Thị trường

Cần thiết siết tỷ lệ vốn trung, dài hạn

Các ngân hàng sẽ chỉ còn được dùng 30% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn kể từ đầu tháng 10, thay vì 34% như trước đó.

Sở hữu trí tuệ trong nông nghiệp - Bài cuối: Nghị định 65/2023 - Tạo hành lang pháp lý thông thoáng và hoàn chỉnh / Lần đầu tiên lễ hội bia Đức GBA Oktoberfest đến với Đà Nẵng

Đây là thông tin được thị trường quan tâm khá nhiều trong những ngày gần đây. Việc giảm tỷ lệvốnngắn hạn cho vay trung, dài hạn không phải là một quy định mới, mà đã được đưa ra từ năm 2020, được thực hiện theo lộ trình giảm dần mỗi năm một ít, từ 40% về 30%. Nếu ngân hàng huy động được 100 đồng vốn ngắn hạn, thì sẽ chỉ được phép dùng 30 đồng để cho vay các dự án trung, dài hạn, từ 2 - 3 năm trở lên.

Gửi tiền trong thời gian ngắn để xem tình hình lãi suất có biến động không là tâm lý chung của nhiều người gửi tiền hiện nay, thường chỉ gửi 6 tháng, hoặc 1 năm, nếu gửi vài năm, thì khi lãi tiền gửi tăng, họ sẽ mất cơ hội. Tuy nhiên, khi ngân hàng cho vay ra, nhiều khoản vay các ngân hàng phải cho vay 3 năm, 5 năm, thậm chí 20 năm. Như vậy sẽ có một khoảng chênh lệch về thời hạn khá lớn giữa tiền gửi và tiền vay.

Nếu ngân hàng dùng hết 100 đồng huy động được đi cho vay trung, dài hạn, thì khi tới thời hạn trả lãi cho người gửi tiền, ngân hàng có thể không thu hồi tiền về kịp, dẫn tới rủi ro nên phải siết quy định này. Quy định đã được đưa ra từ cách đây 4 năm, nên các ngân hàng cũng đã chủ động nhiều biện pháp để tăng lượng vốn trung, dài hạn, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vốn mới.

Siết quy định cho vay trung, dài hạn để đảm bảo an toàn vốn

Kể từ tháng 6/2022 cho tới nay, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của toàn hệ thống ngân hàng dao động từ 25 - 26%, luôn thấp hơn giới hạn cho phép. Thậm chí ở một vài ngân hàng, như Vietcombank, HDBank..., có thời điểm, tỷ lệ này chỉ ở quanh mức 10%.

Cần thiết siết tỷ lệ vốn trung, dài hạn - Ảnh 1.

Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của hệ thống ngân hàng hiện nay khoảng 26%, thấp hơn so với quy định. (Ảnh: Dân trí)

"Một người làm ngân hàng chuyên nghiệp phải biết làm sao để quản lý tỷ lệ cho vay trung, dài hạn một cách hợp lý, vì phần lớn tiền gửi cho vay là ngắn hạn", ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDBank, cho biết.

Để thu hút nguồn tiền gửi dài hạn, các ngân hàng thường để lãi suất dài hạn cao hơn so với ngắn hạn. Bên cạnh đó, họ cũng tăng cường tìm kiếm vốn tài trợ từ các tổ chức quốc tế, trung bình từ 3 - 5 năm, gần đây nhất, VPBank đã huy động được nguồn tài trợ lên tới 7 năm, để đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn vốn.

"Mục tiêu đa dạng hóa nguồn vốn rất quan trọng. Hạn mức lần này là 300 triệu USD của DFC cấp cho VPBank với kỳ hạn 7 năm, là khoản vay lớn nhất của một tổ chức và với kỳ hạn dài nhất có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có khoản vốn với kỳ hạn dài hơn. Trong khi đó, VPBank vẫn đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước, ví dụ như nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn", bà Võ Hằng Phương, Giám đốc Khối thị trường tài chính và Ngân hàng giao dịch, VPBank, cho hay.

"Đây là lộ trình giúp các ngân hàng thương mại có thể tăng độ an toàn của mình trong quá trình huy động và sử dụng vốn, kinh doanh theo thông lệ quốc tế. Việc huy động vốn trung và dài hạn chỉ được cho vay trung, dài hạn. Còn vốn ngắn hạn chỉ cho vay ngắn hạn, nếu thiếu thì chỉ sử dụng một tỷ lệ nhỏ", ông Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính, nhận định.

 

Ngoài ra, các ngân hàng cũng huy động vốn trung, dài hạn khác thông qua vốn góp, hay phát hành chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu...

Đa dạng các kênh huy động vốn dài hạn

Giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn rõ ràng là an toàn hơn cho hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên các ngân hàng sẽ phải giảm việc cho vay trung, dài hạn. Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị tạm lùi áp dụng quy định này thêm 1 năm, vì lo ngại các doanh nghiệp bất động sản sẽ khó tiếp cận vốn, vì bất động sản thường là vay dài hạn.

Tuy nhiên, không chỉ bất động sản đâu, nhiều ngành nghề sản xuất khác cũng cần vay vốn trung, dài hạn để đầu tư nhà xưởng, máy móc... Việc cho vay dự án nào sẽ tùy thuộc vào mỗi ngân hàng.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, khoảng trên 80% tiền gửi là ngắn hạn, tức là dưới 1 năm, nên không thể cho vay dài hạn quá nhiều. Vốn ngân hàng sẽ chủ yếu phục vụ cho các khoản vay ngắn hạn, phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Còn về dài hạn, các doanh nghiệp cần giảm sự phụ thuộc vào vốn vay, đồng thời cần phải đa dạng các kênh huy động vốn khác thông qua thị trường chứng khoán, trái phiếu.

 

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh vừa kiến nghị được lùi thời hạn áp dụng quy định này. Bởi không chỉ các dự án bất động sản, với nhu cầu vay vốn trung dài hạn có thể lên tới 50 - 60% tổng đầu tư cho dự án, mà nhu cầu chung của toàn nền kinh tế là rất lớn.

"Hàng năm, số tiền gửi tiết kiệm của dân cư lên tới trên dưới 10 triệu tỷ đồng. Với 4%, nếu tính trên 10 triệu tỷ đồng, đây là con số rất lớn, khoảng 400.000 tỷ đồng có thể được sử dụng để đưa vào nền kinh tế. Còn các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cá nhân, hộ gia đình muốn vay thì phải đáp ứng điều kiện vay của các tổ chức tín dụng", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, cho hay.

Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của hệ thống ngân hàng hiện nay khoảng 26%, thấp hơn so với quy định. Nút thắt này chưa lập tức làm khó người dân và doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, tín dụng ngân hàng không thể gánh sức nặng đầu tư của toàn nền kinh tế, mà cần thêm các cột trụ từ thị trường vốn.

"Khi ngân hàng không còn là kênh dễ dàng nên các doanh nghiệp sẽ chú trọng hơn vào thị trường vốn. Thứ hai là sẽ giảm thiểu được rủi ro của nền kinh tế. Từ trước đến nay, nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống ngân hàng, nhưng khi thị trường vốn tăng lên sẽ giảm bớt áp lực biến động của nền kinh tế", ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân - Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, đánh giá.

 

"Chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ là phát triển thị trường chứng khoán, bao gồm kênh huy động từ cổ phiếu cũng như trái phiếu để đa dạng hóa nguồn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp, từ đó giảm áp lực thanh khoản lên các ngân hàng. Để làm được điều này cần có sự nỗ lực của các bên tham gia thị trường, cơ quan chức năng cũng như chính bản thân doanh nghiệp", ông Cao Việt Hùng, Giám đốc Phân tích Ngành Tài chính - Ngân hàng - Công ty Chứng khoán ACBS, nhận định.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức 126%. Trong khi quy mô trái phiếu doanh nghiệp trên GDP đang ở mức 14%, bằng khoảng 1/2 quy mô của Singapore hay Thái Lan, theo VinaCapital.

Trên thị trường chứng khoán, riêng lĩnh vực bất động sản, chỉ có khoảng 60 trong tổng số 40.000 doanh nghiệp đang niêm yết, cho thấy dư địa để phát triển thị trường vốn, cả chứng khoán và trái phiếu, nhằm tạo nguồn vốn trung và dài hạn cho phát triển kinh tế, bên cạnh tín dụng là rất lớn.

Quy định về vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã từng được gia hạn một lần vào giai đoạn dịch COVID-19 để hỗ trợ nguồn vốn cho thị trường. Chính việc giảm tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn" cũng được đưa ra trong Quyết định 1191 của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình phát triển thị trường trái phiếu, nhằm tạo sự liên kết, cân đối và đồng bộ giữa thị trường tiền tệ, tín dụng và trái phiếu, qua đó, giúp thị trường vốn phát triển lành mạnh, bền vững hơn.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm