Thị trường

Các chuyên gia nói gì về lãi suất huy động những tháng cuối năm?

Thanh khoản ngân hàng dồi dào vì nhu cầu tín dụng giảm, cùng với việc Ngân hàng Nhà nước giãn lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thêm một năm so với quy định cũ, sẽ khiến lãi suất huy động trong những tháng cuối năm 2020 có thể sẽ giảm thêm.

Kinh tế Việt Nam dự báo bật tăng mạnh vào năm 2021 / Xuất khẩu thủy sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2030

lai-suat-4911-1602209868.jpg

Các ngân hàng có thể tiếp tục giảm lãi suất huy động trong 3 tháng cuối năm. (Ảnh minh hoạ: Int)

Theo báo cáo của Fiin Group – một tổ chức chuyên về dữ liệu tài chính, lãi suất huy động có chung xu hướng giảm trong tháng 9 đối với cả kỳ hạn 6 tháng và kỳ hạn 12 tháng ở tất cả các nhóm ngân hàng.

Cụ thể, đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của nhóm ngân hàng có vốn nhà nước giảm 0,125%; lãi suất của nhóm ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng) giảm 0,163%; lãi suất của nhóm ngân hàng TMCP có quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) giảm 0,14%.

Trong khi đó, đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất của nhóm ngân hàng có vốn nhà nước sụt giảm mạnh nhất với 0,225%. Lãi suất của nhóm ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ và lãi suất của nhóm ngân hàng TMCP có quy mô lớn có mức giảm lần lượt là 0,08% và 0,19%.

Lãi suất huy động tiếp tục giảm chủ yếu do thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang được duy trì dồi dào. Tính tới 30/9/2020, tăng trưởng tín dụng chỉ dừng ở mức 6,09% so với đầu năm, tăng trưởng 9,4% trong cùng kỳ năm 2019.

Sức hấp thụ của nền kinh tế suy giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến cho tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức thấp so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đã bật tăng mạnh trong 2 tuần cuối tháng 9, từ mức 4,81% tính tới ngày 16/9.

 

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc hồi phục tăng trưởng tín dụng cho thấy nỗ lực trong chính sách tài chính - tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nhằm phục vụ mục tiêu khôi phục sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng GDP. Ngày 1/10, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm lãi suất điều hành thêm 0,5%.

Tuy nhiên, BVSC cho rằng động thái này sẽ không có quá nhiều tác động đối với mặt bằng lãi suất hiện nay trên thị trường, mà chỉ phản ánh nỗ lực đồng hành, hỗ trợ nền kinh tế của cơ quan quản lý tiền tệ, nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý cuối năm.

BVSC cũng dự báo lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn (dưới 6 tháng) có thể vẫn còn dư địa để giảm thêm nhưng lãi suất các kỳ hạn dài hơn (trên 6 tháng) nhiều khả năng sẽ ổn định trong quý cuối năm.

Dự báo về xu hướng lãi suất huy động, cho vay từ nay đến cuối năm, ông Trương Văn Phước, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng dự báo, trong các tháng cuối năm vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, thậm chí có thể giảm nhẹ.

Lý do là các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục cắt giảm chi phí để có thể giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Trong bối cảnh thanh khoản đang dư thừa và lãi suất đầu ra giảm, có rất ít khả năng tăng lãi suất huy động.

 

Còn sang năm 2021, lãi suất cả tiền gửi và cho vay có thể sẽ tăng trở lại khi nhiều dự báo đưa ra kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng trở lại. "Như vậy, nhu cầu vốn tín dụng tăng lại sẽ đẩy lãi suất tăng lên", ông Phước nhận định.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng nhận định lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm từ 0,8 - 1%/năm tại các kỳ hạn trong cả năm 2020. Ngoài nguyên nhân do thanh khoản ngân hàng dồi dào vì nhu cầu tín dụng giảm, còn do Ngân hàng Nhà nước giãn lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thêm một năm so với quy định cũ.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm