Thị trường

Cảnh sát Ý hỗ trợ tạm giữ 16 container điều xuất khẩu

DNVN - Ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết: Cảnh sát Ý đang hỗ trợ tạm giữ 16 container giúp doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp tạm thời và doanh nghiệp Việt sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Thủ tướng chỉ đạo khẩn về việc doanh nghiệp xuất khẩu điều có nguy cơ bị lừa đảo / Doanh nghiệp xuất khẩu điều có nguy cơ bị lừa đảo: Thủ tướng chỉ đạo 5 bộ, ngành vào cuộc tháo gỡ

Theo ông Trần Hữu Hậu, Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ý vừa thông tin, chiều 17/3/2022, đã có thêm 11 container nhân hạt điều xuất khẩu của Việt Nam tại Ý được cảnh sát kinh tế - tài chính giữ lại. Trước đó, cảnh sát kinh tế - tài chính Ý đã giữ 3 container (đợt 1) và có 2 container (đợt 2).

Tuy nhiên, việc giữ các lô hàng của cảnh kinh tế - tài chính Ý chỉ là giữ tạm thời. Với sự vào cuộc nhanh chóng của Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Ý, Cảnh sát kinh tế - tài chính Ý tin tưởng các ý kiến xác nhận của thương vụ về việc Việt Nam đang đề nghị phía Ý hỗ trợ chặn lại các lô hàng chưa giao cho bên mua.

Nhưng về nguyên tắc, đây là vấn đề thương mại nên cảnh sát kinh tế - tài chính Ý không can thiệp, bởi đây là quan hệ kinh tế, mua bán giữa các bên phải theo Luật Hàng hải Quốc tế.

Trong Luật Hàng hải Quốc tế, khi hàng hóa của người bán đã giao cho người vận chuyển thì người vận chuyển có toàn quyền trên tài sản đó. Khi chủ hãng tàu nhận của chủ hàng, hàng này coi như thuộc quyền định đoạt của họ. Họ trao cho chủ hàng vận đơn và chỉ khi nào người nhận hàng cầm vận đơn đến, họ sẽ giao. Ngoài ra, không giao cho bất kỳ ai, cảnh sát cũng không can thiệp được.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang thông báo là mất vận đơn, về nguyên tắc, theo Luật Hàng hải Quốc tế, mất vận đơn là chuyện của doanh nghiệp, doanh nghiệp phải khiếu nại và phải có trát tòa án yêu cầu dừng không giao hàng.

Sau đó, tòa sẽ xem xét và phán quyết hàng này phải trả lại cho chủ hàng thì hãng tàu sẽ trả cho chủ hàng, tức là trả cho người bán. Các hãng tàu chỉ thực hiện theo trát tòa. Vì vậy, quyết định giữ lô hàng là do tình thế khẩn cấp tạm thời, Cảnh sát kinh tế - tài chính Ý đã đề nghị hãng tàu ở Ý giữ lô hàng lại, không giao cho ai.

Cảnh sát Ý hỗ trợ tạm giữ 16 container điều xuất khẩu, tuy nhiên, doanh nghiệp Việt sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Phó Tổng Thư ký VINACAS, đã có người cầm bộ chứng từ đến và đã làm thủ tục hải quan, đã đóng phí để rút hàng ra. Cảnh sát Ý đã yêu cầu giữ lô hàng lại và sẽ làm việc với người đến nhận hàng, chờ phía Việt Nam làm các thủ tục của tòa án.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Thương vụ Việt Nam tại Ý đã đề nghị VINACAS và doanh nghiệp làm việc để Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Tòa Kinh tế TP Hồ Chí Minh ra phán quyết khẩn cấp yêu cầu các hãng tàu dừng việc giao hàng đã đến cảng Ý cho người có chứng từ gốc.

“Nếu không kịp thời giải quyết các vấn đề phía tòa án theo luật quốc tế thì người bán là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp vô cùng khó khăn vì phải trả tiền lưu kho, lưu bãi rất cao”, ông Hậu cho biết.

Đơn cử như 5 container hạt điều đang được giữ lại tại Singapore, nếu vận chuyển 5 container hàng này về Việt Nam, thì ngoài trả tiền theo hành trình sang Ý, doanh nghiệp phải trả thêm tiền vận chuyển từ Singaprore về Việt Nam, hoặc nếu hàng đã đến Ý mà tiếp tục vận chuyển đến nơi khác để bán thì phải trả thêm khoản tiền vận chuyển này. Trong khi đó, việc đàm phán với các hãng tàu đang gặp nhiều khó khăn vì hiện nay các hãng tàu đều là hãng lớn trên thế giới, phía Việt Nam đã tiếp xúc đều là đại lý các hãng tàu lớn ở chính quốc. Chưa kể với các hãng tàu lớn trên thế giới này, 36 container hàng là câu chuyện rất nhỏ đối với họ.

Hiện còn 20 container điều vẫn mất kiểm soát sẽ cập cảng cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2022. Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu có 2 container hạt điều đã cập cảng tại Ý và được hỗ trợ giữ lại tại đây cho biết, chỉ được tạm phong tỏa khoảng 2 tuần và họ chưa biết phải xử lý lô hàng này thế nào.

Phía ngân hàng Ý được người mua chỉ định xác nhận hiện mới chỉ nhận được bộ chứng từ photocopy nên không thể giải quyết cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng đã liên hệ hãng tàu nhờ hỗ trợ nhưng họ bắt đặt cọc khoản tiền gấp đôi giá trị lô hàng trong 6 năm mới có thể giải phóng hàng. Đây là khoản tiền lớn và thời gian cược quá dài nên doanh nghiệp không chấp nhận.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm