch, sau đó điện báo đồng bọn đón nhận hàng. Ngoài ra các đối tượng bên kia biên giới điện thoại cho đối tượng bên này để thông báo giấu thuốc lá trong các bao cỏ, tập kết trong các lùm cây, sau đó ra về thì đồng bọn lên lấy hàng mà không hề gặp nhau.
Đặc thù biên giới Tây Nam bằng phẳng, trải dài, nước lũ tràn đồng giáp ranh mở ra nhiều con đường trên đồng, thuận lợi cho đối tượng buôn lậu chuyển hàng hoá.
Ví dụ ngày 30/8, Chốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 số 26 của Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn gồm 11 người do Thượng úy Nguyễn Văn Mạnh, Chốt trưởng phụ trách sử dụng thiết bị trinh sát ảnh nhiệt phối hợp với chốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 số 1 của Đồn Biên phòng Nhơn Hưng gồm 6 đồng chí do Trung úy Nguyễn Nhật Vy, Chốt trưởng và Đội Đặc nhiệm Phòng, chống ma tuý và tội phạm mật phục chống buôn lậu tại khu vực Mốc 269/4 (đoạn tiếp giáp giữa Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn và Đồn biên phòng Nhơn Hưng) thuộc ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Lúc này, phát hiện khoảng 6 - 8 đối tượng đai vác nhiều cục đồ đi từ hướng biên giới về phía Việt Nam (cách đường Biên giới khoảng 50m về phía Việt Nam) có biểu hiện nghi vấn, tổ công tác tiếp cận để kiểm tra. Các đối tượng bỏ lại hàng hóa, lợi dụng đêm tối bỏ chạy về phía Campuchia.
Tiến hành kiểm tra phát hiện 3.850 bao thuốc lá ngoại các loại (2.000 Hero, 1.850 Jet) trị giá hàng hóa khoảng 60 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra không đối tượng nào nhận là chủ sở hữu số hàng hóa nói trên. Tổ công tác đã đưa toàn bộ tang vật về Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn để tiếp tục điều tra làm rõ. Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn đã bắt 44 vụ vận chuyển thuốc lá, tang vật thu giữ gần 39.000 gói.
Rạng sáng 30/9, Chốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 số 26 của Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn tuần tra kiểm soát khu vực biên giới (từ mốc 269/1 đến mốc 269/3). Khi đến Mốc 269/2 thuộc ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế, TP.Châu Đốc phát hiện 2 túi nilon màu đen tại khu vực bãi đất trống, không có người nhận. Qua kiểm tra phát hiện bên trong có chứa 500 bao thuốc lá ngoại. Trước đó, đơn vị này bắt 44 vụ vận chuyển thuốc lá, tang vật thu giữ gần 39.000 gói.
Lực lượng Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn phối hợp tuần tra trên đồng lũ.
Sau khi tạm lắng xuống, thời gian gần tình trạng đưa vàng qua biên giới có dấu hiệu tăng trở lại. Đại tá Lý Kế Tùng, Phó chỉ huy trưởng BĐBP An Giang cho biết, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Tịnh Biên đã khởi tố vụ án vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới vào ngày 9/9 và bàn giao cho Công an huyện Tịnh Biên tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.
Trước đó, chiều ngày 9/9, tổ công tác CKQT Tịnh Biên phát hiện xe tải biển kiểm soát 67L-9350 do Lê Phong Trường (19 tuổi, ngụ xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên) điều khiển đi từ hướng cổng nhập barie số 1 xuống có dấu hiệu nghi vấn nên ra hiệu lệnh dừng xe.
Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện phía sau ghế phụ có 3 bọc túi xốp màu đen. Bên trong chứa nhiều vòng, lắc đeo tay và dây chuyền, hai miếng kim loại màu vàng và nhiều sợi dây chuyền, vòng lắc tay, nhẫn có trọng lượng gần 3 kg. Kiểm tra trên người tài xế, phát hiện có 33,6 triệu đồng và 400.000 Riel tiền Campuchia. Toàn bộ số tiền và kim loại trên đều không được Trường khai báo hải quan theo quy định khi qua biên giới. Qua giám định số kim loại trên là vàng thật.
Nguyễn Văn Nghiệp chở 2,2 ký kim loại nghi vàng.
Chiều 29/9, Tổ công tác cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) tuần tra, kiểm soát khu vực cửa khẩu đường bộ (thuộc ấp 5, xã Vĩnh Xương, TX.Tân Châu). Phát hiện Nguyễn Văn Nghiệp (39 tuổi, ngụ ấp 5, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu) chạy xe máy không gắn biển số có nhiều biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu dừng xe kiểm tra. Tổ công tác phát hiện Nghiệp chở khoảng 2,2 ký kim loại nghi là vàng, loại trang sức nữ, trị giá khoảng 2,7 tỷ đồng.
Qua làm việc, Nghiệp khai vận chuyển thuê cho ông Phạm Hải Đường (43 tuổi, ngụ xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) đến biên giới Campuchia giao cho một phụ nữ. Ông Đường khai vận chuyển thuê cho một người ở thị xã Tân Châu.
Một lãnh đạo phụ trách chống buôn lậu cho biết: “Vụ vận chuyển vàng từ Việt Nam sang Campuchia vừa bị bắt giữ khác với các vụ trước đây. Lý do là tiệm vàng bên Campuchia gia công trang sức không đẹp như ở Việt Nam nên các đối tượng thuê gia công rồi vận chuyển về bên đó”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo