Thị trường

Các cửa hàng, quán ăn ở Hà Nội có nguy cơ phải đóng cửa do dịch Covid-19

DNVN - Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID 19, lượng khách của các cửa hàng bán lẻ, quán ăn ở một số khu vực ở Hà Nội giảm đi đáng kể. Không ít cửa hàng đã phải đóng cửa, chuyển sang bán hàng online.

21 cơ sở kinh doanh thiết bị y tế bị xử phạt gần 36 triệu đồng / An Giang: Thu giữ hàng chục ngàn khẩu trang y tế không có hóa đơn, chứng từ

Rất nhiều cửa hàng, quán ăn bị rơi vào tình trạng vắng khách do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Khách hàng thưa thớt khiến việc làm ăn của các hộ gia đình gặp không ít khó khăn.

Một chủ cửa hàng bán nguyên vật liệu xây dựng ở phường Hà Cầu chia sẻ. “So với trước đây, mức độ kinh doanh của cửa hàng đã giảm đến 50% doanh thu và lợi nhuận. Đầu năm mọi người không muốn xây nhà hay dỡ nhà, thêm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, những hộ đang chuẩn bị làm hoặc đã ký hợp đồng họ cũng tạm dừng chờ hết dịch bệnh. Trong khi những người thợ chủ yếu là ở các tỉnh đến làm nên khách hàng cũng không an tâm khi thuê.”

Cửa hàng vật liệu xây dựng vắng khách.

Cửa hàng vật liệu xây dựng vắng khách.

“Từ khi có dịch khách đến mua hàng vắng hẳn, giảm tới 70 – 80% lượng mua hàng, nên tôi cũng không nhập hàng nữa vì không có khách đến mua”. Cô Nguyễn Thị Mỹ, chủ một cửa hàng tạp hóa tại quận Hà Đông chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Mỹ - chủ một cửa hàng tạp hóa tại quận Hà Đông

Cô Nguyễn Thị Mỹ - chủ một cửa hàng tạp hóa tại quận Hà Đông.

Dù nhiều cửa hàng đã có những biện pháp như đặt các lọ dung dịch sát khuẩn, vệ sinh thường xuyên để phòng, chống Covid-19 cho cả nhân viên lẫn khách hàng. Đồng thời nhân viên luôn đeo khẩu trang nhưng khách vẫn còn thưa thớt. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch, một số nhà hàng, quán ăn đã tạm thời đóng cửa từ rất sớm do không có khách.

Siêu thị cũng thưa khách đến mua hàng.

Siêu thị cũng thưa khách đến mua hàng.

Tình trạng vắng khách này không chỉ diễn ra ở các cửa hàng nhỏ mà các cửa hàng lớn cũng vậy, quán ăn tối, trà chanh, siêu thị cũng không còn tấp nập như trước nữa. Nhiều cửa hàng, quán ăn gần trường học cũng vắng bóng học sinh, sinh viên đến ăn. Nhiều nơi đã thực hiện các chương trình ưu đãi để thu hút khách hàng nhưng số lượng khách đến vẫn không nhiều.

Quán ăn vắng khách do dịch COVID 19.

Quán ăn vắng khách do dịch COVID 19.

Chị Lê Thu Huyền, nhân viên văn phòng nói: “Trước đây, cứ cuối tuần là tôi cùng các con sẽ đi vào siêu thị mua sắm. Nhưng từ khi biết tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên muốn mua gì tôi sẽ đặt hàng online và hạn chế ra ngoài, tránh những nơi tụ tập đông người để đảm bảo an toàn cho cả nhà”.

Dịch Covid-19 xuất hiện, khuyến cáo của ngành chức năng “hạn chế tới nơi đông người” đã làm cho quá trình mua hàng trực tuyến diễn ra nhanh hơn bao giờ hết. Nhiều cửa hàng hiện nay đã có những cách "sống chung" với dịch, thúc đẩy doanh số bằng nhiều phương pháp khác nhau như miễn phí vận chuyển, khuyến mãi, giảm giá, tặng khẩu trang, nước rửa tay cho khách mua hàng.

Đồng thời, đa số các nhân viên bán hàng đều mang khẩu trang y tế, tại cửa hàng cũng trang bị khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay sát khuẩn cho khách mua hàng và cam kết thường xuyên lau chùi tủ đựng đồ, cửa kính, tay nắm cửa để khách yên tâm mua sắm.

Cũng không bỏ lỡ cơ hội này, những ngày vừa qua, các siêu thị lớn đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua nhiều hình thức, thậm chí điện thoại tư vấn cho khách hàng để họ không phải đến cửa hàng rồi sau đó nhân viên hoặc đơn vị vận chuyển sẽ giao hàng đến tận nhà cho khách.

Cùng với đó, để kích thích tăng mua qua kênh trực tuyến, các sàn thương mại điện tử đã hợp tác cùng siêu thị với nhiều khuyến mại lớn đến 30% đơn hàng trong suốt tháng từ tháng 2 - 3/2020. Nhu cầu giao dịch hàng hóa qua các hình thức mới đang có sự tăng trưởng vượt bậc. Các cửa hàng online có doanh thu tăng khoảng 30 - 70%. Số lượng hàng bán ra thông qua các ứng dụng Grab, Foody, Now... cũng tăng lên đáng kể.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, thời Covid-19 có thể xem là dịp để thị trường bán lẻ hàng hóa chuyển dịch mạnh từ việc bán hàng truyền thống sang nhiều hình thức khác như bán hàng qua sàn thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh, bán hàng qua điện thoại, bán online…

Tuy nhiên, do nhiều đơn vị chạy đua kinh doanh online, vận chuyển hàng nhanh để chiếm thị phần, nên khách hàng cần lựa chọn những cửa hàng cũng như các đơn vị vận chuyển uy tín, bởi có nhiều shipper khi vận chuyển đã mở hàng hoặc làm mất hàng không lý do, hay người mua nhận được hàng không giống như hàng đăng trên mạng trước đó, hoặc mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Lê Hằng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm