Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn khó cạnh tranh
Trung Quốc tiếp tục là điểm đến tiềm năng cho thủy sản Việt Nam / Điện lực miền Trung: Bảo đảm điện phục vụ sản xuất hàng Tết Giáp Thìn 2024
Thị phần hạn chế
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada tăng trưởngtrên 65%, từ mức 3,9 tỷ USD năm 2019 lên trên 6,3 tỷ USD vào cuối năm 2022. Còn theo Hải quan Canada, số liệu này còn cao hơn tăng từ 5,2 tỷ USD lên 9,8 tỷ USD với tỷ lệ gần gấp 2 lần trong giai đoạn 2019 - 2022.
Theo giới chuyên gia, sự tăng trưởng liên tục, đặc biệt ở góc độ xuất khẩu có sự đóng góp không nhỏ của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Tuy vậy, theo ông Đinh Sĩ Minh Lăng - đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), giá trị mặt hàng xuất khẩu Việt Nam sang Canada còn khiêm tốn, thị phần chưa tương xứng với tiềm năng.
Cơ hội tận dụng ưu đãi từ hiệp định này chưa thực sự cân bằng giữa doanh nghiệp (DN) trong nước và DN FDI. Cụ thể, trên 60% hàng nhập khẩu từ Việt Nam là các sản phẩm của các DN đầu tư nước ngoài. Trong khi khu vực trong nước chủ yếu vẫn xuất khẩu mặt hàng gia công hoặc sản phẩm ở dạng nguyên liệu thô. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chưa tạo được thương hiệu riêng có khả năng cạnh tranh.
Mặt hàng xuất khẩu tính theo mã HS 2 số thống kê xuất đi thị trường Canada quy ra kim ngạch chỉ chiếm chưa tới 3% kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam đi thế giới. Con số này còn khiêm tốn và còn nhiều dư địa ở thị trường 38,2 triệu dân và mức thu nhập bình quân đầu người là trên 51.000 USD nhiều tiềm năng này.
Theo đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, yếu tố lớn nhất cản trở xuất khẩu Việt Nam sang Canada là năng lực vận tải và logistics nội địa, thiếu hụt lao động khiến giá xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh so với các nước láng giềng Nam Mỹ.
Canada duy trì chính sách tỷ giá thấp để thúc đẩy xuất khẩu cũng là bất lợi cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vì giá của Việt Nam sẽ trở nên đắt hơn.
Một số lĩnh vực mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang địa bàn cũng có nguy cơ bị áp thuế chống phá giá hoặc xem xét gia hạn áp thuế chống phá giá như tấm pin năng lượng mặt trời, thép chống ăn mòn, phụ kiện ống đồng, ghế bọc nệm… cũng là những cản trở không nhỏ.
Ngoài ra, thị trường CPTPP có những tiêu chuẩn phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, giảm phát thải. Đây là trở ngại không nhỏ cho DN Việt Nam, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.
Xây dựng thương hiệu riêng bài bản
Để thâm nhập vào thị trường Canada, theo ông Lăng, sản xuất gia công, sản xuất theo nhãn hàng của các chuỗi siêu thị và các nhà nhập khẩu phân phối lớn của thế giới là phương cách để các DN tiếp cận thị trường một cách bền vững và có đơn hàng ổn định.
Sản phẩm có tính sáng tạo cao, có tính riêng, tính mới cũng nên xây dựng thương hiệu riêng một cách bài bản, lấy thị trường trong nước làm chủ đạo, làm cơ sở để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như Canada.
Muốn xuất khẩu dịch vụ như dịch vụ xây dựng, dịch vụ nhượng quyền thương mại, dịch vụ viễn thông, dịch vụ công nghệ thông tin cần bắt buộc phải phát triển thương hiệu riêng.
Đối với DN nhỏ và vừa, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ khuyến nghị có thể dựa vào thương mại điện tử để làm bàn đạp ra thị trường khu vực và thế giới.
Về lựa chọn phân khúc, DN Việt Nam có thể tiếp cận phân khúc giày đặc chủng, giày dép thời trang, giày dép trẻ em, giày dép trong nhà, quần áo trẻ em, quần áo đi biển, quần áo bảo hộ lao động hay quần áo ngủ…
Ngoài ra, DN cũng cần quan tâm đến đặc điểm và xu hướng tiêu dùng của người dân Canada. Trong đó, đáng chú ý là xu hướng tiêu dùng bền vững, sản phẩm có tính nhân văn hoặc sản phẩm hữu cơ, sản phẩm tự nhiên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo