Cao Bằng: Thoát nghèo nhờ 'lộc trời' ở Hà Quảng
TP.HCM: Miễn tiền nước cho hộ nghèo và các khu cách ly chống dịch Covid-19 / WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,9% năm nay
Hà Quảng được ví như nàng công chúa ngủ trong rừng sau những ngày đông lạnh giá. Tết Canh Tý năm 2020 là năm thứ 3, người dân nơi đây được đón cái Tết đủ đầy hơn với nghề trồng gừng gia vị. Người dân coi gừng như "lộc trời" ban tặng cho mảnh đất nghèo này.
“Sỏi đá cũng thành cơm”
Ít ai ngờ rằng, một huyện núi đá tai mèo cheo leo, thời tiết khắc nghiệt lại có thể trở thành một vùng trồng nguyên liệu gừng gia vị hữu cơ. Có tận mắt chứng kiến sự đổi thay nơi đây mới thấy được hết sự cần cù của người dân và chính quyền đã vượt khó như thế nào.
3 năm trở lại đây, từ một huyện “nghèo bền vững” mà nay Hà Quảng đang dần xoá cái “danh hiệu” ấy bằng sự đồng lòng của cả người dân và chính quyền.
Ông Nguyễn Trọng Hính, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hà Quảng cho biết, toàn huyện có 20 HTX, trong đó có 8 HTX nông nghiệp, còn lại là HTX dịch vụ.
Trước đó, huyện chủ yếu chăn nuôi lợn đen, trồng cây thuốc lá và trồng ớt, nhưng chỉ ở quy mô nhỏ, không tiêu thụ được nên nhiều người dân vẫn nghèo. Từ khi Đảng và Nhà nước triển khai chính sách giảm nghèo đã biến Hà Quảng từ vùng đất cằn sỏi đá trở thành một vùng trồng gừng nguyên liệu trù phú.
Gia đình anh Trương Văn Lần (dân tộc Nùng), thôn Ngườm Vài, xã Nội Thôn, huyện Hà Quảng là một trong những hộ thay đổi cơ cấu cây trồng, từ đó thoát nghèo, cuộc sống ấm no.
Ngườm Vài là một thôn nghèo nhất và xa nhất của xã Nội Thôn và huyện Hà Quảng, có chung đường biên giới với Trung Quốc. Ngườm Vài chỉ có núi đá và những thung lũng đá tai mèo xen lẫn sỏi cứng. Thế nhưng nhờ mối duyên lành đã đến và đã “gieo mầm” trên miền biên trập trùng núi đá, biến nơi đây thành một khu vực đầy tiềm năng trồng cây gia vị gừng.
Anh Lần cho biết, đây là năm thứ ba gia đình trồng gừng. Trước đây, cũng thung lũng này, anh chỉ biết có trồng ngô, gia đình quanh năm đói, sức dài vai rộng nhưng chẳng biết xoay xở kiểu gì nơi đất cỗi.
Năm 2018, huyện và Công ty Phát triển Nông nghiệp và Tư vấn Môi trường (Dace) đã vận động bà con trồng gừng, Công ty hỗ trợ bằng cách bao tiêu sản phẩm. Gia đình hồ hởi làm theo hướng dẫn. Lúc đầu dò dẫm trồng thử, rồi nhanh chóng chuyển sang trồng thật, diện tích trồng gừng của gia đình hiện lên tới 1 mẫu, sản lượng năm nay đạt chừng 7 tấn. Nếu tính giá thu mua của Công ty Dace là 13.000 đồng/1kg, trừ tất tật mọi chi phí thì gia đình vẫn thu về 40 triệu đồng/năm. Điều này trước đây có nằm mơ anh cũng không bao giờ thấy.
“Gia đình tôi có 6 nhân khẩu, trước đây con lớn phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình vì quá nghèo, nhưng nay thu nhập từ gừng tốt hơn nên các con nhỏ đều được đến trường”, giọng người đàn ông này xúc động.
Phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ
Nói về hiệu quả của sự đổi thay dịch chuyển sản xuất và cơ cấu cây trồng, ông Lưu Trọng Hính cho hay, huyện chính thức hợp tác với Công ty Dace từ năm 2016, lúc đó cả huyện chỉ có 1ha gừng, đến nay phát triển lên 200ha gừng.
Quay lại thời điểm năm 2015, khi Dace chưa “vào”, cả Hà Quảng chỉ có 1ha gừng nhưng người dân bán lay lắt không hết, bán sang Trung Quốc không có hợp đồng ký kết, nên nhiều khi giá 800 đồng/1kg cũng không ai mua, gừng đành để thối. Đời sống bà con cũng bấp bênh, bữa đói, bữa no.
Từ khi tham gia mở rộng diện tích gừng và đầu tư theo chuỗi giá trị, có đầu ra bền vững cho sản phẩm, được doanh nghiệp bao tiêu thì tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 96% xuống còn 66%, thu nhập từ gừng cao gấp 6 lần ngô. Năm 2019, gừng được mùa lớn, giá trị mang về cao gấp 13 lần ngô.
“Điều đó khiến chính quyền huyện Hà Quảng tự tin phác thảo kế hoạch đến năm 2025, huyện sẽ mở rộng diện tích trồng gừng lên 500ha và tiến tới năm 2030 sẽ lên đến 1.000ha”, ông Hính nói.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là để mở rộng được diện tích trồng gừng cần thay đổi tư duy của bà con. Trên địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp, sống ở những vùng hẻo lánh, ít tiếp xúc với bên ngoài, nên làm thay đổi tư duy của họ không thể một sớm, một chiều.
Bên cạnh đó, làm gừng hữu cơ khó nhất là tuyên truyền, vận động bà con không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ; sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro về dịch bệnh, thời tiết.
Nhưng có một điều may mắn là tại Hà Quảng, người dân không có thói quen, thậm chí chưa bao giờ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên đất nơi đây đủ tiêu chuẩn trồng các loại cây hữu cơ.
Huyện cũng chủ trương sẽ phát triển vùng đất này trở thành nơi nói không với các loại thuốc hoá học. Điều đó vừa góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; vừa xây dựng một vùng đất sạch, đủ điều kiện trở thành một vùng trồng các loại cây hữu cơ.
Ông Hính tự tin, huyện đang có nhiều lợi thế về trồng gừng hữu cơ, trên địa bản tỉnh duy nhất chỉ có Hà Quảng nhận được chứng nhận hữu cơ của Nhật, Mỹ nên đây là cơ hội để cây gia vị gừng vươn xa.
Anh Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty Dace, một doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ gừng hữu cơ trên địa bàn huyện Hà Quảng cho biết, đất Hà Quảng có lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng cao 1.300m so với mặt nước biển nên gừng ở đây to và thơm ngon hơn các vùng khác.
“Sản phẩm gừng trồng ở khu vực này đã được gửi đến các chuyên gia của Pháp, họ đánh giá đây là khu vực rất phù hợp, tạo nên gia vị và làm đồ uống rất ngon từ củ gừng”, anh Hiếu nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Xăng giảm giá
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh