Cần chung tay bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn khó cạnh tranh / Giám sát chặt việc lập hóa đơn điện tử tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu
Tại tọa đàm khoa học “Pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm” diễn ra mới đây tại Cà Mau, các diễn giả đã đánh giá thực trạng doanh nghiệp làm ăn chân chính nhưng bị cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời bàn thảo các giải pháp phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn, bảo đảm sức khoẻ người tiêu dùng, thúc đẩy ngành thực phẩm, du lịch và kinh tế nói chung phát triển.
Theo các diễn giả, tình trạng thực phẩm không an toàn đã cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, đặt gánh nặng lên hệ thống chăm sóc sức khoẻ người dân, gây tổn hại cho lĩnh vực du lịch và nền kinh tế.
TS Bùi Đặng Dũng cho biết, tình trạng ngộ độc thực phẩm hiện còn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin người tiêu dùng.
Nguyên nhân của tình trạng này là do còn thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, thậm chí còn ảnh hưởng đến uy tín của thực phẩm xuất khẩu.
Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không bảo đảm các điều kiện vệ sinh tối thiểu như điều kiện về cơ sở vật chất, về trang thiết bị. Người trực tiếp sản xuất chế biến thực phẩm chưa đủ kiến thức dẫn đến nguy cơ thực phẩm không an toàn.
Theo TS Hồ Minh Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), sự đa dạng của các hình thức kinh doanh hiện nay gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm cần sự chung tay, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, Bộ Công Thương cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
Nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp với các cơ quan liên quan về thu hồi, giám sát và xử lý với sản phẩm, hàng hoá thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo TS Trần Anh Tuấn, nhiều năm qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy vậy, kết quả thu được vẫn còn hạn chế, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh nhân lực cơ quan quản lý còn mỏng, các thủ đoạn sai phạm ngày càng tinh vi.
Tại toạ đàm, các luật sư, đại diện nhiều doanh nghiệp đưa ra những kiến nghị cụ thể liên quan đến việc xử phạt các hành vi không tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm.
Trong đó, cần tập trung làm rõ trách nhiệm và xử lý đến cùng các hành vi làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng người dùng.
Các đại biểu đề xuất cơ quan quản lý hoàn thiện quy định về thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tra an toàn thực phẩm theo hướng phù hợp với Luật Thanh tra được thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV, có hiệu lực thực thi từ ngày 1/7/2023.
Đồng thời xây dựng, đề xuất các biện pháp phù hợp với tình hình thực tế để đẩy mạnh phòng, chống nạn hàng giả, hàng kém chất lượng đang lưu thông trên thị trường.
Ngoài ra, đẩy mạnh, tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục, cung cấp thông tin, hỗ trợ pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an ninh, an toàn thực phẩm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 31/12/2024: Giảm trong ngày cuối cùng của năm
Vị thế trung tâm nuôi biển - Bài cuối: Quản lý tốt quy hoạch nuôi trồng
Chuyên gia chỉ ra 8 chủ đề đầu tư hấp dẫn năm 2025
Tỷ giá hôm nay 31/12: USD và NDT tiếp tục xu hướng tăng giá
Giá nông sản ngày 31/12/2024: Hồ tiêu biến động, cà phê giảm nhẹ
Giá heo hơi ngày 31/12/2024: Ổn định trên phạm vi cả nước