Thị trường

Chưa tăng giá các mặt hàng đầu vào cho sản xuất của DN trong Quý I và II/2020

DNVN - Đây là 1 trong nhiều yêu cầu được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị trong Chỉ thị số 06/CT-BCT về việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành Công Thương trước những diến biến mới của dịch bệnh Covid-19.

Phụ thuộc giống Trung Quốc, ngành dâu tằm không nhập khẩu được trứng do ảnh hưởng Covid-19 / Gia hạn thuế, tiền thuê đất, giảm phí hỗ trợ thiệt hại do COVID-19

Để triển khai hiệu quả các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường theo đúng tinh thần Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngay trong sáng nay (11/3), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ban hành Chỉ thị số 06/CT-BCT về việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành Công Thương trước những diến biến mới của dịch bệnh Covid-19.
Người đứng đầu Bộ Công Thương yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, thường xuyên, liên tục các nội dung công việc đã được xác định. Chủ động xác định những nội dung công việc trong lĩnh vực được giao phụ trách để chỉ đạo khẩn trương thực hiện, bảo đảm mục tiêu phòng, chống dịch hiệu quả và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trước những diễn biến mới của dịch Covid-19.

Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương được yêu cầu tiếp tục quán triệt sâu sắc yêu cầu vừa phòng, chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh nguy hiểm này đang bùng phát, lan rộng ở nhiều quốc gia như hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác phòng chống, dịch và đảm bảo ổn định thị trường. Theo đó, Vụ Thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, phối hợp với các doanh nghiệp và các địa phương triển khai ngay các biện pháp để hỗ trợ, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu; đề nghị các DN cam kết bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, nhất là tại địa phương có dịch bệnh.
Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương có phương án đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của địa phương theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh và kế hoạch hỗ trợ cung cấp cho các địa phương khác khi cần thiết, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống.
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục QLTT tăng cường công tác QLTT và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá để trục lợi.
Đối với công tác tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, Bộ Công Thương yêu cầu rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho DN. Cụ thể, yêu cầu rà soát, đề xuất phương án cắt giảm phí, lệ phí đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong phạm vi và lĩnh vực quản lý; Chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong Quý I và II/2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của DN do Nhà nước định giá như giá xăng dầu, giá điện.
Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tập trung tái cấu trúc nghiệp vụ các thủ tục hành chính cấp độ 3,4 tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, DN.
Đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.
Bộ Công thương cũng đề nghị các đơn vị tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất - nhập khẩu; đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư; Thực hiện tốt công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp liên ngành; và đẩy mạnh công tác truyền thông...
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm