Cà phê Việt có gặp khó bởi quy định chống phá rừng của EU?
Kinh tế tuần hoàn - Lời giải cho phát triển bền vững / Một loại 'cây vàng cây bạc' mọc khắp Việt Nam giúp thu về nửa tỷ USD trong 9 tháng: Mỹ, Nhật Bản, Vương quốc Anh cực ưa chuộng, nước ta nằm trong danh sách 'trùm' của thế giới
Chịu tác động lớn
Ngày 23/6/2023, EU đã ban hành Quy định chống mất rừng (EUDR). Quy định này cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng (cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca cao và đậu) vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng.
Với EUDR, nông sản gây mất rừng được tính với mốc thời gian mất rừng từ ngày 31/12/2020 trở đi. Đồng thời, sản phẩm được coi là hợp pháp nếu quá trình sản xuất ra sản phẩm đó tuân thủ các quy định về đất đai, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động, nhân quyền, các quy định về thuế, phí…
Theo quy định này, từ tháng 12/2024, một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là cà phê khi nhập khẩu vào EU đều cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn, dựa trên đó xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám.
Chia sẻ về tác động của EUDR đối với ngành cà phê, ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, EUDR liên quan mật thiết, chặt chẽ tới ngành cà phê ca cao nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung.
Tổng số diện tích trồng cà phê của Việt Nam hiện vào khoảng 710.000 ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt trên 1,8 triệu tấn, trong đó tổng khối lượng xuất khẩu lên tới trên dưới 1,7 triệu tấn.
Hiện EU là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt tới trên 1,5 tỷ USD.
Chủ tịch VICOFA nhận định, quy định EUDR ảnh hưởng rất lớn đến ngành cà phê, đặc biệt ảnh hưởng rất lớn đến người nông dân trồng cà phê Việt Nam.
Khó khăn, thách thức của ngành là chuỗi cung ứng rất phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng từ người nông dân, người sản xuất đến thu mua, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp sản xuất, DN sản xuất.
Thứ hai, phương thức sản xuất cà phê của Việt Nam khá manh mún, nhỏ lẻ. Với khoảng 710.000 ha diện tích trồng cà phê nhưng có tới trên 600.000 hộ nông dân, tức là mỗi hộ nông dân chỉ sở hữu từ 0,5-1 ha đất trồng cà phê. Các hộ nông dân là những đối tượng yếu thế trong chuỗi cung ứng.
Thứ ba, việc EU yêu cầu quy định thẩm định trách nhiệm giải trình đối với EUDR rất phức tạp. Để đạt được yêu cầu về quy định thẩm định trách nhiệm giải trình cần rất nhiều thời gian, công sức. Trong khi đó, ngành cà phê Việt Nam hiện mới chỉ có khoảng trên 30% diện tích được EU chứng nhận là sản xuất bền vững, trên 60% diện tích cà phê còn lại chưa được chứng nhận do liên quan đến vấn đề truy xuất.
Với việc EU đưa ra các yêu cầu về trách nhiệm giải trình, phía Việt Nam cần những hướng dẫn chi tiết để các doanh nghiệp có thể đáp ứng.
Có cơ sở chứng minh Việt Nam không phá rừng
Tuy vậy, theo Chủ tịch VICOFA, không thể nói những yêu cầu của EU là không có thuận lợi và cơ hội đối với ngành cà phê Việt Nam. Đó là việc Chính phủ Việt Nam có quy định về đóng cửa rừng tự nhiên từ năm 2016, tiếp tục tập trung vào thâm canh, chế biến sâu, nâng cao chất lượng, chứ không tăng diện tích tràn lan. Diện tích trồng cà phê của Việt Nam từ năm 2020 đến nay có xu hướng ổn định.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT năm 2021 diện tích trồng cà phê là 710.000 ha nhưng đến năm 2022, diện tích giảm xuống còn 709.000 ha.
“Diện tích không tăng nên việc phá rừng hay sử dụng diện tích của rừng để trồng cà phê là hầu như không có. Đây là cơ hội để Việt Nam chứng minh với EU rằng Việt Nam không phá rừng để trồng cà phê”, ông Nam nhìn nhận.
Yếu tố thuận lợi để thực hiện quy định EUDR là tinh thần vào cuộc của Chính phủ, đặc biệt là Bộ NN&PTNT.
“Với quy định của EU được ban hành, tất cả các nước trồng cà phê đều đưa ra ý kiến phản đối. Duy nhất Việt Nam ủng hộ quy định có lợi cho người dân, quốc gia. Bộ NN&PTNT, trực tiếp là Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đã có rất nhiều phiên làm việc với EU, Cao uỷ về môi trường của EU để bàn các giải pháp hỗ trợ Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam, người nông dân, những đối tượng yếu thế để triển khai, đáp ứng được các quy định của EU”, ông Nam cho hay.
Đặc biệt, sau khi làm việc với EU, các hiệp hội và các tổ chức quốc tế, Bộ đã ban hành khung hành động thích ứng với EUDR. Bản thân các doanh nghiệp và hiệp hội cũng đang phối hợp chặt chẽ với NN&PTNT để triển khai hiệu quả khung hành động thích ứng với EUDR.
Tuy vậy, ông Nam cho rằng, Bộ NN&PTNT cần phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT để thống nhất được bản đồ về tài nguyên rừng.
Việt Nam cần đưa ra được bản đồ về tài nguyên rừng duy nhất để đàm phán với EU. Sau khi EU công nhận bản đồ về rừng này mới tham chiếu được diện tích cà phê của Việt Nam có vi phạm vào diện tích của rừng hay không.
Với cơ quan quản lý cấp tỉnh, huyện, Chủ tịch VICOFA kiến nghị hỗ trợ người nông dân công nhận các thửa đất trồng cà phê, xác nhận các thửa đất đó là hợp pháp, có sổ đỏ, có quyền sử dụng đất.
“Bởi vì với quy định EUDR này, họ yêu cầu không chỉ những sản phẩm không sản xuất trên diện tích rừng mà yêu cầu quan trọng hơn là các sản phẩm đó phải phù hợp với luật pháp Việt Nam. Luật pháp quy định của Việt Nam bao gồm giấy sử dụng đất, sử dụng lao động, điều kiện lao động cho người nông dân và những quy định khác liên quan đến lao động”, ông Nam giải thích.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
FID báo cáo sai khoản lỗ
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise